Theo đó, một nghiên cứu mới của Science Advances chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu là "thủ phạm" làm tăng gấp đôi nguy cơ về lũ lụt thảm khốc sẽ xảy ra ở California trong 4 thập kỷ tới. Các nhà khoa học nhân mạnh rằng, thảm hoạ này rất lớn và không giống với những trận lũ thông thường.
Ông Saniel Swain, một nhà khoa học khí hậu từ ĐH California, Los Angeles, người tham gia vào nghiên cứu trên, mô tả trận lũ khổng lồ sẽ có khả năng quét qua một khu vực rộng lớn và có thể gây ra những tác động thảm khốc ở California.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, trận lũ khổng lồ nghìn năm có một này tương tự như các trận lũ xảy ra tại St. Louis và Kentucky vào mùa hè năm 2022. Tuy nhiên, trận lũ sẽ quét qua một khu vực rộng lớn hơn nhiều, chẳng hạn như toàn bộ bang California.
Theo các nhà nghiên cứu, California có thể xảy ra trận lũ lụt nghìn năm có một trong bốn thập kỷ tới. Ảnh: Michael J. Nevins
Thảm họa sẽ gây thiệt hại tới 1.000 tỷ USD
Theo các nhà nghiên cứu, những thảm hoạ thiên nhiên với quy mô lớn như trên là rất hiếm, nhưng có thể sẽ biến vùng đất thấp của California trở thành một vùng biển nội địa rộng lớn. Thế nhưng các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu đang làm tăng khả năng xảy ra những thảm hoạ thiên nhiên thảm khốc này, và khiến chúng có thể xảy ra sau mỗi 25 – 50 năm.
Trên thực tế, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các trận mưa lớn, khiến lũ quét xảy ra thường xuyên hơn.
California có nguy cơ dễ bị lũ lụt và điều này có thể khiến cho hàng triệu người dân bị ảnh hưởng.
Các nhà nghiên cứu cho biết, khu vực bị tàn phá nhiều nhất sẽ là thung lũng trung tâm của California, trong đó bao gồm Sacramento, Fresno và Bakersfield.
Theo nghiên cứu, trận lũ lụt với quy mô lấp đầy thung lũng này có khả năng trở thành thảm họa địa vật lý tốn kém nhất khi gây thiệt hại tới 1.000 tỷ USD và tàn phá những vùng đất thấp của bang California, bao gồm Los Angeles và quận Cam.
Con số này ước tính sẽ cao gấp 5 lần thiệt hại từ con bão Katrina, thảm họa gây tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Thậm chí, một trận lũ lớn như vậy ở California cũng có thể vượt quá những thiệt hại từ một trận động đất với cường độ lớn.
Nghiên cứu này là giai đoạn đầu tiên của những nghiên cứu về ảnh hưởng của trận lũ cực lớn trong tương lai xảy ra tại California. Hai giai đoạn nghiên cứu tiếp theo dự kiến sẽ được công bố trong 2 – 3 năm tới.
Nhà khoa học khí hậu Saniel Swain cho biết: "Cuối cùng một trong những mục tiêu của chúng tôi không chỉ là để tìm hiểu những sự kiện này một cách khoa học, mà còn giúp cho California chuẩn bị ứng phó. Đó là câu hỏi về thời điểm trận lũ khổng lồ này ập đến thay vì việc nó có xảy ra hay không".
Bài học từ quá khứ
Theo các chuyên gia, hơn 150 năm trước, một trận lũ tương tự đã xảy ra tại California. Đây cũng chính là một trong những trận lũ lụt đặc biệt nhất trong lịch sử khi nó kéo đến sau một đợt khô hạn trong suốt nhiều thập kỷ.
Cụ thể, nhiều khu vực đã bị phá hủy chỉ trong vài phút. Theo nghiên cứu, đó là vào mùa đông năm 1861 – 1862, một trận mưa lớn đã biến các thung lũng San Joaquin và Sacramento trở thành vùng biển nội địa rộng lớn chỉ trong thời gian ngắn. Một số khu vực thậm chí nước ngập tới hơn 9 m trong nhiều tuần, làm phá hủy cơ sở hạ tầng, đất nông nghiệp và thị trấn.
Ngay cả Sacramento, thủ phủ mới của tiểu bang này vào thời điểm đó, cũng bị ngập trong nước lũ cao tới 3 m trong suốt nhiều tháng.
Thảm họa đáng nhớ này bắt đầu xảy ra vào tháng 12/1861, khi tuyết rơi dày hơn 4,5 m tại Sierra Nevada. Những con sông khí quyển (những dải mây lớn, dày đặc, trông như con sông vắt ngang trời, và có mang theo nhiều lượng hơi nước hơn mây thông thường) liên tục gây mưa trong 43 ngày, và trút xuống các sườn núi, thung lũng.
Trung tâm thành phố Sacramento trong trận lũ lịch sử vào năm 1862. Ảnh: A. Rosenfield/ Wikimedia Commons
Trận lũ này đã khiến 4.000 người thiệt mạng. phá hủy tới 1/3 tài sản của California, 1/4 số gia súc ở tiểu bang này bị chết đuối hoặc chết đói, đặc biệt là 1/8 số ngôi nhà bị mất hoàn toàn do nước lũ cuốn trôi. Ngoài ra, 1/4 nền kinh tế của California cũng bị xóa xổ và điều này dẫn đến tình trạng phá sản ở trên toàn tiểu bang.
