Theo CNBC, cổ phiếu SVB Financial Group - công ty mẹ của Silicon Valley Bank (SVB), tiếp tục lao dốc trong ngày 10/3. Diễn biến này tiếp tục gây áp lực lên toàn bộ lĩnh vực ngân hàng trên Phố Wall, khi nhà đầu tư lo ngại rằng nhiều ngân hàng cũng chứng kiến danh mục đầu tư trái phiếu thua lỗ nặng.
Ở phiên 9/3, cổ phiếu SVB đã giảm 60%. Sang đến phiên trước giờ giao dịch ngày 10/3, cổ phiếu này tiếp tục lao dốc 62% và bị tạm dừng giao dịch.
Các quỹ ETF ngân hàng trên Phố Wall đồng loạt bị bán tháo. SPDR S&P Regional Banking ETF giảm tiếp 3,5% sau khi mất 8% ở phiên trước. Quỹ này hiện giảm 15% từ đầu tuần đến nay và sắp ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020. Financial Select SPDR cũng sụt 1,4% sau khi mất 4% trong ngày 10/3.
Cổ phiếu ngân hàng cũng tiếp nối đà giảm ở phiên trước, First Republic Bank giảm 18% sau khi mất 17%, PacWest Bancorp sụt 23%. Cổ phiếu của các ngân hàng đã bị ngừng giao dịch do biến động liên tục. Trong khi đó, các ngân hàng lớn đang có diễn biến khả quan hơn, khi Bank of America chỉ giảm 1%.
Hiện tại, mối lo ngại của các nhà sáng lập và nhà đầu tư mạo hiểm đã trở nên cực kỳ căng thẳng, sau khi SVB khiến cả thị trường bất ngờ với thông báo cần huy động 2,25 tỷ USD từ việc bán cổ phiếu. Ngân hàng này buộc phải thanh lý danh mục trái phiếu sẵn sàng để bán (available-for-sale) với khoản lỗ 1,8 tỷ USD và các startup ồ ạt rút tiền gửi.
Thông tin này cùng với việc nhà cho vay tập trung vào lĩnh vực tiền số - Silvergate, sụp đổ đã tạo ra làn sóng rút tiền khác. Các quỹ đầu tư mạo hiểm đang khuyến nghị các công ty trong danh mục của họ rút tiền mặt vì lo ngại đến tình trạng thanh khoản.
Áp lực với thị trường ngày càng tăng lên khi tỷ phú Bill Ackman nhận định rằng nếu tâm lý của các nhà đầu tư không thể ổn định trở lại đối với SVB, thì chính phủ có thể cần tung ra một gói cứu trợ.
Ngân hàng này trước đây có hơn 90 tỷ USD trái phiếu được nắm giữ đến ngày đáo hạn (held-to-maturity), họ sẽ không phải chịu lỗ trừ khi buộc phải bán ra trước hạn để bù đắp cho số tiền gửi ồ ạt bị rút ra. Khi Fed liên tục tăng lãi suất, giá trái phiếu Kho bạc cũng sụt giảm. Theo đó, danh mục của SVB cũng mất giá trị.
Cuối tuần trước, vốn hoá của SVB là 16,8 tỷ USD, nhưng sau cơn bán tháo kinh hoàng ngày 9/3, ngân hàng này chỉ còn trị giá 6,3 tỷ USD. Vốn hoá còn có thể tiếp tục lao dốc mạnh hơn nữa khi cổ phiếu SVB được giao dịch trở lại.
Trong bối cảnh đó, ngân hàng này đang thảo luận về việc “bán mình” sau khi nỗ lực huy động vốn không thành công. CNBC đưa tin, họ đã thuê các cố vấn để tìm hiểu về khả năng bán lại hoạt động kinh doanh.
Các định chế tài chính lớn cũng đang xem xét về việc mua lại SVB. Tuy nhiên, dòng tiền gửi bị rút ra đã quá lớn khiến việc định giá trở nên rất khó khăn.
Tham khảo CNBC