Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa có báo cáo kết quả thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 8.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong
ẢNH: GIA HÂN
2 người kê khai tài sản không trung thực
Báo cáo cho biết, trong quý 1/2025, các bộ, ngành, đơn vị đã kiểm tra tại 1.160 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, qua đó phát hiện 19 đơn vị vi phạm.
Các cơ quan cũng tiến hành 529 cuộc kiểm tra về thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; phát hiện 12 vụ việc vi phạm, 9 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 1,8 tỉ đồng.
Đồng thời, kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 866 cơ quan, tổ chức, đơn vị; từ đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm, xử lý 1 người vi phạm.
Đáng chú ý, trong kỳ báo cáo, hơn 125.000 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; có 642 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 2 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực.
Vẫn trong kỳ báo cáo, tổng số vụ việc tham nhũng bị phát hiện là 8 vụ, 3 người. Trong đó, phát hiện qua hoạt động kiểm tra nội bộ 1 vụ, 1 người; qua thanh tra, kiểm tra là 6 vụ; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo 1 vụ, 2 người.
Ngành thanh tra cũng phát hiện 5 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; đã xử lý kỷ luật 5 người...
Nộp lại hơn 30.300 tỉ đồng từ án tham nhũng, kinh tế
Mới đây, Chánh án TAND tối cao cũng có báo cáo gửi tới kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV về công tác của các tòa án, thời gian từ 1.10.2024 đến 31.3.2025.
Báo cáo cho thấy, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, y tế…
Các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ mà tòa án đã xét xử chủ yếu phạm các tội về "tàng trữ, vận chuyển hàng cấm", "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", "sản xuất, buôn bán hàng cấm", "tham ô tài sản", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"...
Thông qua xét xử, các tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 71 vụ với 336 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, với số tiền và tài sản hơn 32.399 tỉ đồng; có 50 vụ với 243 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt hơn 30.321 tỉ đồng.
Đặc biệt, ngành tòa án đã phối hợp với liên ngành tố tụng ở T.Ư chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Điển hình là các vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty chè Việt Nam, Tập đoàn Thái Dương...
Nhiều vụ án đã gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội, như: vụ án "đưa hối lộ", "nhận hối lộ", "vi phạm quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án Sài Gòn - Đại Ninh (Lâm Đồng), vụ án liên quan dự án Khu đô thị biển Phan Thiết, vụ án Cục Đăng kiểm Việt Nam…
Thanh tra chuyển cơ quan điều tra 34 vụ việc
Thanh tra Chính phủ cho hay, trong quý 1/2025, toàn ngành đã triển khai 1.538 cuộc thanh tra hành chính và 4.135 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 2.058 tỉ đồng, 720 ha đất; trong đó, kiến nghị thu hồi 1.904 tỉ đồng và 617 ha đất...
Ngành thanh tra cũng đã ban hành 3.377 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 229 tỉ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 381 tập thể và 1.083 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 26 vụ, 15 người.
Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 2.394 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, qua đó các cơ quan chức năng đã thu hồi 547 tỉ đồng (đạt 54,0%); xử lý hành chính 420 tổ chức, 2.206 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 34 vụ, 32 người, khởi tố 3 vụ, 5 người…