Tài chính

Sau 4 tháng "mở hàng" ở Indonesia, Thế Giới Di Động đang làm ăn ra sao?

Sau 4 tháng "mở hàng" ở Indonesia, Thế Giới Di Động đang làm ăn ra sao? - Ảnh 1.

Mới đây, trong phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên, lãnh đạo của Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) đã đề cập đến dự án liên doanh tại Indonesia giữa công ty và PT Erafone Artha Retailindo (Erafone) - công ty con của Tập đoàn Erajaya.

Theo lãnh đạo Thế Giới Di Động, mỗi cửa hàng khoảng 400 m2, thương hiệu EraBlue tại Indonesia hiện có doanh thu khoảng 4,5-5 tỷ trên mỗi tháng. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên Hội đồng quản trị MWG, đánh giá thương hiệu này đang hoạt động với các tín hiệu tích cực. "Ở Việt Nam với mức doanh thu này thì đã có lời, tuy nhiên ở thị trường nước ngoài, các chi phí khác vẫn ở mức khá cao, đặc biệt là chi phí setup ban đầu", ông nêu.

Vị thành viên Hội đồng quản trị Thế Giới Di Động cho biết doanh nghiệp này vẫn đang trong quá trình nỗ lực để tối ưu chi phí và hoàn thiện mô hình kinh doanh. "Dự kiến giữa quý 2, chúng tôi sẽ mở rộng, nhưng vẫn trên tinh thần cẩn trọng. Đến khi tự tin nhất, chúng tôi mới tăng tốc", ông này nói thêm.

Lãnh đạo Thế Giới Di Động nhìn nhận Indonesia là quốc gia có quy mô, diện tích và dân số đều lớn hơn Việt Nam. Về cơ cấu tiêu dùng, doanh thu mảng điện thoại cũng gấp hai lần Việt Nam. Tuy nhiên, mảng điện máy vẫn còn rất sơ khai, doanh thu chỉ bằng khoảng phân nửa nước ta.

Sau 4 tháng "mở hàng" ở Indonesia, Thế Giới Di Động đang làm ăn ra sao? - Ảnh 2.

Bên ngoài một cửa hàng EraBlue, Indonesia.

Theo ông Hiếu Em, về dịch vụ giao hàng và lắp đặt tại Indonesia chưa thực sự tốt, chưa hiệu quả. Đây cũng chính là lợi thế và sự khác biệt của MWG tại Indonesia.

Lãnh đạo Thế Giới Di Động cho rằng doanh nghiệp còn có một thế mạnh rất lớn so với đối thủ tại Indonesia. Cụ thể, khi có đơn hàng thì các đơn vị bán lẻ thường chuyển cho người lắp đặt dẫn đến ùn, chậm trễ. "Khi sang Indonesia, chúng tôi đã mang cả dịch vụ từng thành công ở Việt Nam sang, tăng tốc độ lắp đặt, giao hàng. Điều này làm chúng tôi nổi bật hẳn so với thị trường", ông nói.

Ông Hiểu Em nhận định, hai nhà bán lẻ lớn nhất tại Indonesia cộng lại chỉ hơn 100 cửa hàng, phần lớn nằm trong các trung tâm thương mại. “Khi tiếp cận, chúng tôi mở cửa hàng EraBlue trên đường, vì văn hoá cũng khá tương đồng với Việt Nam”, thành viên Hội đồng quản trị MWG nói thêm.

Trong thời gian tới, lãnh đạo MWG cho biết sẽ hoàn thiện mô hình này và hướng đến mở mới các cửa hàng. Mục tiêu 5 năm của doanh nghiệp là mở 500 cửa hàng và có kế hoạch IPO cho EraBlue tại Indonesia.

Người Indonesia nói "chưa biết thương hiệu này"

Hồi tháng 11/2022, Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) thông báo khai trương cửa hàng điện máy đầu tiên tại Indonesia, dưới thương hiệu EraBlue. Trong thông báo khi đó thì đây là một liên doanh giữa MWG với đối tác địa phương PT Erafone Artha Retailindo (Erafone - công ty con của Tập đoàn Erajaya). Trên báo cáo tài chính, MWG đã đầu tư 181 tỷ đồng để nắm giữ 45% cổ phần tại liên doanh này.

Cũng theo thông tin từ Thế Giới Di Động, Erafone là nhà bán lẻ sản phẩm công nghệ số 1 tại Indonesia khi đang vận hành mạng lưới khoảng 1.200 cửa hàng, chuyên cung cấp thiết bị viễn thông, máy tính bảng, laptop và các sản phẩm khác trong cùng hệ sinh thái.

