Ông có thể cho biết ý kiến của chính quyền địa phương về việc người thân của vợ chồng cụ N.V.P. và N.T.T. chôn 2 cụ trong chính ngôi nhà đang tranh chấp với con trai?
Ông Bùi Tứ Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau: Ban đầu nghe việc trên, bản thân tôi cũng cảm thấy rất phản cảm. Tuy nhiên, đây là di nguyện của người đã mất và nguyện vọng của đa số người trong thân tộc nên chúng tôi tôn trọng.
Việc chôn cất này có ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan đô thị hay không, thư ông?
Phần đất trên là đất nông thôn, không có quy hoạch, phía sau nhà cũng có chôn cất người chết. Nếu dỡ nhà ra cũng là đất trống, đất nông nghiệp. Việc chôn cất 2 vợ chồng cụ ông trong nhà trên được người dân xung quanh đồng ý, không phản ứng gì. Căn nhà này không có người ở sau khi vợ chồng cụ qua đời, nên con cháu chôn cất trong nhà và họ sử dụng căn nhà trên làm nhà thờ cúng. Chính quyền địa phương cũng ra sức vận động, thuyết phục họ chôn cất 2 cụ chỗ khác nhưng gia đình quyết tâm và bà con xung quanh ủng hộ nên chúng tôi cũng không có ý kiến gì hơn.
Xin cảm ơn ông!
Trước đó, cụ N.V.P. (95 tuổi) và vợ là cụ N.T.T. (92 tuổi) - cùng ngụ phường 9, TP Cà Mau - tranh chấp căn nhà với người con trai thứ 4. Cụ thể, sau thân tộc thống nhất giao lại toàn bộ đất, nhà cho người con trai thứ 4 quản lý khi người này hứa sẽ nuôi vợ chồng cụ P. "đến trăm tuổi". Tuy nhiên, sau gần một năm chăm sóc cha mẹ, người con trai không nuôi nữa. Lúc này, cụ P. khởi kiện đòi lại căn nhà trên. Căn nhà đang tranh chấp với người con ruột của 2 vợ chồng cụ N.V.P và N.T.T. được người thân dùng làm nơi thời cúng và chôn cất 2 cụ Tháng 11-2020, TAND TP Cà Mau xét xử, chấp nhận yêu cầu của cụ P., buộc người con thứ 4 phải trả lại chủ quyền nhà đất cho cụ. Tuy nhiên, trong phiên xử phúc thẩm, TAND tỉnh Cà Mau đã bác toàn bộ yêu cầu của cụ P. do hợp đồng tặng cho không ghi điều kiện nên không đòi lại được. Không đồng ý với quyết định trên, cụ P. đã làm đơn yêu cầu giám đốc thẩm. Tuy nhiên, vợ chồng cụ đã lần lượt qua đời trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. |