Xã hội

Phương án kiện toàn bộ máy, sắp xếp cán bộ 34 tỉnh, thành sau sáp nhập

Tóm tắt:
  • Bộ Nội vụ trình Chính phủ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025, giữ nguyên tỉnh đặc thù Cao Bằng.
  • 23 tỉnh, thành được sáp nhập thành 34 tỉnh, thành gồm 6 thành phố trực thuộc Trung ương và 28 tỉnh.
  • Tổng biên chế sau sắp xếp không vượt quá số hiện tại, thực hiện tinh giản biên chế trong 5 năm tới.
  • Sau sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền gồm HĐND, UBND và các ban chuyên môn được thành lập, sở ngành hợp nhất.
  • Có 4.226 trụ sở công dôi dư, xử lý tài sản công theo quy định, giữ nguyên đơn vị sự nghiệp công lập y tế, giáo dục.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký tờ trình gửi Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: Quochoi.vn)

Cao Bằng là tỉnh có yếu tố đặc thù nên không sáp nhập

Tờ trình của Bộ Nội vụ nêu rõ, UBND của 23 tỉnh, thành phố nơi được lựa chọn đặt trung tâm chính trị - hành chính mới đã chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan xây dựng 23 hồ sơ đề án sắp xếp 52 tỉnh phải sáp nhập đợt này.

Bộ Nội vụ đã thẩm định 23 hồ sơ đề án nêu trên và tổng hợp, xây dựng thành một đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.

Về phương án sắp xếp các tỉnh, dự thảo đề án nêu cụ thể thông tin 4 thành phố trực thuộc Trung ương và 48 tỉnh thực hiện sáp nhập, hợp nhất.

Còn lại 11 tỉnh, thành không thực hiện sắp xếp thì có 10 tỉnh đủ tiêu chuẩn theo quy định là Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; 1 tỉnh chưa đủ tiêu chuẩn nhưng có yếu tố đặc thù nên cũng giữ nguyên là Cao Bằng.

Sau sắp xếp, cả nước có 34 tỉnh, thành gồm 6 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM.

28 tỉnh gồm Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang.

23 tỉnh thành mới được giao 937.935 biên chế

Theo Bộ Nội vụ, toàn bộ 23/23 tỉnh hình thành sau sắp xếp đã đạt định hướng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 76/2025 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hiện nay, tổng biên chế được giao của 52 tỉnh, thành thực hiện sắp xếp là 937.935 người, gồm 37.447 cán bộ, 130.705 công chức, 769.783 viên chức.

Sau sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức trước sắp xếp. Trong 5 năm, các tỉnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ.

Về phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy với khối Đảng, đoàn thể, Đảng bộ tỉnh, thành phố sẽ được thành lập sau sắp xếp trên cơ sở hợp nhất số lượng đảng viên, tổ chức đảng trực thuộc các tỉnh ủy, thành ủy trước sắp xếp.

Dự thảo đề án cũng nêu vấn đề chỉ định Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố sau sắp xếp theo quy định phân cấp quản lý cán bộ và hướng dẫn của Trung ương.

Bên cạnh thành lập cơ quan tham mưu của tỉnh ủy, thành ủy thuộc Trung ương, dự thảo đề án cũng nêu việc thành lập cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới sau sắp xếp.

Với khối chính quyền, cấp tỉnh mới có HĐND và UBND. Trong đó, HĐND các tỉnh sau sắp xếp thành lập 3 ban: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội. Tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có thể thành lập thêm Ban Dân tộc.

HĐND thành phố trực thuộc Trung ương thành lập 4 ban: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Đô thị.

Đối với các sở, cơ quan tương đương, sẽ hợp nhất các sở, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Một số cơ quan chuyên môn đặc thù thuộc UBND cấp tỉnh (không đồng nhất giữa các tỉnh, thành phố cùng thực hiện sắp xếp) về cơ bản giữ nguyên mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và biên chế.

Sau sắp xếp, UBND cấp tỉnh tổ chức tối đa 14 sở và đơn vị tương đương. Riêng TP.HCM tổ chức tối đa 15 sở và đơn vị tương đương.

Bên cạnh đó, nguyên tắc thống nhất đề ra là giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, giáo dục trên địa bàn. Các đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc UBND tỉnh và trực thuộc các sở, cơ quan thì thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

Bộ Nội vụ cho biết, tổng hợp theo số liệu báo cáo tại đề án của các tỉnh, thành phố, có 38.182 trụ sở công cấp tỉnh của 52 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp; trong đó 33.956 trụ sở công dự kiến tiếp tục sử dụng, 4.226 trụ sở công dự kiến dôi dư.

Việc bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công sau sắp xếp đơn vị cấp tỉnh sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Các tin khác

Xác lập 5 kỷ lục Phật giáo Việt Nam

Trong khuôn khổ lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc - Vesak 2025 diễn ra ngày 8/5, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận cùng lúc 5 kỷ lục về Phật giáo. Các kỷ lục được trao tặng cho Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Từ 10.5, hộ gia đình, kinh doanh... trả thêm bao nhiêu tiền điện mỗi tháng

Hôm nay (10.5), quyết định tăng giá điện bán lẻ chính thức có hiệu lực. Mức giá bán lẻ điện bình quân sau khi điều chỉnh là 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), theo đó, hộ gia đình dùng 500kW phải trả thêm hơn 65.000 đồng; hộ kinh doanh dịch vụ, trả thêm 332.000 đồng mỗi tháng.

Đồng Nai: Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ

Rạng sáng 10.5, nhiều khu vực ở các huyện miền núi của Đồng Nai như Tân Phú, Định Quán có mưa to, khiến người tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn. Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai đã ra cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất.

5 quả hỗ trợ giải độc gan

Uống nước chanh, ăn quả mọng, bưởi hay kiwi đều có thể tăng cường chức năng gan, hỗ trợ quá trình giải độc nhờ các hợp chất thực vật tự nhiên.