Xã hội

Phó Chủ tịch UBND TP HCM nói lý do chậm phân bổ vốn đầu tư công năm 2025

Tóm tắt:
  • Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận thiếu sót trong phân bổ vốn đầu tư công.
  • Tổng kế hoạch vốn ngân sách năm 2025 hơn 165.000 tỷ, chiếm 20% cả nước.
  • TP HCM chưa phân bổ hết vốn do thủ tục dự án chưa hoàn thiện.
  • Các địa phương đều cam kết nâng cao tỷ lệ giải ngân trong năm 2025.
  • Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải đạt tỷ lệ giải ngân 100%, chuyển biến rõ ràng.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa chủ trì cuộc họp của Tổ công tác thứ 3 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương cho biết tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 được Thủ tướng giao cho 13 bộ, cơ quan, địa phương thuộc Tổ công tác số 3 là hơn 165.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng kế hoạch đầu tư vốn của cả nước. Tính đến thời điểm báo cáo, còn duy nhất TP HCM chưa phân bổ hết kế hoạch vốn.

Nhìn nhận thiếu sót, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết địa phương chưa phân bổ hết vốn do các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện bố trí vốn. Tuy nhiên, đến nay, thành phố đã hoàn thiện các thủ tục và phân bổ xong số vốn.

Lãnh đạo TP HCM cho biết thêm do thành phố được giao bổ sung vốn trung hạn nên có độ trễ phân bổ vốn vào thời điểm đầu năm.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường báo cáo tại cuộc họp. (Ảnh: VGP).

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân tính đến ngày 31/3 của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 3 đạt 4,69% kế hoạch, thấp hơn mức trung bình của cả nước. Chỉ có Bộ Tư pháp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình.

Đối với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, ông Bùi Xuân Cường cho hay hiệntại, UBND TP HCM đã phân công một đầu mối duy nhất chỉ đạo chung công tác giải ngân.

"Thành phố đã nhận diện các tồn đọng trong giải ngân. Đến hết tháng 5, TP HCM sẽ rà soát, khắc phục để bảo đảm mức bằng hoặc cao hơn trung bình cả nước. Thành phố cam kết hết quý II sẽ đạt tỷ lệ giải ngân 30%", Phó Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định.

Đại diện tỉnh Đồng Nai, ông Hồ Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh giao ban hai lần một tuần về giải ngân, trực tuyến đến cấp xã. Hiện tại, tỉnh đã giải quyết cơ bản vấn đề về bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án, bảo đảm tỷ lệ giải ngân năm nay đạt 100%.

Còn đối với tỉnh Bình Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Minh Thành cho biết địa phương xác định có một điểm nghẽn trong giải ngân là xây dựng đơn giá bồi thường. Tính đến cuối tháng 4, tỉnh sẽ cố gắng hoàn thành việc này để tháng 5 tiến hành giải ngân.

Theo ông Thành, việc sắp xếp bộ máy có ảnh hưởng phần nào đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh nhưng vấn đề này sẽ ổn sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính. Bình Dương cam kết đến cuối tháng 6, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 40 - 45%.

'Cam kết giải ngân phải thể hiện bằng con số'

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh với số vốn được giao chiếm tỉ lệ lớn trong tổng vốn đầu tư của các nước của Tổ công tác thứ 3, nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng chung đến cả nước.

Phó Thủ tướng đánh giá việc giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa lớn, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, nhất là trong bối cảnh nhiều khó khăn khác đang ảnh hưởng như chính sách thuế quan của Mỹ.

Nhận định giải ngân vốn đầu tư công không còn vướng mắc về thể chế, Phó Thủ tướng cho rằng việc chậm giải ngân, không tiêu được tiền chủ yếu do nguyên nhân chủ quan của các bộ, cơ quan, địa phương.

"Thủ tướng đã nêu rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện công việc nói chung và giải ngân vốn đầu tư công nói riêng. Các bộ, cơ quan, địa phương cần ý thức về tầm quan trọng của công việc này, đánh giá đúng tình hình và có giải pháp thực hiện", lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp. (Ảnh: VGP).

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025. Phó Thủ tướng ghi nhận cam kết của các bộ, ngành, địa phương nhưng cũng lưu ý việc cam kết phải có cơ sở và phải thực hiện, có chuyển biến, thể hiện bằng con số giải ngân.

Trong đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Tư pháp trực tiếp làm việc, đi vào từng dự án cụ thể để hướng dẫn nếu có khó khăn, vướng mắc. Các địa phương cần nghiên cứu kỹ công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính để thực hiện các dự án trong giai đoạn chuyển tiếp khi không tổ chức cấp quận, huyện.

Với các dự án dùng vốn vay ODA, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động cùng Bộ Tài chính có phương án đàm phán khéo léo, khả thi với các nhà tài trợ để hoàn thành các thủ tục.

Bộ Tư pháp có nhiệm vụ tập trung hoàn thành các hạng mục của dự án Trường Đại học Luật Hà Nội cơ sở 2 tại Bắc Ninh để khánh thành cùng các dự án khác trên cả nước nhân dịp 2/9.

Bộ Y tế phải tập trung hoàn thành dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nam trước ngày 30/11, với nhiệm vụ trước mắt là củng cố ngay ban quản lý dự án và tập trung nhân lực thi công hai dự án.

Các tin khác

Nam A Bank nhận giải thưởng Vietnam ESG Awards

Ngày 23/04/2025, tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất chủ đề “Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”, Nam A Bank nhận giải thưởng ESG Việt Nam 2024 (Vietnam ESG Awards 2024). Đây là thành quả cho những nỗ lực của ngân hàng trong việc thúc đẩy tài chính xanh, ứng biến mạnh mẽ với xu hướng chuyển đổi số toàn cầu, hướng tới phát triển bền vững.