Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm ngoái, VEC đạt doanh thu thuần hơn 3.260 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2020. Giá vốn bán hàng cũng tăng tương tự lên khoảng 1.100 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm hơn 19% so với năm trước đó, xuống còn 2.153 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế năm ngoái của VEC vẫn đạt 155,6 tỷ đồng. Con số này tăng gấp gần 20 lần so với năm 2020 nhờ doanh thu hoạt động tài chính của VEC tăng đột biến (đạt 3.900 tỷ đồng).
Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ khoảng 3.140 tỷ đồng. Hơn 10.400 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn cũng đem lại cho VEC khoản lãi 564 tỷ đồng.
Tính đến 31/12, tổng tài sản của VEC đạt 92.384 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Đối ứng bên phía nguồn vốn là nợ phải trả chiếm hơn 87% với 80.859 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn hơn 61.700 tỷ đồng. Hiện tại, 3 chủ nợ lớn nhất của VEC là Ngân hàng phát triển châu Á với dư nợ đến hết năm ngoái khoảng 30.000 tỷ đồng, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản hơn 27.300 tỷ, Ngân hàng Thế giới 6.105 tỷ đồng.
Năm 2021, chi phí tài chính của ông trùm đường cao tốc này cũng tăng gấp gần 2 lần so với năm 2020, lên hơn 5.770 tỷ đồng, trong đó hầu hết là lãi vay. Năm 2020, chi phí lãi vay của VEC khoảng 1.650 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã duyệt, năm 2022, VEC đạt mục tiêu doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 418 tỷ đồng. Doanh nghiệp này được duyệt tổng vốn đầu tư năm nay khoảng 2.187 tỷ đồng.
Ba tháng đầu năm, đã có hơn 12,5 triệu lượt phương tiện lưu thông trên 490 km đường cao tốc do VEC quản lý, giảm 0,9%. Doanh thu của VEC cũng giảm 5,3% so với cùng kỳ.