Theo Henry Ajder, chuyên gia AI và cố vấn tại bộ phận thực tế ảo Reality Labs của Meta, các công cụ AI như Stable Diffusion, Dall-E hay Midjourney hiện nay có chức năng giống với VFX và CGI của Hollywood cách đây 10 năm.
"Mỗi người giờ như nắm quyền lực của một xưởng phim trong lòng bàn tay", ông ví von.
Ajder lo ngại ảnh giả do AI tạo ra sẽ xuất hiện nhiều hơn trong thế giới thực, giúp lan truyền nội dung sai lệch, tin giả về chính trị gia, người nổi tiếng. Tháng trước, Midjourney cũng bị sử dụng để sáng tác ảnh cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắt, hay Giáo hoàng Francis mặc áo khoác trắng thời trang. Hai bức ảnh được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội với hàng triệu lượt xem, nhiều người trong số đó tin là thật, theo Washington Post.
Ajder chỉ ra bốn cách nhận biết ảnh AI, dù tin các công cụ này sẽ tiếp tục tiến bộ và ngày càng giống thật.
Vẻ ngoài như nhựa dẻo
Theo Ajder, dấu hiệu dễ nhận biết nhất là "plasticky" (như nhựa dẻo). "Nhiều hình ảnh có vẻ ngoài gần như mượt mà, sáng bóng và cảm giác như nhựa dẻo", ông nói. "Tuy vậy, dấu hiệu này sẽ sớm được cải thiện khi AI thông minh hơn".
Không nhất quán về mặt thẩm mỹ
Các chương trình AI thường gặp khó khăn trong tính nhất quán về bối cảnh, ngữ nghĩa, như ánh sáng, hình khối và sự tinh tế. Chẳng hạn, trong một bức ảnh đám đông, đầu của một số người có thể hơi to, lông mày và cấu trúc xương không tự nhiên, nụ cười nhìn giả tạo, ánh mắt lệch, không tự nhiên, hoặc sự bất thường ở bàn tay.
Alexey Khitrov, nhà sáng lập công ty bảo mật sinh trắc học ID R&D, đồng tình với nhận định này. Ví dụ, với ảnh giả của Giáo hoàng Francis ở trên, Khitrov coi nó là "sản phẩm của một thứ gì đó hoàn toàn không tự nhiên và chứa một số đặc điểm bất khả thi về mặt vật lý".
Bối cảnh là chìa khóa
"Yếu tố thẩm mỹ không phải lúc nào cũng đủ để xác định ảnh deepfake, đặc biệt là khi các công cụ AI trở nên tinh vi", Ajder nói. "Bạn cần chú ý đến bối cảnh. Nếu bức ảnh chứa điều gì đó có vẻ thái quá hoặc giật gân, rất có thể có điều gì đó không ổn. Trong bối cảnh này, cần tìm đến các công cụ kiểm tra và xác minh thực tế".
Tìm nguồn gốc ảnh
Theo Khitrov, khi xem ảnh trên Internet, cần có thêm hành động kiểm tra chéo. "Hãy làm điều đó giống như cách tìm kiếm thông tin qua Google", ông cho hay. "Chúng ta nên đặt những câu hỏi như: Ai đã chia sẻ nó? Nó được chia sẻ ở đâu? hay Bao nhiêu phần trăm là ảnh thật?".
Ajder cũng cho rằng người dùng nên sử dụng công cụ tìm kiếm hình ảnh như Google Lens hay Yandex để truy ngược nguồn gốc ảnh, hoặc tra cứu về chủ thể trong ảnh để tìm kiếm các website, bài báo đề cập đến thông tin liên quan.