Dù tiếng ồn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày nhưng việc xử lý không hề dễ dàng. (Ảnh: DAD 21)
Bà Cao Thị Hoàn ở Long Biên (Hà Nội) đang dự tính bán ngôi nhà mặt tiền phố Sài Đồng để về quê sinh sống. Bị rối loạn giấc ngủ vài năm nay, bà Hoàn cảm thấy mệt mỏi bởi đủ loại âm thanh ồn ào, hỗn loạn tại đô thị mỗi ngày: "Xây nhà, xây cửa không có ý thức cũng đập ồn ào, trưa mất ngủ, tối mất ngủ. Hát loa rồi kéo đi ầm ĩ ở chợ, đường phố, nó rối loạn, không có trật tự chút nào. Mình mà góp ý thì người ta cũng không hợp tác, có người tỏ ra khó chịu lắm, chẳng biết làm thế nào cả".
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường tại 12 tuyến đường lớn ở Hà Nội, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 - 78,1 đề-xi-ben (dBA), vượt tiêu chuẩn cho phép khoảng 8 đề-xi-ben (dBA).
Âm thanh từ đủ loại hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thông vô tư phát ra và “bủa vây” cuộc sống của người dân đô thị. Một số ý kiến người dân cho biết, có khi đang đi trên đường, nhưng bất ngờ có những chiếc xe lớn sử dụng còi hơi bóp còi liên tục gây giật mình, tay lái loạng choạng. Thậm chí tiếng nhạc, tiếng người hò hét khi tụ tập trong các quán ăn nhậu, karaoke cũng khiến nhiều nhà dân ở gần phiền toái.
Ô nhiễm tiếng ồn đang trở nên đáng báo động, nên việc ban hành quy định với mức phạt tiền cao là cần thiết (Ảnh: DAD17)
Các hành vi vi phạm và mức xử phạt về tiếng ồn được quy định tại Điều 22, Nghị định 45/2022 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 25/8/2022.
Trong đó, mức xử phạt sẽ tăng dần tương ứng với mức độ vượt quy chuẩn về tiếng ồn, thấp nhất là phạt tiền từ 1-5 triệu đồng, cao nhất là từ 140-160 triệu đồng, đồng thời có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung.
Dù tiếng ồn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày nhưng việc xử lý không hề dễ dàng. Trên địa bàn phường Mai Động, quận Hoàng Mai, ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó chủ tịch UBND phường cho biết, khi nhận được phản ánh của người dân về cơ sở sản xuất, cửa hàng, cá nhân hát karaoke, bật loa nhạc lớn,… gây tiếng ồn trong khu dân cư, phường sẽ cử cán bộ kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên giải pháp chủ yếu là tuyên truyền, nhắc nhở
"UBND phường không đủ trang thiết bị, các cán bộ chưa được đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành về đo, kiểm tra. Nếu có phản ánh của người dân thì chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra, có văn bản báo cáo quận, Phòng TN-MT hoặc báo cáo Sở TN-MT, kiểm tra các nội dung theo chuyên ngành", ông Nguyễn Trường Thịnh nói.
Tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, ông Nguyễn Bá Khánh, Phó chủ tịch UBND phường chia sẻ một khó khăn khác là phường chỉ có 2 công chức địa chính, xây dựng, kiêm nghiệm phụ trách lĩnh vực môi trường, phối hợp với công an phường để xử lý vi phạm tiếng ồn.
Tại xã Liên Ninh, huyện Thành Trì, ông Nguyễn Đăng Đốc, Phó chủ tịch UBND xã cho biết, ngoài trách nhiệm chung của xã thì việc xử lý vi phạm tiếng ồn được phân cấp cho các thôn, tổ dân phố: "Ở xã mình, mỗi thôn có quy chế dân chủ ở cơ sở, trong những nội dung đấy có quy định đám ma, đám cưới không được bật loa quá to, mở loa đài không quá 22h-22h30. Cán bộ ở thôn, thường thường là trưởng thôn thực hiện, tại cơ sở họ xử lý ngay", ông Nguyễn Đăng Đốc nói.
Với riêng lĩnh vực giao thông, việc xử phạt chủ phương tiện sử dụng còi xe không đúng quy định (bấm còi trong khu vực, thời gian bị cấm; bấm còi liên tục; sử dụng còi vượt quá âm lượng quy định) cũng gặp khó khăn tương tự về thiết bị.
Trao đổi với phóng viên VOV Giao thông, đại diện Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho rằng cần trang bị thiết bị đo lường cho lực lượng chức năng để có căn cứ xử phạt, tránh thắc mắc, khiếu kiện của người vi phạm.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội cũng nhìn nhận khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu thiết bị đo tiếng ồn, dẫn đến số trường hợp bị xử phạt không đáng kể và mức phạt chưa đủ sức răn đe.
Tuy nhiên, ô nhiễm tiếng ồn đang trở nên đáng báo động, nên việc ban hành quy định với mức phạt tiền cao là cần thiết, đồng thời đi kèm nhiều giải pháp thực hiện.
Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm: "Biện pháp “cốt lõi” là nâng cao ý thức của người dân. Chính quyền địa phương cần nâng cao trách nhiệm cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử phạt nghiêm khắc. Nên chăng cần bổ sung chế tài hình sự đối với trường hợp vi phạm tiếng ồn có tính chất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, như thái độ coi thường pháp luật, thách đố hàng xóm dẫn đến việc xô xát, nhắc nhở mà vẫn cố tình".
