Đúng 10h sáng nay (27/4), tại trụ sở UBND xã Hoà Chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính phối hợp với Trung tâm đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Hà Nội) đã tổ chức buổi đấu giá lần thứ 5 lô gỗ sưa từng được định giá trăm tỷ.
Ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm đấu giá tài sản chủ trì phiên đấu giá lô gỗ sưa ở làng Phụ Chính lần 5
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm đấu giá tài sản, có 5 bộ hồ sơ tham gia đấu giá nhưng chỉ có 2 người đặt cọc tiền (đặt cọc 14 tỷ đồng/người). Do đó, buổi đấu giá sáng 27/4 chỉ có 2 khách hàng được quyền tham gia phiên đấu giá.
Hình thứ đấu giá là bỏ phiếu gián tiếp, tức là khi người tham gia mua hồ sơ đấu giá sẽ được Trung tâm đấu giá tài sản phát cho một phiếu trả giá. Người mua sẽ điền đầy đủ thông tin cá nhân và số tiền trả giá cho lô gỗ sưa. Phiếu trả giá sẽ được cho vào phong bì, niêm phong và được công bố trong ngày đấu giá.
Giá khởi điểm cho lô gỗ sưa là 72 tỷ đồng. Người mua trả giá tiến lên, với bước giá là 500.000.000 đồng/lần.
Trong phiên đấu giá lần thứ 5 sáng 27/4, cả 2 khách hàng tham gia phiên đấu giá đều trả giá để mua lô gỗ sưa là 73 tỷ đồng, cao hơn 1 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Trung tâm đấu giá tài sản tiến hành bước tiếp theo, đó là bốc thăm để tìm ra vị khách hàng may mắn trúng đấu giá.
Bà Trương Thị Quỳnh Nga - người trúng đấu giá lô gỗ sưa ở làng Phụ Chính
Kết quả, bà Trương Thị Quỳnh Nga đến từ huyện Yên Phong (Bắc Ninh) là người thắng cuộc đấu giá.
Theo quy định, sau 5 ngày làm việc kể từ ngày đấu giá, bà Nga và Cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính sẽ làm hợp đồng mua bán. Sau 7 ngày kể từ khi ký hợp đồng, bên mua sẽ phải thanh toán cho bên bán. Tiếp tục, 7 ngày sau thanh toán, bên bán phải bàn giao số gỗ sưa cho bên mua.
Như vậy, sau 4 năm chặt hạ và qua 5 lần đấu giá, lô gỗ sưa ở làng Phụ Chính đã bán thành công.
Các bên niêm phong container chứa số gỗ sưa để chờ làm các thủ tục tiếp theo
Trước đó, trong khuôn viên chùa Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có 2 cây sưa quý hiếm. Một cây 130 năm tuổi, có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm. Một cây khác cũng có chiều cao hơn 10m, đường kính khoảng 80cm, khoảng gần 100 năm tuổi.
Năm 2010, có người đến trả giá hơn 100 tỷ đồng cho 1 cây sưa đỏ nhưng người dân không bán. Sau đó, người dân đã cưa một cành cây bán với giá 20,5 tỷ đồng để lấy kinh phí xây đình làng.
Đến tháng 10/2018, thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 27/1/2019, người dân thôn Phụ Chính bắt đầu chặt hạ 2 cây sưa đỏ, chia thành 5 nhóm gỗ với trọng lượng từ 550kg đến hơn 2.000kg.