Trả lời câu hỏi của phóng viên về dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 7/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết về tổng mức đầu tư cho dự án này rất lớn. "Tuy chưa có con số chính xác nhưng dự kiến sơ bộ sẽ lên tới hàng tỷ USD", ông nói.
Ngoài ra, còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tổng vốn đầu tư như quy mô, vị trí, yêu cầu công nghệ và cả yêu cầu về vấn đề an toàn.
Ông nhấn mạnh, dự án này mang đến rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, tạo được nguồn năng lượng nền, sạch, đáp ứng được tiêu chuẩn kép hiện nay trong xu thế phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
"Nếu không có năng lượng nền để đáp ứng, phục vụ, cân đối lại nguồn điện thì rất nguy hiểm. Nên với sự phát triển của điện hạt nhân cùng với các nguồn điện xanh, sạch khác, đây là điều kiện tốt đảm bảo lợi ích liên quan đến an ninh năng lượng cũng như đáp ứng được tiêu chuẩn kép vừa là nền, vừa xanh sạch", Thứ trưởng nói.
Thứ hai, dự án này sẽ đảm bảo nguồn năng lượng an toàn để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, không chỉ ở Ninh Thuận mà còn vùng xung quanh và đáp ứng nhu cầu toàn quốc. "Thậm chí, tương lai với sự phát triển mạnh về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sạch, chúng ta còn hướng tới xuất khẩu", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ ba, tạo động lực để chúng ta có một nền công nghệ, khoa học cao, đặc biệt là khoa học năng lượng nguyên tử. Đây là khoa học nền tảng và tương lai còn phát triển, kéo theo cả một ngành công nghiệp cũng như nguồn nhân lực cao để phát triển đất nước.
Về lộ trình thực hiện dự án, theo Thứ trưởng, ngày 30/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết với chủ trương tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, bên cạnh đó cũng cho nghiên cứu các chương trình phát triển điện hạt nhân.
Hiện Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành có liên quan và Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu, báo cáo với Chính phủ. Để thực hiện dự án, trước hết cần phải hoàn thiện thể chế pháp luật.
"Rất mừng là tại kỳ họp vừa rồi của Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi, trong đó có nội dung liên quan đến việc phát triển điện hạt nhân", Thứ trưởng nói.
Bên cạnh đó, trong tuần này, Chính phủ họp đã thông qua dự kiến và sẽ báo cáo với Quốc hội để sửa đổi Luật về năng lượng nguyên tử, cũng là một cơ sở liên quan đến các vấn đề nội dung cơ bản, liên quan đến công nghệ, vấn đề an toàn trong phát triển điện hạt nhân.
Với hành lang như vậy thì cơ bản đã đầy đủ các cơ sở pháp lý để triển khai. Bên cạnh đó, cần có các hệ thống pháp luật khác có liên quan đến đầu tư, xây dựng, an toàn, bảo vệ môi trường,Thứ trưởng cho biết thêm.
Thứ hai, Bộ Công Thương đã tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân và Tổ công tác để tiếp tục khởi động chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
Ban chỉ đạo dự kiến do đồng chí Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và một Phó Trưởng ban là Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên gồm các Bộ trưởng các ngành có liên quan. Tổ công tác thực hiện theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo và dự kiến sẽ gồm đại diện của các bộ, ngành có liên quan và đặc biệt là có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học về phát triển điện hạt nhân. Tổ trưởng Tổ công tác sẽ là Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Ngoài ra, để có thể triển khai được, Bộ Công Thương sẽ sớm trình các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch điện VIII. Đây là một cơ sở pháp lý cơ bản trong vấn đề cụ thể hóa chủ trương của Quốc hội, của Trung ương.
"Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để lựa chọn chủ đầu tư trong vấn đề triển khai thực hiện nhà máy điện hạt nhân. Việc lựa chọn chủ đầu tư là một nội dung rất quan trọng, vì đây là chủ thể rất đặc biệt tổ chức triển khai toàn bộ quá trình liên quan, từ nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và vận hành nhà máy điện", Thứ trưởng Tân cho biết.
Về địa phương, Bộ Công Thương đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu và sớm tạo điều kiện có mặt bằng sạch cũng như tạo được sự đồng thuận của người dân địa phương để thuận lợi nhất cho quá trình triển khai dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận.
Cơ bản hiện nay, dự án đã đạt được sự đồng thuận rất cao, cho nên có rất nhiều thuận lợi. Trước đây, trong quá trình triển khai, dự án này thực chất đã được xem xét, có chủ trương nhưng sau đó tạm dừng vì một số lý do khách quan và bây giờ lại tiếp tục triển khai. Do đó, dự án cũng đã có quá trình chuẩn bị nhất định. Đấy là một thuận lợi rất lớn, Thứ trưởng đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông cũng có một số thách thức, trong đó quan trọng nhất câu chuyện lựa chọn công nghệ, đảm bảo an toàn. Nếu đạt được tiêu chuẩn chung của tổ chức quốc tế và đặc biệt là các khuyến cáo của các cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế thì sẽ rất yên tâm. Hiện nay công nghệ rất tiên tiến, có rất nhiều công nghệ mới và đảm bảo an toàn ngày càng cao.