Tại khu ven Tp.HCM không khó bắt gặp các dự án khu đô thị số người vào ở thực chỉ chiếm khoảng 5-10% trong suốt thời gian dài. Những ngôi nhà giá rao hàng chục tỉ đồng mỗi căn hiện đã xuống cấp, mọc rêu xanh và không có "sự sống".
Thực tế tại quận 9, một khu đô thị đã hình thành khoảng 9 năm nhưng hiện chỉ vài dãy nhà đã xây dựng. Trong số các dãy nhà này rất ít hộ dân về sinh sống (bao gồm cả chính chủ và đi thuê). Khoảng 8-9 giờ tối là gần như nơi đây không còn hoạt động của sinh hoạt, vui chơi.
Thiếu tiện ích sinh sống như khu vui chơi, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, công viên... đã khiến khu vực này khó thu hút được cư dân về sinh sống dù giá nhà tăng lên theo năm.
Hay, tại khu vực Nhơn Trạch (Đồng Nai) khá nhiều khu đô thị bỏ hoang sau những đợt sốt đất. Hiện không ít tòa nhà xây dựng dở dang, đứng hình nhiều năm.
Điển hình là Khu đô thị Long Thọ - Phước An do Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, có diện tích 223 ha. Khu đô thị này được xây dựng với cơ sở hạ tầng đồng bộ hoàn chỉnh như đường giao thông, cấp thoát nước, điện, bưu chính viễn thông, cây xanh, phòng cháy chữa cháy, nhà máy cấp nước… Thế nhưng, đến nay, hàng chục căn biệt thự, nhà liền kề có giá tiền tỷ đã xây xong nhưng đang bỏ không cho cỏ mọc, cửa kính và tường đã bị hư hỏng. Một số khu đất đã bị bỏ hoang làm nơi trồng mì xuất bao nhiêu năm.
Tương tự, tại dự án nhà ở Thương Mại - Dịch Vụ Cao Cấp Thành Phố Nhơn Trạch, những shophouse luôn trong tình trạng cửa kín then cài. Mặc dù đã bán hết nhưng theo ghi nhận cư dân chưa về ở được là do thiếu điện, thiếu nước, xung quanh chưa có tiện ích.
Tình trạng những ngôi nhà tại Nhơn Trạch xây dang dở, không hoàn công được cho khách hàng, không hoàn thiện hạ tầng, điện nước khiến nhiều khách hàng muốn ở cũng không được, bán cũng không xong.
Có thể thấy, những ngôi nhà hàng chục tỉ đồng tại khu ven Tp.HCM “hằn in bóng dáng” nhà đầu tư, người mua ở thực như “kẻ lạc lối”. Không ít người khi dọn về ở đều không có hàng xóm sau nhiều năm. Thậm chí, để tiếp cận với các tiện ích cộng đồng cũng trở nên khó khăn. Đây là minh chứng cho hậu quả của những cơn sốt đất để lại.
Việc mua bán hiện nay vẫn âm thầm diễn ra ở hoạt động đầu tư, gần như không có nhu cầu ở thực. Mỗi căn nhà đều tăng giá theo năm nhưng giao dịch thực tế rất ít. Nhiều dự án hiện chỉ là những dãy nhà "phơi nắng mưa", và không có "sự sống" suốt hàng chục năm qua khiến bức tranh chung khá ảm đạm.
Nhiều người đặt câu hỏi, mất bao lâu để nhu cầu ở thực lấp đầy khu đô thị hàng chục héc-ta khi hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa được đầu tư như những lời quảng cáo có cánh trước đó. Liệu rằng, giá trị lâu dài của bất động sản có được phát huy khi nhu cầu ở thực không có. Liệu rằng việc tăng giá bất động sản "vô tội vạ" ngay cả khi bất động sản đứng im còn để lại hậu quả như thế nào đối với nền kinh tế, với xã hội?.