Từ 8/4, nhiều người dùng iPhone cho biết không thể tìm thấy Bigo Live trên App Store. Khi truy cập đường link ứng dụng từ website của Bigo, Apple hiển thị thông báo "Ứng dụng không khả dụng".
"Reset máy nên xóa Bigo, nay cần tải lại nhưng tìm trên App Store và tải trên web đều không được", Thanh Duy (TP HCM) hỏi trên một nhóm công nghệ chiều nay.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà được phản ánh bởi người dùng ở nhiều nơi trên thế giới. Một người có tên Lillady_my cho biết tình trạng này đã diễn ra từ hai ngày trước. Trong khi đó, website và ứng dụng Bigo Live trên Android vẫn hoạt động bình thường.
Trước khi bị xóa, Bigo liên tục nằm trong top những ứng dụng giải trí được tải nhiều tại Việt Nam. Tính đến cuối 2022, ứng dụng có 400 triệu người dùng tại 150 quốc gia.
Trên các cộng đồng người dùng Bigo, một số dự đoán nền tảng xuất hiện nhiều video với nội dung phản cảm, dẫn tới việc vi phạm quy tắc của Apple và bị xóa. Tin nhắn rò rỉ từ một nhóm nhà sáng tạo nội dung Bigo tại Việt Nam cũng cho thấy nền tảng này sắp tới sẽ "tăng cường xử phạt nội dung không lành mạnh".
Trong khi đó, theo nguồn tin từ trang Weixin (Trung Quốc), việc bị gỡ khỏi App Store lần này liên quan đến việc tuân thủ quy tắc quảng cáo của Apple.
Chiều 10/4, fanpage của Bigo Live tại Việt Nam phản hồi người dùng iOS rằng đây là "lỗi kỹ thuật". "Đội ngũ kỹ thuật Bigo đang khắc phục lỗi và sẽ thông tin đến cộng đồng trong thời gian sớm nhất khi đã sửa xong", fanpage thông báo.
Bigo Live là ứng dụng chuyên về tính năng livestream, ra đời từ năm 2016 tại Singapore và được điều hành bởi các nhà sáng lập Trung Quốc. Ứng dụng cho phép người dùng thực hiện các buổi phát trực tiếp và nhận tặng quà từ người xem. Trên blog công ty, Bigo tự so sánh với TikTok và khẳng định lợi thế của mình là bất cứ tài khoản nào cũng có thể livestream, thay vì đạt đủ điều kiện như TikTok.
Theo ông Kiên Vũ, chuyên gia về nội dung số tại Việt Nam, Bigo là một trong những ứng dụng cạnh tranh với TikTok, cùng hướng đến người dùng trẻ và làm nội dung dưới dạng video. "Tuy nhiên, Bigo tập trung vào tính năng phát trực tiếp, nhưng nhiều lần bị chỉ trích vì những 'idol' sáng tạo nội dung với hình ảnh hở hang, khoe thân, phản cảm để hút người xem và kiếm tiền", ông Kiên nói. Tương tự, nền tảng TikTok cũng tràn lan nội dung độc hại với các phát ngôn gây sốc, video vốn phải được gắn nhãn 18+, tin giả, trào lưu gây nguy hiểm với trẻ em...