Sau 4 tháng "mở hàng" ở Indonesia, Thế Giới Di Động đang làm ăn ra sao? - Ảnh 3.

Không gian bên trong EraBlue được trưng bày gần giống Điện Máy Xanh tại Việt Nam.

Báo cáo từ MWG cho biết thị trường sản phẩm công nghệ và điện máy ở Indonesia có giá trị ước tính khoảng 14 tỷ USD. Riêng mảng điện thoại chiếm 9 tỷ USD (gần gấp đôi Việt Nam), trong khi ngành hàng điện máy mới chỉ bằng 70% quy mô tại Việt Nam.

Tính đến tháng 4 này, theo trang web chính thức của thương hiệu, EraBlue đã có 5 cửa hàng tại Indonesia; tập trung chủ yếu tại tỉnh Banten - cách Thủ đô Jakarta khoảng 30km. Các cửa hàng này được đặt tên theo cấu trúc khá giống Thế Giới Di Động tại Việt Nam: tên thương hiệu + tên đường đặt cửa hàng. Cụ thể, 5 cửa hàng hiện tại của EraBlue đang được đặt tại các đường Siliwangi, HOS Cokroaminoto, Raya Rawa Buntu, Dewi Sartika và Raden Saleh.

Cung cách phục vụ theo format của Thế Giới Di Động tại Việt Nam như “nhân viên niềm nở chào đón khách hàng từ cửa chính của cửa hàng” - theo miêu tả trên website của EraBlue.

EraBlue “cam kết 100% hàng chính hãng, mới nhất thị trường, đa dạng từ nhóm hàng điện lạnh, gia dụng: tivi, tủ lạnh, đồ gia dụng,... đến điện tử viễn thông: điện thoại, laptop, máy tính bảng, phụ kiện…” Các cửa hàng này có quầy trải nghiệm trực tiếp trên các sản phẩm công nghệ mới nhất.

Giống lời của lãnh đạo Thế Giới Di Động, EraBlue triển khai chính sách giao hàng tận nơi, hỗ trợ lắp ráp tại nhà cùng chính sách bảo hành đổi trả hấp dẫn, đơn giản.

Sau 4 tháng "mở hàng" ở Indonesia, Thế Giới Di Động đang làm ăn ra sao? - Ảnh 4.

Tập đoàn Erajaya cho biết dự kiến mở rộng EraBlue và các thương hiệu khác của tập đoàn tại Indonesia.

Cung cách phục vụ quan tâm khách hàng đến từ việc dắt xe cũng được EraBlue “học theo” Thế Giới Di Động. “Đội ngũ phục vụ tận tình dẫn xe cho khách hàng, bạn chỉ cần nổ máy và lấy thẻ các việc còn lại nhân viên bảo vệ của chúng tôi sẽ phục vụ bạn”, website của thương hiệu nêu đây như là một điểm mạnh của EraBlue so với thị trường.

Trong một lần trả lời tờ Bisnis của Indonesia, Giám đốc Truyền thông của Tập đoàn Erajaya Djunadi Satrio đã chia sẻ kế hoạch mở rộng EraBlue và các thương hiệu khác trong tập đoàn này. "Chúng tôi cũng đang mở rộng từ các doanh nghiệp ngành dọc khác như EraBlue, Urban Republic, JD Sports, ASICS, Wellings Pharmacy, Paris Baguette, GrandLucky và những doanh nghiệp khác. Tất nhiên, song song đó, chúng tôi cũng khám phá tiềm năng mở rộng kinh doanh từ những cái hiện có", lãnh đạo của Erajaya nêu.

Có lẽ số lượng cửa hàng còn khá khiêm tốn trong một quốc gia vạn đảo rộng lớn nên thương hiệu EraBlue chưa được nhiều người Indonesia ở các địa phương khác biết đến.

Bà Titin Hartini, đang sống tại TP Yogyakarta (thuộc Đặc khu Yogyakarta) cách Banten khoảng 700km, khẳng định “không biết đến thương hiệu EraBlue”. Các thương hiệu cửa hàng điện máy người phụ nữ này quen thuộc và tin rằng nhiều người dân ở Yogyakarta khác cũng tin dùng là Atlanta Electronics hay Atakrib.

Theo bà Titin, nếu có thương hiệu điện máy mới và có dịch vụ tốt mở cửa hàng tại địa phương thì bà sẵn sàng trải nghiệm mua sắm. “Đối với đồ điện tử, tôi thường đến trực tiếp cửa hàng để mua hơn là mua hàng trực tiếp”, bà nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm