Tính riêng nội địa, Vietnam Airlines Group cung ứng gần 6,3 triệu chỗ, tương ứng hơn 32.400 chuyến bay, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa có đại dịch. Các đường bay nhộn nhịp nhất là giữa Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM với gần 160 chuyến bay mỗi ngày kết nối các thành phố này.
Mỗi ngày cũng sẽ có hàng trăm chuyến bay kết nối các điểm du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Cam Ranh, Đà Lạt, Huế, Quy Nhơn, Đồng Hới, Tuy Hòa, Côn Đảo …Tổng cộng, Vietnam Airlines Group sẽ khai thác xấp xỉ 430 chuyến bay nội địa mỗi ngày trong dịp cao điểm hè.
Trên các đường bay quốc tế, Vietnam Airlines Group cung ứng hơn 852.000 chỗ, tương đương hơn 3.600 chuyến bay, chỉ bằng 40% của năm 2019 do nhu cầu đi lại quốc tế chưa phục hồi rõ nét.
Trong thời gian cao điểm, Vietnam Airlines Group khuyến nghị hành khách sử dụng dịch vụ làm thủ tục trực tuyến, làm thủ tục qua điện thoại hoặc tự làm thủ tục tại các kiosk để tiết kiệm thời gian chờ đợi ở sân bay trước giờ khởi hành.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, các hãng thuộc Vietnam Airlines Group đã khai thác tổng cộng hơn 39.400 chuyến bay, tỷ lệ cất cánh đúng giờ đạt khoảng 90%. Thống kê dưới đây cho thấy Vietnam Airlines vẫn đang dẫn đầu về số chuyến bay khai thác, theo sau là Vietjet Air và Bamboo Airways.
Thua lỗ, âm vốn chủ và cần hỗ trợ thêm
Trong quý I vừa qua, Vietnam Airlines (Mã: HVN) báo cáo doanh thu thuần hợp nhất 11.620 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ 2021.
Lỗ gộp giảm từ gần 3.000 tỷ xuống chỉ còn gần 1.600 tỷ. Lỗ sau thuế cũng giảm từ 4.092 tỷ trong quý I năm ngoái xuống còn 2.686 tỷ đồng trong kỳ này.
- TIN LIÊN QUAN
-
Vietnam Airlines lỗ gần 2.700 tỷ trong quý I, giảm so với cùng kỳ
Đây là quý thua lỗ thứ 9 liên tiếp của Vietnam Airlines, như biểu đồ bên dưới cho thấy. Lỗ lũy kế tại ngày 31/3/2022 là 24.575 tỷ đồng, lớn hơn mức 22.144 tỷ của vốn điều lệ. Vốn chủ sở hữu hợp nhất âm 2.161 tỷ đồng.
Trong quý I, Cục Hàng không đã gỡ bỏ kiểm soát số lượng chuyến bay của các hãng, Chính phủ cũng nới lỏng có kiểm soát công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Nhờ vậy, hoạt động vận tải hành khách đã có cơ hội phục hồi mạnh mẽ. Thị trường nội địa đã ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao nhờ tốc độ bao phủ vắc xin và nhiều địa phương kích cầu du lịch.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết thị trường quốc tế phục hồi còn chậm do các hạn chế về việc nhập cảnh và cách ly tại một số quốc gia. Bên cạnh đó, giá dầu tăng mạnh và duy trì ở mức cao trong 3 tháng đầu năm khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Chi phí nhiên liệu ba tháng đầu năm lên đến trên 3.200 tỷ đồng, chiếm trên 30% tỷ trọng chi phí vận tải hàng không và cao hơn 465 tỷ đồng so với dự toán của Vietnam Airlines.
Năm 2021, Vietnam Airlines đã được hỗ trợ 12.000 tỷ đồng thông qua chương trình vay 4.000 tỷ với lãi suất ưu đãi và phát hành cho cổ đông hiện hữu xấp xỉ 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo tổng công ty cho rằng hỗ trợ trên là chưa đủ để Vietnam Airlines đứng vững và vượt qua đại dịch.
Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đang chỉ đạo Vietnam Airlines xây dựng phương án tổng thể để tháo gỡ khó khăn cho chính tổng công ty. Trong đó, giải pháp tái cơ cấu toàn diện Vietnam Airlines là việc cấp bách cần làm ngay để cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Cổ đông Nhà nước hiện nay sở hữu hơn 86% vốn của Vietnam Airlines.
Hết phiên sáng 26/5, cổ phiếu HVN dừng ở 18.100 đồng/cp, giảm hơn 20% so với ngày đầu năm. Một cổ phiếu hàng không khác là VJC của Vietjet giảm ít hơn so với HVN.