Trả lời câu hỏi về tăng trưởng tín dụng, tại buổi họp báo Chính phủ chiều 7-12, ông Đào Minh Tú (phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho hay mặc dù khó khăn nhưng "tăng trưởng tín dụng được giải quyết tích cực với sự tăng trưởng kinh tế", tín dụng gắn với tăng trưởng kinh tế, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Tăng trưởng tín dụng đã đạt 12,5%
"Hiện với mức tăng trưởng tín dụng, chắc chắn kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu cho tăng trưởng kinh tế", ông Tú nói.
Theo phó thống đốc, tính đến hôm nay (7-12), tín dụng tăng trưởng 12,5%. Qua đó cho thấy tốc độ tăng tín dụng khá tích cực so với cùng thời điểm năm 2023 (9%). Tổng dư nợ của toàn nền kinh tế là 15,3 triệu tỉ đồng, huy động vốn đạt 14,8 triệu tỉ đồng và tốc độ tăng của dư nợ đang cao hơn huy động vốn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có những động tác điều chỉnh, hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại bằng các công cụ điều hành chính sách, từ đó hỗ trợ vốn cho nền kinh tế.
"Việc tín dụng tăng nhanh do nền kinh tế có nhiều thuận lợi và đạt kết quả tích cực, xuất khẩu tăng nhanh và doanh nghiệp nhìn chung phát triển trở lại với phong độ, mức độ phát triển hơn năm 2023 cho thấy môi trường và sự phát triển chung của nền kinh tế.
Cùng đó là sự điều hành quyết liệt, đồng bộ của trung ương và địa phương, kinh tế ngành và vĩ mô, chính sách tài khóa và tiền tệ, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, vay vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn", ông Tú nhận định.
Ngoài ra, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% được đặt ra ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành quyết liệt với nhiều biện pháp để thực hiện mục tiêu.
“Nếu không có cơn bão số 3 gây ảnh hưởng, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể còn cao hơn con số này”, phó thống đốc cho hay.
Lãi suất cho vay bình quân đã giảm so với đầu năm
Ông Tú chia sẻ thêm Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều hành chủ động, các ngân hàng thương mại hoàn toàn chủ động trong việc xác định hạn mức theo nhu cầu vốn của nền kinh tế và khả năng của ngân hàng mình.
Ngân hàng nào hết hạn mức được giao từ đầu năm cũng chủ động trong việc tăng thêm hạn mức, mà không chờ Ngân hàng Nhà nước thông báo như những năm trước đây.
"Nguồn vốn lưu động đảm bảo hài hòa lãi suất đầu ra, so với đầu năm lãi suất cho vay bình quân giảm với khoản cho vay mới là 0,96%", ông Tú thông tin và nhận định đây cũng là lý do giúp doanh nghiệp hạ chi phí đầu vào, tích cực đầu tư.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn liên quan tới thủ tục, quy định và cơ chế giãn, hoãn nợ. Các cơ chế chính sách này năm 2024 đã phát huy hiệu quả, doanh nghiệp đón nhận chính sách tích cực, nên giúp tháo gỡ, đẩy mạnh tín dụng sản xuất và tiêu dùng.
Việc đạt mục tiêu 15% hay không, theo ông Tú là chỉ tiêu định hướng. Thông thường cuối năm giải ngân tích cực nên mức này sẽ đạt được trong năm 2024.
Về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với mục tiêu 7%, ông Trần Quốc Phương - thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho hay hầu hết dự báo của các tổ chức kinh tế thế giới với Việt Nam đều tăng dự báo.
Thực tế này cho thấy trong quý cuối năm 2024, nếu không có biến động lớn xảy ra, tác động tiêu cực bên ngoài, sẽ có cơ sở đạt mục tiêu 7% của năm 2024.
Theo ông Phương, rà soát lại các động lực tăng trưởng từ nay đến cuối năm, có thể thấy cơ hội gia tăng thêm. Trước hết là về xuất khẩu, tín hiệu thị trường tương đối tốt, đơn hàng quay trở lại và đang gia tăng xuất khẩu.
Các nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài cũng đánh giá thị trường đầu tư thế giới có vẻ ảm đạm "nhưng ở Việt Nam đầu tư vẫn rất tốt". Chỉ số đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam cho thấy những tháng gần đây gia tăng trở lại số doanh nghiệp đăng ký mới.
"Chúng ta mạnh dạn tin rằng với điều hành của Chính phủ thì nền kinh tế không những phục hồi mà gia tăng, tin tưởng vào tăng trưởng đầu tư năm 2024", ông Phương đánh giá và cho rằng với những động lực như vậy, có thể kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn 7% so với mục tiêu Quốc hội giao.
Năm 2025 Chính phủ mạnh dạn đặt mục tiêu 8%, tiếp nối đà tăng trưởng năm 2024. Trong năm tới cũng có những nhân tố mới, với những thay đổi mang tính căn cơ, đặc biệt là thể chế, chính sách, khi Quốc hội thông qua một loạt luật với tư duy đột phá, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn.
Luật này có hiệu lực từ đầu năm 2025, nên sẽ kích thích tăng trưởng, giải phóng nguồn lực lâu nay bị ách tắc, tháo gỡ tăng trưởng năm 2025.
"Mức phấn đấu 8% là để chuẩn bị sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc" - ông Phương nói và cho biết dự thảo nghị quyết 01/2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giải pháp chỉ đạo điều hành hướng tới tâm thế đạt 8%.