Công nghệ

Rộ tin giả "mất sạch tiền vì nghe cuộc gọi AI"

Các chia sẻ rộ lên từ cuối tuần qua, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trên mạng xã hội. Theo những người đăng bài, khi có cuộc gọi từ một số có tên "FlashAI", người dùng chỉ cần bấm nhận cuộc gọi là mất hết tiền trong tài khoản.

"Nó là trí tuệ nhân tạo có khả năng lục tìm mọi bí mật trong điện thoại. Nó tập trung tìm trong app ngân hàng, lấy mật khẩu, chuyển hết tiền từ tài khoản ngân hàng qua tài khoản của hacker", tài khoản Facebook của một diễn viên nổi tiếng, với gần một triệu lượt theo dõi, mô tả.

Một người dùng Facebook đăng ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện, trong đó nói "mất 73 triệu đồng trong tài khoản vì gọi lại cho FlashAI".

Một TikToker chia sẻ thông tin tương tự và đề nghị người xem gửi cảnh báo đến người thân. Video này thu hút hơn một triệu lượt xem và gần 15 nghìn lượt chia sẻ sau ba ngày, thậm chí được đưa vào danh sách "Giáo dục tài chính" trên nền tảng.

Bài đăng về việc mất tiền trong tài khoản ngân hàng sau khi nghe cuộc gọi, thu hút hơn 1 triệu lượt xem trên TikTok. Ảnh: Lưu Quý

Bài đăng về việc mất tiền trong tài khoản ngân hàng sau khi nghe cuộc gọi với hơn một triệu lượt xem trên TikTok. Ảnh: Lưu Quý

Theo các chuyên gia bảo mật, cảnh giác trước cuộc gọi từ số lạ là điều nên làm. Tuy nhiên, việc mất tiền trong tài khoản ngân hàng ngay sau khi nghe điện là điều không thể xảy ra.

Ông Ngô Minh Hiếu, nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo, cho biết đã nhận được nhiều phản ánh về thông tin mất tiền khi nghe cuộc gọi từ "FlashAI", nhưng hầu hết đều dưới dạng tin đồn, không có căn cứ.

"Nhiều người lầm tưởng khi bắt máy sẽ bị trừ tiền và mất thông tin. Điều này là hoàn toàn sai sự thật", ông Hiếu nói.

Theo chuyên gia, người dùng chỉ có khả năng mất tiền nếu sau cuộc gọi đó, họ bị dẫn dụ bấm vào đường link lừa đảo, tải tệp tin đánh cắp thông tin, hoặc bị lừa đầu tư tài chính, thực hiện lệnh chuyển tiền theo hướng dẫn từ cuộc gọi. Khi gọi lại, người dùng mất tiền cước viễn thông, chứ không thể mất tiền trong tài khoản ngân hàng chỉ sau một cuộc điện thoại.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng NCS, cũng cho biết chưa từng ghi nhận giải pháp công nghệ cao nào có khả năng xâm nhập vào di động của người dùng qua một cuộc gọi tại Việt Nam.

"Trên thực tế vẫn có hình thức tấn công qua số điện thoại, lợi dụng lỗ hổng hệ thống hoặc bảo mật chip để cài phần mềm gián điệp. Tuy nhiên, giải pháp đó khó thực hiện qua cuộc gọi mạng di động, đồng thời yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp để có thể thực hiện thành công", ông Sơn nói.

Về đầu số FlashAI, ông cho biết đây là dạng brandname (tên thương hiệu) được đăng ký với nhà mạng. Ngoài ra, kẻ gian cũng có thể sử dụng các trạm BTS giả mạo đầu số doanh nghiệp. "Tuy nhiên, các máy BTS bị phát hiện tại Việt Nam chỉ để gửi tin nhắn, chưa làm giả cuộc gọi", ông Sơn nói. "Ngoài ra, không loại trừ cuộc gọi FlashAI không có thật, được dựng lên chỉ để lan truyền tin giả, câu view".

Tin giả về việc mất tiền khi nghe điện đã xuất hiện từ vài năm nay. Cuối 2021, Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông từng khuyến cáo người dùng không nên hoang mang trước những thông tin này.

"Tại Việt Nam, không có dịch vụ điện thoại nào mà người nghe phải trả tiền. Việc gọi lại hoặc thao tác bấm số rồi bị sao chép thông tin liên lạc, ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc chiếm đoạt tiền trong tài khoản là không hề có cơ sở. Không thể xâm nhập được sim điện thoại của người dùng dù thực hiện thao tác như trên", Cục Viễn thông thông báo khi đó.

Theo chuyên gia Ngô Minh Hiếu, người dùng không nên nhấp vào bất kỳ đường link lạ qua tin nhắn hay qua cuộc gọi, không cung cấp mật khẩu và mã OTP và luôn nên "chậm lại, kiểm chứng, xác thực mọi thông tin".

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhiều lần cảnh báo vấn nạn tin giả xuất hiện trên mạng xã hội. Đây cũng là một trong những vi phạm của TikTok, Facebook, YouTube được chỉ ra tại cuộc họp của Bộ hôm 6/4. Ngoài việc xử lý nền tảng, nhưng người đăng tải và lan truyền tin giả cũng sẽ bị xử phạt.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm