Xã hội

Ông Võ Văn Hoan: "Các khu công nghiệp hiện hữu ở TP.HCM phải thay đổi"

Tóm tắt:
  • Ngành công nghiệp TP.HCM sau 30 năm phát triển cần thay đổi mô hình và nâng cao chất lượng công nghệ.
  • TP.HCM giữ lại quỹ đất công nghiệp, ưu tiên chuyển đổi thành khu công nghiệp công nghệ cao và kinh tế xanh.
  • Thành phố đầu tư thêm 14 khu công nghiệp mới giai đoạn 2025-2033, tập trung phát triển công nghệ sạch.
  • Các khu công nghiệp cần nâng cấp hạ tầng phục vụ chuyên gia, lao động như điện, nước, khu dân cư, bệnh viện, trường học.
  • Đơn vị quản lý và chủ đầu tư phải phối hợp giải đáp doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục, không giới hạn ngành nghề trong khu công nghiệp.

Ngày 9.5, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) phối hợp UBND huyện Bình Chánh tổ chức hội nghị công bố quy hoạch các khu công nghiệp TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và giải pháp thu hút đầu tư năm 2025.

Ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng ban HEPZA cho biết trong giai đoạn phát triển mới, TP.HCM định hướng giữ lại toàn bộ quỹ đất công nghiệp, đồng thời chuyển đổi theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, tái cơ cấu theo hướng công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời, chuyển dịch nhanh những ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên, ít giá trị gia tăng sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Hiện HEPZA đang phối hợp các công ty hạ tầng thí điểm chuyển đổi 5 khu chế xuất, khu công nghiệp gồm: Tân Thuận, Hiệp Phước, Tân Bình, Cát Lái và Bình Chiểu, với định hướng chuyển sang khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ và trung tâm logistics.

Ông Võ Văn Hoan: 'Các khu công nghiệp hiện hữu ở TP.HCM phải thay đổi'- Ảnh 1.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu về các khu công nghiệp mới trên địa bàn TP.HCM

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Bên cạnh đó, TP.HCM dự kiến đầu tư 14 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 3.833 ha. Trong giai đoạn 2025 - 2027, đầu tư 4 khu công nghiệp Phạm Văn Hai I, Phạm Văn Hai II, Vĩnh Lộc 3 và Nhị Xuân.

Giai đoạn 2027 - 2030, đầu tư 5 khu công nghiệp An Phú, Trung An, Lê Minh Xuân 4, Phạm Văn Hai III và Hiệp Phước 3. Giai đoạn 2030 - 2033 đầu tư thêm 5 khu công nghiệp gồm Tân Phú Trung 2, Tân Phú Trung 3, Tân Phú Trung 4, Bình Khánh 1 và Bình Khánh 2.

Không nên giới hạn ngành nghề trong khu công nghiệp

Tại hội nghị, đại diện các công ty hạ tầng cho rằng các khu công nghiệp cần phải đảm bảo điện, nước, và khu dân cư, bệnh viện, trường học phục vụ cho chuyên gia, người lao động.

Ông Phan Minh Toàn Thư, Giám đốc Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc chi nhánh TP.HCM, khuyến nghị việc đầu tư có chọn lọc, không chú trọng ngành thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường mà chọn lĩnh vực công nghệ sạch, công nghệ cao.

Ông Võ Văn Hoan: 'Các khu công nghiệp hiện hữu ở TP.HCM phải thay đổi'- Ảnh 2.

Ông Phan Minh Toàn Thư, Giám đốc Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc chi nhánh TP.HCM cho rằng cơ quan nhà nước cần thường xuyên giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Bên cạnh đó, ban quản lý cần giải đáp thường xuyên những thắc mắc của doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu vì doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm. "Việt Nam hay TP.HCM không phải là điểm đến duy nhất", ông Thư nói, đồng thời cho biết các tập đoàn nước ngoài có nhiều lựa chọn, họ có thể đến Thái Lan, Malaysia.

Ông Võ Thanh Phong, Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhìn nhận khi làm khu công nghiệp thì ai cũng muốn làm công nghệ cao, chế biến, chế tạo… nhưng khi cơ chế chưa rõ ràng, nếu chỉ giới hạn trong một ngành nghề nhất định, thì rất khó khăn.

Ông Phong cho hay chủ đầu tư hạ tầng đi mời gọi, thu hút đầu tư thì đối tượng rất đa dạng. "Mình mời người ta, miễn sao đảm bảo môi trường, phát triển bền vững. Nếu hạn chế sẽ rất khó", ông Phong nói thêm.

