Có phải chỉ có người thu nhập thấp mới mua đồ cũ để sử dụng? Hãy để các Gen Z mới đi làm trả lời cho bạn.
Dù xăng giảm nhưng giá cả đồ ăn vẫn đứng yên. Bên cạnh việc tăng ca, săn mã khuyến mãi, nhận thêm việc, ăn cơm công ty, chuyển trọ... thì nhiều người trẻ cũng chọn mua lại đồ cũ để cắt giảm chi phí trong tổng ngân sách chi tiêu hàng tháng.
Đồ đã qua sử dụng được bày bán ở khắp các chợ hoặc trên các hội nhóm Facebook vốn không hề xa lạ, song thời gian qua bỗng có sức hút trở lại. Đặc biệt với người trẻ, cụ thể là Gen Z mới đi làm, kênh mua sắm này đã mở ra một lựa chọn thú vị vì giúp họ vừa thoả mãn được sở thích mua sắm phục vụ cho nhu cầu cuộc sống, vừa đáp ứng tiêu chí: rẻ nhưng vẫn đẹp!
Sôi nổi nhóm mua bán, trao đổi đồ cũ
Không khó để tìm thấy các kênh, nhóm mua bán, trao đổi đồ cũ trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo… Chúng xuất hiện từ vài năm trước. Tuy đã có từ lâu nhưng khoảng thời gian gần đây khiến các kênh, nhóm mua bán, trao đổi có xu hướng hoạt động sôi nổi hơn trước.
Các nhóm mua bán đồ cũ nổi tiếng có thể thu hút được đến 2 triệu thành viên tham gia. Điều này cho thấy sức hút của đồ cũ không hề giảm dần theo thời gian.
Khi nhắc đến đồ cũ, nhiều người nghĩ ngay tới mặt hàng thời trang. Tuy nhiên, nhiêu đó là chưa đủ. Đồ cũ còn bao gồm túi xách, mỹ phẩm, nước hoa, sách truyện hay đồ gia dụng, trang trí nhà cửa… Tất cả mặt hàng này đều hết sạch sau vài tiếng chính chủ đăng ảnh rao bán, hoặc để lại cho người sử dụng tiếp theo với cái giá vô cùng rẻ.
Tâm lý thích mua đồ cũ ngoài xuất phát từ mong muốn tiết kiệm chi tiêu, nhiều người thừa nhận rằng họ luôn trong trạng thái sẵn sàng săn cho bằng được món đồ cũ trong các hội nhóm bởi vì ở đây dễ tìm được đồ độc lạ, hàng sản xuất giới hạn, nhiều cái thậm chí còn chưa sử dụng.
Nhiều nhóm mua bán, trao đổi đồ cũ trên Facebook có đến gần 2 triệu thành viên tham gia. (Ảnh chụp màn hình)
Chân dung "cao thủ" săn đồ cũ
Nguyễn Thị Trúc Nguyên (đang làm công việc sáng tạo nội dung) là một "thợ săn" đồ cũ. Cô cho biết mình thường mua được những chiếc túi xách, quần áo hàng hiệu với giá cực hời. Đó cũng là cách giúp cô luôn mặc đẹp, cảm thấy tự tin khi ra đường mà không cần tiêu tốn quá nhiều tiền cho việc sắm sửa.
"Đối với mình, tiết kiệm là yếu tố ưu tiên khi quyết định chọn mua lại đồ cũ. Ngoài ra, mình thường mua đồ si (2hand) vì độc, mỗi mẫu có thể gọi là duy nhất, không đụng hàng. Chưa kể, bản thân mình đam mê săn hàng hiếm nhưng thường sử dụng 1-2 lần là thấy chán nên cũng không muốn đầu tư quá nhiều tiền cho những bộ trang phục khi mua hàng mới", cô nói.
Nguyễn Thị Trúc Nguyên
Gần như đồng tình với ý kiến trên, Đào Quỳnh Như (nhân viên văn phòng) chia sẻ: "Việc mua đồ cũ giúp mình có thể thỏa đam mê mua sắm mà vẫn tiết kiệm, ví dụ đôi khi cũng là mẫu đầm đó ở cửa hàng giá khá cao mà mua về mặc cũng không nhiều dịp thì mua đồ người khác dùng rồi bán lại sẽ tiết kiệm hơn nhiều.
Ngoài ra việc sử dụng đồ cũ cũng giúp mình săn được nhiều mẫu đồ độc lạ. Mình từng săn được vài cái đầm, cái váy với giá chỉ vài chục ngàn, thậm chí có chiếc áo thun trắng mua ở chợ chỉ có giá 20k, những kiểu dáng đó sẽ khó kiếm, không còn được bán hoặc không bán tại Việt Nam.
Giá một món đồ cũ được bán lại lại thường rẻ hơn một nửa hoặc chưa bằng một phần ba giá mua thông thường. Vì thế, với giá mua một chiếc váy mới thì sẽ bằng giá mua nhiều món đồ cũ cộng lại, mình còn có thể thay phiên mặc được nhiều dịp hơn là chỉ mua đồ mới".
Đào Quỳnh Như
Trả lời cho câu hỏi "Đồ cũ thường được bán ở đâu và làm cách nào để chọn được những món đồ tốt giá hời?", Huỳnh Khải Đan (nhân viên văn phòng) cho biết: "Bản thân mình thường chọn mua quần áo hoặc sách cũ. Mình thường theo dõi các trang bán hàng si ở gần nơi ở trên Facebook, Instagram. Tuy nhiên khi chọn được món đồ vừa ý, mình sẽ không mua ngay mà lưu lại rồi đến tận nơi để xem.
