Anh Thư hiện đang là sinh viên năm 2 khối ngành Marketing tại một trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Dù mới bước sang năm thứ 2 đại học, thế nhưng cô nàng đã sở hữu cho mình một mức lương khiến không ít sinh viên ra trường phải ao ước.
“Hà Nội là môi trường có nhiều cơ hội để học tập và phát triển. Vì thế mình đã tự tìm kiếm những công việc làm thêm ngay từ khi mới đặt chân lên Hà Nội”, Anh Thư chia sẻ.
Khi biết được việc cô nàng quyết định đi làm thêm, gia đình đều kịch liệt phản đối vì môi trường còn lạ lẫm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và việc học vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, Anh Thư đã nhiều lần thuyết phục để bố mẹ hiểu và ủng hộ mình.
“Nửa năm nhất đại học mình quyết định đi làm thêm cho những quán café, quán bán quần áo hay vị trí trực tổng đài chăm sóc khách hàng. Đây là nơi mình có thể rèn luyện cách giao tiếp, thấu hiểu tâm lý và biết cách chăm sóc khách hàng. Đối với ngành học của mình thì điều này là vô cùng quan trọng”, cô bạn nói.
Khi lựa chọn việc làm thêm, Anh Thư cũng luôn chú trọng đến những việc làm phù hợp với ngành học Marketing của mình. Theo cô bạn, ngành Marketing đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó bao gồm linh hoạt trong giao tiếp, năng động, thấu hiểu khách hàng, biết cách quan sát và nắm bắt thị trường,…
Ảnh minh họa
Từ những yêu cầu cụ thể của ngành học, Anh Thư từng bước trau dồi thêm cho mình những kỹ năng và kiến thức từ những hoạt động thực tiễn.
Đến thời điểm hiện tại, Anh Thư đang làm từ 2-3 công việc mỗi tháng, đa phần đều là những công việc freelance có thể làm tại nhà.
“Nguồn thu nhập chính của mình từ việc viết Content Marketing, trung bình mỗi tháng sẽ nhận được khoảng 4 triệu đồng. Ngoài ra mình cũng là cộng tác viên nội dung và tổ chức sự kiện cho nhiều dự án truyền thông, tuy nhiên công việc này sẽ theo mùa vụ”, cô nàng cho biết.
Theo chia sẻ từ Thư, thời gian làm việc của cô bạn mỗi ngày khoảng 5-6 tiếng. Để sắp xếp thời gian hợp lý giữa việc học và làm, Anh Thư đã cắt giảm hầu hết thời gian tụ tập với bạn bè để tập trung tối đa cho mục tiêu của mình.
Khi hỏi về dự định tương lai, Anh Thư hào hứng chia sẻ: “Sau khi trải nghiệm nhiều vị trí công việc, mình học hỏi được rất nhiều thứ mà có lẽ không sách vở nào ghi chép cả. Thời gian tới khi khối lượng môn học ít đi, mình sẽ xin đi làm tại một số công ty truyền thông. Khi làm việc trực tiếp với đội ngũ chuyên nghiệp, chắc chắn mình sẽ phát triển được nhiều hơn”.
Học hỏi và trải nghiệm luôn là 2 cụm từ được cô bạn nhấn mạnh trong suốt hành trình phát triển của mình. Mặc dù mới là sinh viên năm 2, thế nhưng Anh Thư đã tỏ ra vô cùng chững chạc, trưởng thành và đầy bản lĩnh trong việc xử lý mọi tình huống.
Theo các chuyên gia, “những công dân của thời đại số hóa” gen Z như Anh Thư sở hữu cho mình sự nhạy bén, năng động và cực kỳ sáng tạo. Chính vì thế, các bạn trẻ luôn hiểu rõ bản thân mình cần gì, muốn gì để có thể tự mình học hỏi và phát triển.
Nét tính cách và đặc điểm tâm lý này sẽ mang đến cho các bạn trẻ rất nhiều cơ hội phát triển và tìm kiếm việc làm trong tương lai ở rất nhiều khối ngành khác nhau. Tuy nhiên, điều mà mỗi bạn gen Z còn khá yếu chính là sự “từng trải” nên đôi khi việc xử lý mọi việc còn khá vội vàng, hấp tấp khiến “xôi hỏng bỏng không”.
Để hoàn thiện mình hơn, gen Z sẽ cần trau dồi thêm những kiến thức về đời sống xã hội, rèn luyện sự bình tĩnh, điềm đạm và làm chủ được “cái tôi” của chính mình.