Sự lên tiếng mạnh mẽ và kiên trì của cộng đồng sẽ buộc chính quyền cơ sở phải vào cuộc với đúng trách nhiệm của mình (Ảnh: KT).
GS. TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cũng cho rằng, chế tài mạnh phải đồng bộ về giải pháp thực hiện, nếu không thì quy định chỉ tồn tại trên giấy.
Bà An nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương, có thể xem việc xử lý vi phạm tiếng ồn là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức: "Bộ máy không nên tăng nữa nhưng tôi đề nghị thiết bị thì nên có. Nhưng quan trọng nhất vẫn là con người. Bộ phận môi trường ở cơ sở có thể làm được. Nếu như phường nào làm không tốt thì tôi nghĩ cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Tôi đề nghị giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND phường, còn các đồng chí phân cấp quản lý triệt để và có giám sát, giao trách nhiệm cụ thể cho các tổ dân phố".
Ô nhiễm tiếng ồn không chỉ gây thiệt hại lớn, trực tiếp đến sức khỏe và kinh phí điều trị bệnh tật cho người dân, mà còn là nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại địa phương, khi nhiều án mạng, xô xát đã xảy ra từ xích mích liên quan tới việc hát karaoke, phát nhạc công suất lớn.
Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, đây là vấn đề khó nhưng không phải không làm được và cần sớm thực hiện quyết liệt với trách nhiệm của chính quyền địa phương cùng mỗi người dân: Trách nhiệm địa phương và tiếng nói cộng đồng.
Việc xử lý tình trạng ô nhiễm tiếng ồn được các địa phương đặt ra từ lâu với nhiều kế hoạch, nhưng có lẽ TP.HCM là địa phương rốt ráo, quyết liệt nhất. Tháng 1/2022, UBND TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường xử lý vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn.
Sau vài tháng đầu giảm thiểu bởi những đợt ra quân của lực lượng chức năng, thì tình trạng này lại tái diễn, điển hình là những loa thùng công suất lớn, hoạt động thâu đêm suốt sáng trên đường Phạm Văn Đồng, TP. Thủ Đức mà VOV Giao thông từng đề cập mới đây.
Điều này cho thấy, dù các địa phương có ban hành bao nhiêu quy định, bao nhiêu kế hoạch đi chăng nữa thì việc xử lý vi phạm tiếng ồn vẫn chỉ là “điệp khúc” “bắt cóc bỏ đĩa” nếu không thay đổi cách tổ chức thực hiện.
Việc xử lý vi phạm tiếng ồn hiện nay chủ yếu thuộc về lực lượng công an phường, xã và công chức địa chính, xây dựng. Khó khăn với hầu hết địa phương là không có thiết bị đo lường, thiếu căn cứ xử lý, và kể cả khi phường, xã báo cáo với quận, huyện để lập đoàn kiểm tra, có thiết bị thì vi phạm đã không còn.
Tuy nhiên, thực thế cho thấy, chỉ cần cán bộ địa phương nhắc nhở, chứ chưa cần đến biện pháp xử phạt, thì phần lớn người gây ra tiếng ồn đã tự giác khắc phục.
Vấn đề ở chỗ việc kiểm tra, nhắc nhở chưa được thực hiện thường xuyên, thậm chí có nơi phản ánh không được giải quyết, khiến người tố cáo nản lòng, mất niềm tin, âm thầm chịu đựng hoặc tìm cách giải quyết bằng “chân tay” như đã từng xảy ra.
Một vấn đề khác là hiếm thấy lực lượng chức năng chủ động đi xử lý vi phạm tiếng ồn, đặc biệt là đối tượng cá nhân, cơ sở nhỏ lẻ, mà chủ yếu được thực hiện khi có nhiều phản ánh của người dân. Việc giải quyết đến đâu cũng hoàn toàn phụ thuộc vào nhiệt huyết của từng cán bộ.
Không có quy định về đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, làm tốt không được khen, làm kém không bị phạt, tiền lương không bị ảnh hưởng thì khó ràng buộc trách nhiệm của cán bộ khi thực tế họ còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác.
Chính vì vậy, để giải quyết tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương cần được tiếp tục nhấn mạnh, trong đó cần quy trách nhiệm người đứng đầu để họ có phương án cụ thể, phân công nhiệm vụ cho các cán bộ chuyên ngành và cán bộ tại khu dân cư, đi kèm với chế độ khen thưởng - kỷ luật kịp thời.
Mỗi phản ánh của người dân cần được tiếp nhận và xử lý ngay, “đến nơi, đến chốn” để tạo sức răn đe, làm chùn bước những người có ý định vi phạm.
Bên cạnh sự quyết liệt của chính quyền cơ sở thì tiếng nói của cộng đồng dân cư cũng rất quan trọng. Trước vi phạm tiếng ồn, mỗi người dân cần xóa bỏ tâm lý nể nang, ngại va chạm, chủ động nhắc nhở, góp ý với người gây ra tiếng ồn; phản ánh tới chính quyền địa phương, các cơ quan báo chí nếu tình trạng không được cải thiện.
Sự lên tiếng mạnh mẽ và kiên trì của cộng đồng sẽ buộc chính quyền cơ sở phải vào cuộc với đúng trách nhiệm của mình./.