Theo các nhà nghiên cứu, những trận mưa lớn tương tự sẽ xảy ra một lần nữa, nhưng sẽ còn tồi tệ và thường xuyên hơn.
Nghiên cứu đưa ra cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu đã làm tăng nguy cơ tái diễn trận lũ lịch sử vào năm 1862 tại California. Sự nóng lên toàn cầu trong tương lai thậm chí còn có thể làm tăng nguy cơ này cao hơn.
Ông Saniel Swain cho biết thêm, nhiều thành phố lớn ngày nay với hàng triệu cư dân hiện được xây dựng trực tiếp ngay trên những điểm lũ lụt trong quá khứ. Điều này sẽ khiến nhiều người gặp nguy hiểm hơn.
Có khoảng 500.000 người sống ở California vào năm 1862. Nhưng hiện nay, dân số của bang này là hơn 39 triệu người.
Do đó, khi trận lũ lụt lịch sử này xảy ra một lần nữa, hậu quả cũng sẽ rất khác so với những năm 1860.
Bên cạnh đó, nghiên cứu mới này cũng chỉ ra rằng, các con sông khí quyển đang hình thành ngày càng nhiều và nhanh hơn trong mùa lạnh. Trên thực tế, các con sông khí quyển sẽ mang lại lượng mưa cần thiết cho các cùng đất bị hạn hán như California. Tuy nhiên, chúng cũng có thể trở nên nguy hiểm hơn khi khí hậu ấm lên.
Trên thực tế, trong lịch sử, những con sông khí quyển là nguyên nhân chính làm tuyết rơi tại Sierra Nevada. Nhưng khi khí hậu ấm lên, tuyết sẽ rơi nhiều hơn dưới dạng mưa. Thay vì tuyết rơi xuống từ từ theo thời gian, tất cả sẽ tan chảy, trút xuống và gây ra lũ lụt ngay lập tức.
Do nằm sát Thái Bình Dương, bang California giống như một hồ chứa vô hạn ở ngoài khơi. Hơn nữa, vì địa hình đồi núi của California và nguy cơ cháy rừng khiến tiểu bang này đặc biệt dễ bị lũ lụt. Bởi khi không còn cây cối cản lại do cháy rừng thì mưa sẽ nhanh chóng trút xuống dọc theo các sườn dốc và cuốn trôi những mảnh vụn. Theo các nhà nghiên cứu, với số vụ cháy rừng đang ngày càng lớn và gia tăng do biến đổi khí hậu, tình trạng đáng lo ngại này sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Mưa bão gây ngập lụt trên diện rộng ở California vào tháng 10/2021. Ảnh: AP
Vẫn có nhiều cách để giảm thiệt hại?
Dù những phân tích trên cho thấy California không thể tránh khỏi thảm họa này, nhưng vẫn có nhiều cách để giảm thiểu về mức độ thiệt hại.
Nhà khoa học khí hậu Saniel Swain chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng mức độ thiệt hại của trận lũ khổng lồ trên có thể được giảm thiểu đáng kể bằng cách chúng ta thực hiện một số việc để cải tiến hệ thống kiểm soát lũ lụt và hệ thống kiểm soát nước, khả năng ứng phó với thiên tai".
Ông Xingying Huang, một nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ, đồng thời là một trong những tác giả của nghiên cứu trên, nhận định rằng mọi người đều có thể nỗ lực để góp phần chống biến đổi khí hậu. Vị chuyên gia này cho rằng, nếu chúng ta cùng hành động để giảm thiểu lượng khí thải trong tương lai thì có thể giảm được nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Các đợt cháy rừng từ ngày 22 đến 24/7 vừa qua khiến hơn 10.000 người ở California phải sơ tán khẩn cấp. Ảnh: AP
Vì sao California hay bị cháy rừng?
Mức độ nghiêm trọng của những hiện tượng thời tiết cực đoan ở California trong thời gian qua một lần nữa lại là lời cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo ông Park Williams, chuyên gia nghiên cứu khí hậu sinh học thuộc Đại học Columbia, khí hậu là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới tình trạng cháy rừng xảy ra thường xuyên ở bang California.
Cụ thể, California thường có thời tiết ẩm ướt vào mùa Thu, mùa Đông. Tuy nhiên, khi mùa hè đến, ở đây lại thiếu mưa và có nhiệt độ nóng hơn, khiến cây cối trở nên khô dần. Mặt khác, tình trạng nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu cũng làm cho cây cối tại tiểu bang này khô hơn vào mùa hè.
Theo ông Park Williams, mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu do con người gây ra và các đám cháy lớn xảy ra là không thể tách rời.
Ngoài ra, gió Santa Ana, thứ gió ấm và khô xuất hiện vào mùa Thu, đầu mùa Đông, cũng là hiện tượng thường xảy ra tại Nam California và Bắc California. Gió Santa Anna có thể dẫn tới những đám cháy dữ dội hơn vào cuối năm.
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu ở California đang làm gia tăng sự biến đổi về nhiệt độ và lượng mưa hàng năm. Điều này sẽ tạo ra sự tương phản lớn hơn giữa những năm hạn hán và những năm ẩm ướt, dẫn tới nguy cơ hỏa hoạn lớn hơn nhiều.
Bài viết tham khảo nguồn: CNN, NYtimes