Khu công nghiệp không chờ hết hạn mới thay đổi

Về nguồn vốn, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM cho biết thành phố có chính sách hỗ trợ lãi suất một số lĩnh vực ưu tiên khoản vay trị giá 200 tỉ đồng trở xuống, thời gian ưu đãi 7 năm. Các doanh nghiệp ở Khu Công nghệ cao TP.HCM, khu công viên phần mềm Quang Trung và các khu công nghiệp hoàn toàn có thể tiếp cận chính sách này.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết thành phố có điều kiện tự nhiên, mạng lưới giao thông thuận lợi, nơi hội tụ của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư, học tập, nguồn lực phong phú.

TP.HCM có cơ cấu hiện đại theo hướng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, trong đó ngành công nghiệp giữ vai trò nền tảng cho sự phát triển của địa phương.

Ông Võ Văn Hoan: 'Các khu công nghiệp hiện hữu ở TP.HCM phải thay đổi'- Ảnh 3.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng các khu công nghiệp hiện hữu cần phải thay đổi mô hình hoạt động

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Ông Hoan đánh giá sau hơn 30 năm phát triển, công nghiệp của thành phố phát triển đã tới hạn, nguồn lao động, quản trị, công nghệ đều lạc hậu. Do vậy, công nghiệp phải thay đổi mạnh mẽ thì mới giữ được mức tăng trưởng, nếu không sẽ không cạnh tranh với các địa phương, quốc gia khác.

"Các khu công nghiệp hiện hữu phải thay đổi, không chờ đến khi kết thúc thời gian hoạt động dự án rồi mới làm", ông Hoan nói thêm.

Lãnh đạo TP.HCM đánh giá cao 5 khu công nghiệp đã chủ động xây dựng đề án chuyển đổi, nhất là khu công nghiệp Tân Thuận đã thuê tư vấn, lập dự án. 

Ông Hoan cho biết trước đây thành phố tính tự viết đề án chuyển đổi 5 khu, nhưng sau đó thấy rằng phải giao cho từng chủ đầu tư phát triển khu công nghiệp làm mới sát thực tế, cụ thể và thực tế cho thấy đây là việc đúng.

"Thẩm quyền thành lập khu công nghiệp hiện nay do UBND TP.HCM quyết định nên thủ tục đơn giản hơn, vấn đề còn lại là phải mạnh mẽ cải thiện thủ tục sao cho đơn giản nhất", ông Hoan cho biết.

Các tin khác

Khi các hãng hàng không bán ‘hàng xén’ thu tiền tỷ

Bán vé máy bay kèm sớ cúng, đồ lễ; bán trà sữa; bán đá lạnh… là những món hàng tưởng chỉ có tại các chợ truyền thống, nhưng nay được nhiều hãng hàng không thực hiện. Điều đáng nói, doanh thu từ “tiệm tạp hóa trên mây” không nhỏ chút nào.

Elon Musk tiếp tục nhận tin buồn

Bất chấp việc người dân châu Âu đang chuyển sang dùng xe điện nhiều hơn, Tesla lại đang trải qua giai đoạn doanh số sụt giảm nghiêm trọng trên toàn khu vực. Những yếu tố như cạnh tranh khốc liệt, hình ảnh cá nhân của Elon Musk và căng thẳng thương mại đang khiến hãng xe Mỹ gặp nhiều khó khăn.

Nghi máy bay trượt khỏi đường băng Tân Sơn Nhất khi hạ cánh

Sau khi chuyến bay VJ1149 hạ cánh xuống Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM trong điều kiện trời mưa giông, bộ phận kỹ thuật phát hiện 2 lốp càng sau bên phải máy bay có nhiều vết rách dính cỏ, nghi ngờ trượt ra lề và cán đèn khi hạ cánh. Sự cố xảy ra ngày 7/5, Cục Hàng không Việt Nam đã lập tổ điều tra.

Bắt thêm 3 đối tượng trong vụ án ma túy tại Quảng Ninh

Liên quan đến chuyên án triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển ma túy quy mô lớn tại TP.Hạ Long, Công an tỉnh Quảng Ninh vừa bắt thêm 3 đối tượng, thu giữ 13 bánh heroin, nâng tổng số tang vật và đối tượng bắt giữ trong chuyên án lên 38 bánh heroin, 16 người.