Doanh nghiệp

Ông Nguyễn Bá Sáng nói về chiến lược thận trọng của An Gia sau "tai nạn" thị trường bất động sản

Không chia cổ tức, giữ lại lợi nhuận để phát triển dự án

Ngày 16/5, CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (Mã: AGG) đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025.

Ban lãnh đạo An Gia đưa ra kế hoạch doanh thu thuần năm 2025 đạt 800 tỷ đồng, giảm 58% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến tăng 14%, đạt 340 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị (HĐQT) đề xuất không chia cổ tức cho năm 2024 và 2025. Toàn bộ lợi nhuận lũy kế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2024 là 1.291 tỷ đồng sẽ được giữ lại để phục vụ cho hoạt động đầu tư và phát triển các dự án trọng điểm.

Trước đó, An Gia đã duy trì chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% trong giai đoạn 2019 - 2021. Tuy nhiên, năm 2022 công ty không chia cổ tức và năm 2023 tỷ lệ cổ tức được chia là 25%. Quyết định không chia cổ tức trong năm 2024 và 2025 được đưa ra trong bối cảnh tình hình thị trường còn nhiều bất ổn và An Gia cần tập trung tài chính cho các dự án quan trọng trong tương lai.

Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT An Gia, cho biết, việc giữ lại lợi nhuận để đầu tư vào các dự án trọng điểm sẽ giúp công ty nâng cao khả năng sinh lời trong tương lai và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 của An Gia. (Ảnh: Xuân Nghĩa).

Chiến lược phát triển quỹ đất thận trọng

Chủ tịch An Gia chia sẻ năm 2025 sẽ là một cột mốc quan trọng đối với công ty. Các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) và Luật Đất đai mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã tạo ra những thay đổi lớn trong khung pháp lý của ngành bất động sản. Trong bối cảnh này, An Gia sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển quỹ đất thận trọng.

Ông cho biết: “An Gia đã nhận được nhiều lời đề nghị chào bán quỹ đất mới, nhưng hiện tại công vẫn duy trì trạng thái chờ đợi và không vội vàng ký kết các thỏa thuận nếu không đảm bảo rõ ràng về pháp lý. Quyết định này thể hiện sự thận trọng của công ty trong việc mở rộng quỹ đất, tránh những rủi ro pháp lý có thể phát sinh trong quá trình triển khai dự án.

Chúng tôi không vội vàng mua quỹ đất nếu chưa đảm bảo rõ ràng về pháp lý và khả năng triển khai. Để một dự án triển khai tốt thì điều quan trọng nhất là pháp lý đã được hoàn thiện hoặc chỉ còn vướng một số vấn đề nhỏ.

Nhiều khi bị tai nạn, trải qua khó khăn sẽ thấy nhiều điều nhìn như vậy nhưng không phải vậy. Dự án triển khai tốt là dự án xong pháp lý hoặc chỉ vướng một chút pháp lý, còn đa số dự án hiện nay là dự án mới, đang trong quá trình làm pháp lý thì cũng mất 1,5 đến 2 năm mới hoàn thiện".

Tính đến hiện tại, An Gia có khoảng hơn 7.000 sản phẩm trong quỹ đất hiện hữu, một năm đặt kế hoạch bán khoảng 2.000 - 3.000 sản phẩm. Như vậy, trong 3 – 4 năm nữa, An Gia đã đủ lượng hàng để bán, duy trì doanh thu, lợi nhuận. Công ty không nhất thiết phải tìm kiếm quỹ đất và mua ở thời điểm hiện tại khi mà mọi thứ chưa rõ ràng mà phải vay vốn chịu áp lực lãi vay, theo lời của ông Sáng.

Tập trung hoàn thiện pháp lý cho các dự án trọng điểm

Tại đại hội, An Gia đã trình bày về các dự án trọng điểm trong năm 2025. Một trong những dự án đáng chú ý nhất là The Gió Riverside tại Bình Dương với quy mô 2,9 ha, gồm hai tòa tháp cao 40 tầng và khoảng 3.000 căn hộ.

Dự án này được kỳ vọng sẽ là một trong những động lực chính cho doanh thu của An Gia trong tương lai, mặc dù lợi nhuận từ dự án này sẽ chỉ bắt đầu ghi nhận từ cuối năm 2026 trở đi.

Đại diện công ty cho biết vào tháng 4, An Gia đã tổ chức lễ ra mắt dự án The Gió Riverside và trong buổi ra mắt này, hơn 4.000 lượt đăng ký đã được ghi nhận, trong đó có 1.200 khách hàng đăng ký mua căn hộ. Dự án dự kiến sẽ mở bán đợt 2, công ty kỳ vọng sẽ tiếp tục thành công như đợt đầu tiên.

Bên cạnh The Gió Riverside, công ty cũng đang tập trung hoàn thiện pháp lý cho hai dự án lớn khác là The Lá Village (27 ha) và Westgate 2 (huyện Bình Chánh). Các dự án này đều đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý, và An Gia kỳ vọng rằng Nghị quyết Chính phủ cho phép thí điểm chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở thương mại sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ pháp lý cho các dự án này.

Lãnh đạo An Gia kỳ vọng vào việc áp dụng Nghị quyết Chính phủ trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp để làm nhà ở thương mại sẽ giúp hoàn tất pháp lý cho hai dự án The Lá Village và Westgate 2.

Hiện tại, công ty đang triển khai hồ sơ thí điểm và dự kiến trong 2 - 3 tháng tới, thành phố sẽ trình Hội đồng Nhân dân để thông qua. Nếu mọi việc thuận lợi, hai dự án này có thể hoàn tất pháp lý vào giữa hoặc cuối 2026, và có thể đưa ra thị trường sau đó.

Ban lãnh đạo chia sẻ thêm, trước đây các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ Nhật Bản đã đồng hành cùng An Gia trong các dự án trọng điểm. Ví dụại The Gió Riverside, báo cáo tài chính hợp nhất ghi nhận tỷ lệ của công ty liên kết là 40% và An Gia sẽ hợp nhất sở hữu khi đủ điều kiện, dự kiến vào giai đoạn 2026 - 2027.

Tại các dự án The Lá Village và Westgate 2, An Gia cũng hợp tác với các quỹ Nhật Bản, với tỷ lệ sở hữu giữa An Gia và các quỹ duy trì cố định trong thời gian dài. Tuy nhiên, các quỹ có xu hướng giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phần tùy theo tình hình thị trường và khả năng triển khai dự án của An Gia. Công ty cũng cam kết sẽ tối ưu hóa lợi ích cho cổ đông và có thể xem xét điều chỉnh tỷ lệ sở hữu trong tương lai.

Các tin khác

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đã đến lúc tận dụng vốn tư nhân, nhưng...

“Đã đến lúc chúng ta phải tận dụng nguồn vốn từ kinh tế tư nhân, sự năng động, quyết toán và tính quản lý chặt chẽ của họ để tham gia thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, con đường đi còn rất dài chứ không thể thực hiện được ngay được”, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nói.

Bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh từ 1.1.2026

Quốc hội sáng 17.5 đã bấm nút thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh từ 1.1.2026.