Nhắc đến ngành công nghệ, có một định kiến vẫn tồn tại phổ biến rằng đây là ngành vốn dành cho nam giới. Với phụ nữ, thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin là điều hiếm có. Thực tế phụ nữ thường phải đối mặt với những thách thức khác nhau liên quan đến bất bình đẳng giới và định kiến. Phụ nữ thường tập trung vào chăm sóc gia đình và con cái; và không tập trung quá nhiều để phát triển sự nghiệp. Tất cả những chuẩn mực xã hội này cản trở phụ nữ theo đuổi đam mê và kìm hãm khả năng của họ.
Tuy vậy, một điều đáng mừng là ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ Việt Nam thành công trong lĩnh vực công nghệ không chỉ ở trong nước mà còn khắp trên thế giới. Tại Nhật Bản, cô gái Paya Đỗ là hình mẫu điển hình của phụ nữ làm công nghệ.
Tay mơ dấn thân ngành công nghệ Nhật Bản
Paya Đỗ tốt nghiệp ngành Khoa học Chính trị và ngành phụ Truyền thông mới, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific năm 2012. Sau khi tốt nghiệp cô rẽ hướng làm thiết kế. Từ năm 2012-2015, Paya Đỗ làm GUI (Graphic User Interface - Thiết kế giao diện đồ họa người dùng) cho hai công ty game xã hội lớn là Klab và Colopl Inc. Tại Colopl, cô còn đảm nhiệm vị trí Giám đốc nghệ thuật.
Sau khi nghỉ Colopl, Paya chuyển sang làm việc cho Amazon Nhật Bản.
Từ năm 2015-2017, Paya Đỗ trở thành Giám đốc nghệ thuật cho dự án phụ trách xây dựng Branding Website và hệ thống thương mại điện tử cho các nhãn hàng thời trang quốc tế muốn du nhập vào Nhật Bản.
Ngoài thiết kế website và UI/UX (thiết kế giao diện/trải nghiệm người dùng) liên quan đến thanh toán, giao hàng và công cụ quản lý thương mại điện tử, cô còn hỗ trợ cả mảng quản lý dự án. Các nhãn hàng sử dụng website và hệ thống thương mại điện tử do chị thiết kế có thể kể tới Michael Kors Japan, Ray-Ban Japan, Isetan Noren, Marc Jacobs Japan.
Từ năm 2017, Paya Đỗ tiếp tục chinh phục công ty mới và trở thành người thiết kế sản phẩm cho app Mercari phiên bản Nhật - startup kỳ lân đầu tiên của Nhật Bản, từ lúc chỉ có hai người thiết kế trong đội. Năm 2018, Paya Đỗ chuyển sang công ty mới của Mercari là Merpay, quay trở về mảng chính là UX, tiền mã hoá và Blockchain.
Mercari là công ty hoạt động theo mô hình C2C lớn nhất tại Nhật Bản với hơn 17 triệu người dùng hoạt động hàng tháng (tính đến năm 2019). Paya Đỗ tham gia nhóm Thiết kế vào năm 2017 trước khi startup này IPO vào năm 2018 và đóng góp vào tất cả các lĩnh vực sản phẩm: Thương mại điện tử, thanh toán, tiền điện tử.
Từ năm 2015, bên công việc tại các startup, Paya Đỗ còn tự mình nhận công việc về thiết kế và phát triển thương mại điện tử cho các thương hiệu thời trang cao cấp như Marc Jacobs, Ray-Ban, Diesel, La Perla, Bonpoint, 3.1 Phillip Lim, MaxMara và một vài thương hiệu khác khi vào thị trường Nhật Bản.
Công việc chính của Paya là hợp tác chặt chẽ với các kỹ sư hậu cần để mang đến trải nghiệm người dùng tối ưu, dành riêng cho người dùng Nhật Bản. Chủ yếu là các dự án dài hạn từ 3 - 6 tháng. Những thương hiệu này đã đạt được nhiều thành tích kinh doanh đáng kể về mảng thương mại điện tử cũng như nhận diện thương hiệu của khách hàng.
Cuối năm 2020, Paya Đỗ chuyển sang Thuỵ Điển sinh sống và tiếp tục làm việc trong mảng thiết kế sản phẩm trong lĩnh vực thương mại điện tử. Từ tháng 6/2021, cô vào làm trưởng nhóm thiết kế sản phẩm theo vùng của H&M.
"Nhảy việc" là điều thú vị
Nhìn vào con đường sự nghiệp có thể phần nào đoán được tính cách của cô đầy năng động và cá tính. Trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi về lý do "nhảy việc" liên tục như vậy, Paya Đỗ đùa cô giống như một con robot trong công việc. Việc được trải nghiệm ở nhiều vị trí và công ty khác nhau ở Nhật với Paya Đỗ là một hành trình đầy mới lạ.
"Tôi luôn muốn khám phá khả năng của bản thân bằng những dự án khác nhau. Bên cạnh công việc thiết kế, tôi cũng kết hợp đi dạy học và tận hưởng những ngày nghỉ ở những nơi xa xôi", cô chia sẻ.
Với Paya Đỗ, chặng đường "nhảy việc" trong hơn 10 năm qua "rất thú vị", bởi đó vừa là nhu cầu cuộc sống và thay đổi để làm cho cuộc sống của mình mới mẻ hơn. Không chỉ vậy, việc đi làm trái ngược với ngành học với cô không hề lãng phí với công việc hiện tại.
"Mọi lĩnh vực đào tạo đều có thể giúp ích cho công việc hiện tại giống như mối liên kết kỳ lạ của cuộc sống mà chúng ta sẽ nhận ra ở một thời gian nào đó. Chẳng hạn như ngày bé, tôi rất thích vẽ dù toán mới là môn học nổi trội", Paya Đỗ chia sẻ.
Chính niềm đam mê từ bé ấy đã thôi thúc cô học về ngành thiết kế ở Singapore. Quá trình vừa học vừa làm tại quốc đảo này đã giúp cô rèn luyện bản thân và tìm đến con đường mới của mình khi trở lại Nhật Bản. Ngay như việc hoạt động ngoại khóa về nhiếp ảnh từ hồi sinh viên cũng giúp ích không nhỏ cho công việc hiện tại của Paya Đỗ.
"Người biết nhiều thứ sẽ dễ dàng tìm được nhiều công việc hơn. Đặc biệt với lĩnh vực IT thì việc hiểu biết và có kiến thức đa dạng sẽ ứng dụng tốt vào công việc của mình. Có lẽ, con người tôi, "não trái" hay "não phải" đều dùng được", Paya đúc kết.