Việc ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát và con gái vừa bị bắt đã gây xôn xao dư luận, bởi đây là một trong những doanh nghiệp kinh doanh nước giải khát lớn tại Việt Nam với gần 20 năm hình thành và phát triển.
Tân Hiệp Phát “bước chân” vào ngành nước giải khát kể từ năm 1994, thời gian đầu, doanh nghiệp hướng đến sản xuất bia mang thương hiệu Laser nhưng thất bại. Đến năm 2001, Tân Hiệp Phát gây tiếng vang trên thị trường và được nhiều người biết đến nhờ sản phẩm nước tăng lực Number 1.
Thời gian sau đó, hàng loạt sản phẩm của Tân Hiệp Phát được người tiêu dùng biết tới như trà xanh 0 độ, trà thảo mộc Dr Thanh, nước ép trái cây Juicie, sữa đậu nành Soya…Việc kinh doanh thuận lợi đã giúp Tân Hiệp Phát bứt tốc mạnh mẽ, trở thành “ông lớn” trong ngành nước giải khát Việt Nam và trực tiếp cạnh tranh với các đối thủ lớn đến từ nước ngoài như Pepsi, Cocacola...
Năm 2012, Tân Hiệp Phát được Coca-Cola đề nghị hợp tác sản xuất, kinh doanh với trị giá 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, hợp tác này không thành vì Tân Hiệp Phát cho rằng hai bên có tầm nhìn khác nhau.
Năm 2018, trong một buổi chia sẻ với truyền hình quốc tế, ông Trần Quí Thanh xác nhận Tân Hiệp Phát đang đạt doanh thu 500 triệu USD/năm với 4.000 công nhân đang làm việc. Mục tiêu đến năm 2030 đạt doanh thu 3 tỷ USD.
Theo số liệu kinh doanh của Tân Hiệp Phát, doanh thu của doanh nghiệp này giai đoạn 2014 - 2017 đạt khoảng gần 7.000 tỷ đồng/năm, sau đó tăng lên 8.300 tỷ đồng vào năm 2018 và tăng tiếp lên 9.200 tỷ đồng năm 2019.
Về lợi nhuận, Tân Hiệp Phát báo lãi khoảng trên dưới 1.000 tỷ đồng giai đoạn 2014 - 2016, sau đó tăng lên 2.000 tỷ đồng năm 2018 và 3.300 tỷ đồng năm 2019. Doanh thu của Tân Hiệp Phát tương đương Coca-Cola và bằng 1/2 so với Pepsi, nhưng lợi nhuận lại bỏ xa cả hai đối thủ này nhờ tỷ suất sinh lời vượt trội.
Đối với việc sản xuất, kinh doanh của các nhà máy, nhà máy ở Bình Dương có doanh thu đạt 5.300 tỷ đồng năm 2017 và tăng lên gần 5.900 tỷ đồng trong hai năm 2018 và 2019. Lợi nhuận hai năm 2017 - 2018 là gần 1.000 tỷ đồng và tăng mạnh trong năm 2019, lên trên 1.500 tỷ đồng.
Nhà máy Number One Chu Lai có doanh thu năm 2019 vừa qua đạt gần 1.400 tỷ đồng, lãi 489 tỷ đồng. Còn tại nhà máy Number One Hà Nam, doanh thu năm qua giảm nhẹ so với 2018, xuống 2.000 tỷ đồng và lãi 872 tỷ đồng.
Tại thời điểm 9/9/2022, Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ “khủng” lên tới 1.706 tỷ đồng với các cổ đông như Phạm Thị Nụ (vợ ông Trần Quí Thanh) nắm hơn 54%, con gái Trần Uyên Phương nắm hơn 29% và Trần Ngọc Bích nắm hơn 16%. Thế nhưng chỉ 2 tuần sau, vốn điều lệ của doanh nghiệp này chỉ còn 276 tỷ đồng.
“Sóng ngầm” ập đến gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát bắt nguồn từ khi ông Trần Quí Thanh tiết lộ sẽ đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực bất động sản trong giai đoạn 2018 - 2019. Và hiện bất động sản cũng chính là lĩnh vực ông Trần Quí Thanh và con gái sa cơ, rơi vào vòng lao lý.
Tháng 3/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) đã khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình sự.
Quyết định khởi tố vụ án được căn cứ vào đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển K.O, cùng một số cá nhân khác tố cáo bà Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích cùng một số cá nhân thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, là các dự án bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại TP.HCM và Đồng Nai.
Theo đó, tháng 10/2020, C01 đã nhận được đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển K.O Đồng Nai.
Theo đơn tố cáo, bà Trần Uyên Phương và ông Trần Quý Thanh cùng một số cá nhân liên quan có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế thông qua việc chuyển nhượng dự án, cổ phần doanh nghiệp, gây thiệt hại cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển K.O Đồng Nai hơn 1.000 tỷ đồng.
Ngày 10/4/2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố các bị can: Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát. Đồng thời, cơ quan này cũng thi hành lệnh bắt tạm giam Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương.