Công nhân đang làm việc - Ảnh: Tân Long
Ông Trương Sỹ Bá - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long - vừa gửi tâm thư đến toàn thể cán bộ nhân viên, nhằm chia sẻ về những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp đang gặp phải, cũng như kế hoạch tái cơ cấu sắp tới.
Tân Long là một trong những "ông lớn" top đầu mảng nông nghiệp tại Việt Nam, với 22 năm phát triển, quy tụ hơn 2.500 nhân viên, chuyên cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh gạo, xuất nhập khẩu hạt điều...
Trong tâm thư, ông Bá cho biết "chính vì sự phát triển lớn mạnh nên chúng ta càng gặp nhiều vấn đề khó khăn trước những biến cố khôn lường của thị trường trong nước và quốc tế".
Cụ thể là khủng hoảng kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hơn hai năm đại dịch COVID-19, chiến tranh Nga - Ukraine kết hợp với hậu COVID-19... đưa thế giới chìm trong khủng hoảng, suy thoái và lạm phát.
Tiếp đến, làn sóng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khiến đồng tiền nội tệ của các nước mất giá. Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh chung của thế giới, lãi suất ngân hàng lên đến 13 -15%/năm "tạo khó khăn khủng khiếp cho doanh nghiệp của chúng ta".
Trước tình hình trên, ban lãnh đạo của Tân Long cũng "chưa có những quyết định kịp thời và chuẩn xác để ứng phó với những diễn biến khôn lường đã xảy ra".
Ông Trương Sỹ Bá - Ảnh: Tân Long
"Tôi, với vai trò của người đứng đầu tập đoàn, thật sự xin lỗi các bạn vì đã thực sự chưa làm tốt vai trò của mình", ông Bá chia sẻ.
Để Tân Long Group tiếp tục đứng vững, phát triển, đạt được mục tiêu của mình trong tương lai, năm 2023 phía doanh nghiệp này quyết định sẽ tái cơ cấu toàn bộ hệ thống, bao gồm: tổ chức lại lao động, sàng lọc và tinh giản bộ máy nhân sự, điều chỉnh thu nhập - giảm lương.
Theo chủ tịch Tân Long, đây chính là thời điểm thích hợp để xem xét lại các lĩnh vực doanh nghiệp ưu tiên, tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị và đào tạo nhân viên theo cách vận hành mới. Vì vậy, "chúng tôi buộc phải đưa ra các quyết định đau lòng ngoài ý muốn".
"Tôi gửi lời chia buồn sâu sắc đến những cán bộ nhân viên nằm trong danh sách phải thôi việc trong đợt này do tái cơ cấu, cũng như những cán bộ nhân viên còn ở lại phải bị giảm mức thu nhập của mình để chia sẻ khó khăn, giúp Tân Long Group có thể hoàn thành công cuộc tái cấu trúc này", Chủ tịch Trương Sỹ Bá nêu trong thư.
Trên thị trường, Tân Long gắn liền với thương hiệu gạo A An và ba dòng sản phẩm gạo thuộc thương hiệu gạo A An là Japonica, Jasmine và ST21.
Sau khi ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) vui mừng quảng cáo "heo ăn chuối", vào tháng 10 vừa qua một thành viên của Tập đoàn Tân Long là Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã chứng khoán BAF) cũng ra mắt thương hiệu "heo ăn chay", tức heo ăn cám chay - sử dụng 100% nguyên liệu từ đạm thực vật.
Về hoạt động kinh doanh, lũy kế ba quý đầu 2022, BAF ghi nhận doanh thu gần 4.890 tỉ đồng, giảm hơn 46% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế đạt hơn 286 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành hơn 71% kế hoạch cả năm.
Về dòng tiền, trong ba quý vừa qua doanh nghiệp đã tăng vay nợ để bù vào khoản kinh doanh thâm hụt và mở rộng đầu tư.
Vào tháng 11 mới đây, doanh nghiệp cũng thông qua kế hoạch huy động 600 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu, nhằm góp vốn đầu tư vào các công ty con để xây dựng dự án trang trại chăn nuôi heo, bổ sung vốn hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngày phát hành dự kiến trong quý 4-2022 hoặc quý 1-2023.
Trên thị trường chứng khoán, mã BAF đang giao dịch quanh mốc 16.950 đồng/cổ phiếu, tương đương biến động giảm hơn 55% trong vòng một năm nay.