Bất động sản

Phí giải phóng mặt bằng 2 dự án ở TP.HCM vượt 10.000 tỷ đồng khi áp giá đất mới

TP.HCM có 2 dự án có nguy cơ chậm tiến độ, vượt sang năm sau là dự án Rạch Xuyên Tâm và Bờ Bắc Kênh Đôi.

" 2 dự án này khi áp dụng Luật Đất đai 2024 (bảng giá đất mới) thì chi phí giải phóng mặt bằng lên tới trên 10.000 tỷ đồng ", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu ví dụ.

Phí giải phóng mặt bằng 2 dự án ở TP.HCM vượt 10.000 tỷ đồng khi áp giá đất mới- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Rạch Xuyên Tâm dài khoảng 6,2km, nối từ sông Vàm Thuật đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và chảy qua địa bàn 2 quận là quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Rạch Xuyên Tâm có tất cả 3 tuyến nhánh dài hơn 1,9km, gồm: Cầu Sơn, Bình Triệu, Bình Lợi.

Tháng 5/2002, UBND TP.HCM đã phê duyệt dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm với kinh phí khoảng 123 tỷ đồng, tuy nhiên dự án sau đó không được thực hiện. Đến tháng 10/2023, UBND TP.HCM tiếp tục phê duyệt dự án với tổng mức hơn 9.600 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 6.339 tỷ đồng, còn lại là chi phí xây dựng và chi phí khác.

Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Phan Văn Mãi chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án rạch Xuyên Tâm chạy qua địa bàn quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp. Theo đó, dự án qua quận Bình Thạnh sẽ được khởi công tháng 4/2025, còn dự án qua quận Gò Vấp sẽ được khởi công sớm hơn là tháng 8/2024.

Phí giải phóng mặt bằng 2 dự án ở TP.HCM vượt 10.000 tỷ đồng khi áp giá đất mới- Ảnh 2.

Rạch Xuyên Tâm có chiều dài khoảng 6,2km, nối từ sông Vàm Thuật đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và chảy qua địa bàn 2 quận là quận Bình Thạnh và Gò Vấp.

Trước đó, trả lời PV Báo điện tử VTC News, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cũng khẳng định, bảng giá đất mới thúc đẩy mạnh mẽ việc giải ngân vốn đầu tư công.

Theo ông Thắng, tất cả nội dung quy định về giá tái định cư hiện nay chưa nhận được sự đồng thuận hoàn toàn từ người dân. Nếu không ban hành kịp thời bảng giá đất mới sẽ rất khó bố trí tái định cư cho người dân.

"Người dân không bố trí định cư được thì không bàn giao mặt bằng, không bàn giao mặt bằng thì không thể đẩy nhanh các dự án đầu tư công, không đẩy nhanh tiến độ thì không thể giải ngân được", Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM phân tích.

Do đó, ông Thắng cho rằng, việc sử dụng bảng giá đất mới rất quan trọng trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM. Đặc biệt là các dự án công cộng và các dự án trọng điểm của TP.

Dự án Rạch Xuyên Tâm và Bờ Bắc Kênh Đôi cũng được Giám đốc Sở TN&MT TP nhắc đến, là 2 trong những dự án sẽ giúp đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công nếu áp dụng bảng giá đất mới.

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, trong thời gian 6 tháng còn lại, nhiệm vụ của TP là mỗi tháng phải giải ngân 10.000 tỷ đồng. Dù điểm rơi của các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và dự án mới thường vào quý IV/2024 nhưng nếu không theo dõi sát sao sẽ khó đạt tỉ lệ giải ngân 95%.

Do đó, ông Mãi đề nghị các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân và có cam kết số lượng giải ngân hằng tháng. Đồng thời, phải cam kết số lượng giải ngân hàng tháng, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân, rà soát kỹ “điểm rơi” giải ngân của từng dự án.

Đối với các dự án bất động sản, ông Mãi đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường và Sở Xây dựng phải tập trung tháo gỡ.

Trong 6 tháng đầu năm, ban đầu chỉ có 1 - 2 dự án, đến giờ này đã gỡ được 5 dự án. Trong 6 tháng cuối năm, cần tháo gỡ nhiều hơn để các dự án này tiếp tục được xây dựng, triển khai để dòng vốn chảy ngay trong năm nay.



Cùng chuyên mục

Đọc thêm