Tài chính

Phép tính của Việt Vương Telecom ở VDTC - đơn vị sở hữu ePass

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng (ETC) xử lý tồn tại, bất cập trong công tác dán thẻ định danh hệ thống thu phí ETC.

Cụ thể, Tổng cục Đường bộ được giao chủ trì kiểm tra, làm việc với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC) và CTCP Giao thông số Việt Nam (VDTC) nhằm xử lý dứt điểm tình trạng phương tiện bị tự động đăng ký sử dụng dịch vụ, đấu nối, dàn chồng thẻ giữa 2 nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng này. Việc khắc phục lỗi phải hoàn thành trước ngày 20/8/2022.

Nếu như giới chủ của VETC là nhà đầu tư dự án thu phí không dừng giai đoạn 1, thì VDTC – đơn vị cung cấp giải pháp thu phí ETC có tên gọi ePass – liên quan tới liên danh nhà đầu tư dự án thu phí không dừng giai đoạn 2, cụ thể là Liên danh Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, CTCP Đầu tư công nghệ Hạ tầng Vietin, CTCP Thương mại dịch vụ Viễn thông Việt Vương và CTCP Công nghệ Tiên Phong (Liên danh: Viettel-VietinF-VVT-ITD).

Phép tính của Việt Vương Telecom ở VDTC - đơn vị sở hữu ePass - Ảnh 1.

Nhắc lại một câu chuyện cũ. VietinF là nhà đầu tư đề xuất Dự án Thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2, được phê duyệt vào ngày 7/6/2016, với tên gọi ở bước phê duyệt đề xuất dự án là Dự án Thu phí tự động không dừng đối với các trạm thu phí thuộc khu vực miền Trung, miền Nam.

Đáng chú ý, trong số các trạm thuộc dự án do VietinF đề xuất khi đó có nhiều trạm do VietinBank là đơn vị tài trợ vốn, CTCP Đầu tư Đèo Cả là nhà đầu tư BOT. Không lạ khi các cổ đông sáng lập của VietinF đều có liên quan tới VietinBank và Đèo Cả.

Tuy vậy, ngay trước thềm dự án chuẩn bị được tổ chức sơ tuyển, lãnh đạo Đèo Cả cho biết tập đoàn này đã rút vốn khỏi VietinF, đồng thời vốn điều lệ của doanh nghiệp này cũng được điều chỉnh giảm mạnh xuống chỉ còn 56,6 tỉ đồng.

Dữ liệu của VietTimes cũng xác nhận sự thoái lui của nhóm Đèo Cả, cũng như việc giảm vốn của VietinF vào tháng 6/2018.

Cụ thể, vào ngày 21/6/2018, CTCP Đầu tư Đèo Cả và CTCP Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (nay là CTCP Tập đoàn Đèo Cả - viết tắt: Đèo Cả Group) đã triệt thoái 89,05% cổ phần tại VietinF. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam giảm tỉ lệ sở hữu tại đây xuống 10,95% vốn điều lệ.

Mà VietinF, nên biết, là cổ đông sáng lập, nắm giữ 12% vốn điều lệ của VDTC - bên cạnh Viettel (nắm giữ 86% VĐL) và ITD (sở hữu 2% VĐL).

Đối tác nhận chuyển nhượng của nhóm Đèo Cả ở VietinF không được tiết lộ. Song, những dữ kiện sau của VietTimes sẽ phần nào hé mở về ’tay chơi’ mới ở doanh nghiệp này: CTCP Thương mại dịch vụ Viễn thông Việt Vương (Việt Vương Telecom).

Sau khi nhóm Đèo Cả thoái lui, bên cạnh ông Lê Quý Gia (SN 1980), VietinF còn ghi nhận một người đại diện theo pháp luật khác, là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Quốc Khánh (SN 1979).

Đến tháng 5/2021, ’ghế’ Chủ tịch HĐQT VietinF đổi chủ, được chuyển từ ông Nguyễn Quốc Khánh sang ông Đặng Hoàng Việt Hà.

Sinh năm 1980, ông Đặng Hoàng Việt Hà là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Việt Vương Telecom.

Phép tính của Việt Vương Telecom ở VDTC - đơn vị sở hữu ePass - Ảnh 2.

Theo dữ liệu của VietTimes, Việt Vương Telecom được thành lập từ tháng 3/2008, có quy mô vốn điều lệ ban đầu 16 tỉ đồng.