Đối với sách, mình không có yêu cầu quá cao bởi cốt lõi vẫn là những giá trị bên trong nó mang lại, nên khi chọn mua, chỉ cần sách còn nguyên vẹn, không quá cũ hay sờn rách nhiều thì mình đều sẽ chọn. Riêng với quần áo thì mình sẽ khắt khe hơn, xem xét kĩ chất liệu, màu sắc, đường may, kiểu dáng… nếu thấy giá rẻ so với chất lượng mà bản thân mong muốn thì mình sẽ mua".
Huỳnh Khải Đan
Sinh viên vừa ra trường, đi làm văn phòng: "Mặc đồ cũ không có gì phải xấu hổ cả"
Hầu hết những bạn trẻ tham gia cuộc trò chuyện này đều là... dân văn phòng! Không rõ là ngẫu nhiên hay có một xu hướng đang lan ra: Nhiều dân văn phòng là tín đồ của việc săn đồ cũ? Liệu dùng đồ cũ có bị đánh giá là "nghèo rớt mồng tơi" hay không?
Hãy cùng nghe các Gen Z là dân văn phòng thứ thiệt giải đáp về thắc mắc này!
Trúc Nguyên chia sẻ: "Không nên phán xét người mua đồ cũ là người có kinh tế eo hẹp, phải xem họ là người tiêu dùng thông minh và biết tính toán tài chính mới đúng. Mình chẳng cần vượt qua định kiến này luôn, ai nghĩ gì kệ họ, miễn mình thấy ổn.
Đi làm văn phòng, tủ đồ của mình có trên 50% là hàng si, hàng cũ được nhượng lại nhưng mình vẫn được khen là ăn mặc đẹp và thời thượng vì chủ yếu là do mình biết cách phối. Đồ cũ rẻ là rẻ so với mua món hàng đó với giá khi là hàng mới chứ không có nghĩa đồ cũ là rẻ. Đôi khi mình mua một chiếc ví hàng si hiệu cao cấp có giá gấp 5 lần chiếc một chiếc túi CnK được mua mới. Nên mình thấy định kiến nghèo mới dùng đồ cũ là vô cùng khá nông cạn".
Bạn Trần Thị Ngọc Trang (nhân viên văn phòng) cũng tâm sự: "Theo mình mua đồ cũ không có gì xấu, hiện tại trào lưu mua bán, trao đổi hàng si hay mua lại đồ cũ cũng có rất nhiều trên Facebook hay Instagram rồi. Điều này cũng hạn chế việc thải nhiều rác hay chất liệu công nghiệp ra môi trường, đồng thời còn tiết kiệm chi phí, đặc biệt là đối với những sinh viên vừa ra trường đi làm văn phòng như mình".
"Xu hướng hiện nay là tận dụng lại những món đồ cũ hoặc những món đồ khó xài để tạo ra 1 thứ mới mẻ khác. Cũ người mới ta, nếu không có người mua thì không có lý do gì để các cửa hàng thanh lý, bán đồ si mọc lên ồ ạt như hiện nay. Việc phát triển mạnh mẽ của các cửa hàng như vậy cũng phần nào minh chứng cho sự ưa chuộng của khách hàng, trong đó có phần lớn khách hàng là nhân viên văn phòng như mình. Vì vậy mình cảm thấy không có gì phải xấu hổ khi mua đồ cũ cả" - bạn Quỳnh Như nói.
Đời sống tài chính cải thiện từ khi thay đổi thói quen chi tiêu
Quỳnh Như cho rằng không phải cứ mua đồ cũ là sẽ tiết kiệm được tiền. Tiết kiệm được tiền là khi bạn biết chính xác bản thân mình đang cần gì và cái gì phù hợp với mình. Việc mua được nhiều món đồ phù hợp ở cửa hàng thanh lý quần áo đã làm giảm tần suất đi mua sắm của Như lại, hầu như là cô nàng đã không đi mua sắm trong 4 tháng trở lại đây.
Những món đồ Như mua đều có thể sử dụng đa dạng, vừa có thể mặc đi làm văn phòng, vừa có thể mặc đi chơi. Nên có thể nói rằng việc chi tiêu cho những món đồ cũ có thể giúp Quỳnh Như giảm bớt áp lực tài chính, hạn chế thói quen mua đồ mới và còn có thể đa dạng tủ đồ của mình.
Với Trúc Nguyên, việc mua đồ cũ đã giúp cô nàng tiết kiệm được một khoản kha khá trong chi tiêu. Ví dụ người khác phải tốn khoảng 3 triệu đồng/tháng để mua quần áo thì Nguyên cho rằng mình có thể mua được đồ giống họ, thậm chí nhiều hơn với chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Trúc Nguyên cũng thường xuyên tham gia mua bán, trao đổi đồ ở các hội nhóm. Có nhiều món cô nhượng lại không phải vì cũ mà vì lỡ mua xong cảm thấy không hợp, không ưng như lúc mua nữa hoặc thậm chí là để lâu quên sử dụng…
"Mua bán, trao đổi đồ cũ đồ vừa giúp mọi người có được thêm lựa chọn mua sắm, mình thì vừa có thể xoay tiền để mua đồ khác mình thích và phù hợp hơn. Thời buổi này phải chi tiêu thật thông minh" - Trúc Nguyên chia sẻ.
Nguồn ảnh: Pinterest, NVCC