Doanh nghiệp này được sáng lập bởi 4 thể nhân, bao gồm: ông Lê Hắc Hải (góp 8 tỉ đồng, chiếm 50% vốn điều lệ); bà Nguyễn Thị Kim Khánh (góp 3,2 tỉ đồng, chiếm 20% VĐL); bà La Thị Nguyệt Quế (góp 3,2 tỉ đồng, chiếm 20% VĐL); và ông Đặng Hoàng Việt Hà (góp 1,6 tỉ đồng, chiếm 10% VĐL).

Cơ cấu cổ đông của Việt Vương sau đó có nhiều biến động, với sự góp mặt của CTCP Đầu tư Việt Vương và ông Nguyễn Tuỳ Anh (SN 1974) thay thế cho ông Lê Hắc Hải và bà Nguyễn Thị Kim Khánh.

Cập nhật đến tháng 12/2019, Việt Vương Telecom đã tăng vốn điều lệ lên 120 tỉ đồng. Trong đó, CTCP Đầu tư Việt Vương, ông Nguyễn Tuỳ Anh và bà La Thị Nguyệt Quế đã triệt thoái vốn, còn ông Đặng Hoàng Việt Hà tăng tỉ lệ sở hữu lên 19% vốn điều lệ.

Đáng chú ý, bà La Thị Nguyệt Quế có cùng địa chỉ thường trú với ông Nguyễn Quốc Khánh – cựu Chủ tịch HĐQT VietinF. Trong khi đó, ông Lê Hắc Hải (SN 1979) là Chủ tịch HĐQT và từng nắm giữ tới 60% vốn điều lệ của CTCP Việt Vương (viết tắt: Việt Vương, thành lập từ tháng 7/2006).

Ông Lê Hắc Hải, nên biết, từng đem 23,1 triệu cổ phiếu Việt Vương đem thế chấp tại CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank SC). Nhắc tới sự phát triển của Việt Vương khó có thể bỏ qua vai trò hỗ trợ đắc lực từ dòng vốn tín dụng VietinBank, cũng như đối tác của họ - nhóm Viettel.

Cụ thể, Việt Vương từng ký các hợp đồng mua bán hàng hoá số BDI/03/2014/VTG-VIETVUONG/ANTENNAMAST ngày 18/7/2014, hợp đồng mua bán hàng hóa số TZA/01/2014/VTG-VIETVUONG/BULONGMONG ngày 27/8/2014 với Tổng Công ty CP Đầu tư quốc tế Viettel. Việt Vương cũng ký kết hợp đồng thực hiện Gói thầu: 31-ĐTRR/VTNET/2018 "Cung cấp đốt cột phục vụ phát triển mạng năm 2018" với Tổng công ty Mạng lưới Viettel – Chi nhánh Chi nhánh tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội.

Tương tự, Việt Vương Telecom cũng là đối tác quen của nhóm Viettel, như: Viettel (Cambodia) Pte, Tổng công ty mạng lưới Viettel, Tổng công ty đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global).

Phép tính của Việt Vương Telecom ở VDTC - đơn vị sở hữu ePass - Ảnh 3.

Việc tham gia liên danh Viettel-VietinF-VVT-ITD để đấu thầu dự án thu phí không dừng giai đoạn 2, cũng như những dấu ấn ở VDTC, được kỳ vọng sẽ giúp kết quả kinh doanh của Việt Vương Telecom khởi sắc trở lại như năm 2019 – thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Cụ thể, năm 2019, Việt Vương Telecom ghi nhận doanh thu đạt 695,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ tiêu này giảm hơn một nửa vào năm 2020, đạt 334,4 tỉ đồng, trước khi phục hồi nhẹ vào năm 2021, đạt 402,4 tỉ đồng.

Xét về hiệu quả kinh doanh, năm 2021, biên lợi nhuận gộp của Việt Vương Telecom lên tới 20,21% - vượt xa so với mức 15,97% năm 2019. Tương tự, tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu của công ty này cũng được cải thiện, song cũng chỉ ở mức 1,95% - kém xa so với mức 7,6% mà ITD (đối tác trong liên danh Viettel-VietinF-VVT-ITD; cổ đông sáng lập VDTC) đạt được trong cùng thời kỳ.

Cũng cần lưu ý rằng, Việt Vương Telecom là một doanh nghiệp ăn nên làm ra suốt nhiều năm. Tại ngày 31/12/2019, quy mô vốn chủ sở hữu của công ty này đạt 145,4 tỉ đồng – cao hơn 25,4 tỉ đồng so với quy mô vốn điều lệ./.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm