Công ty CP Ba Huân không phải là doanh nghiệp nằm trong top đầu Việt Nam và bà Ba Huân cũng không phải là người giàu top đầu Việt Nam, nhưng với xuất phát điểm thấp không giống nhiều doanh nhân khác, những gì bà Phạm Thị Huân và công ty Ba Huân làm được, có thể xem là kỳ tích.
Nhờ năng khiếu kinh doanh, bà đã được mẹ trao lại nghiệp kinh doanh trứng của gia đình ngay từ thời niên thiếu. Dù không học hết đại học và "biết không nhiều chữ" như bà nhiều lần thú nhận, song bằng trực giác đặc biệt của một doanh nhân xuất sắc, bà luôn nhận ra đâu là thời điểm mình cần đổi mới mô hình kinh doanh hoặc đầu tư thêm công nghệ gì, để bảo đảm sản phẩm của mình luôn sạch, chất lượng nhất thị trường khi ra mắt.
"NHỮNG TRÁI TRỨNG VỠ, TRỨNG UNG ĐÃ NUÔI DƯỠNG CHỊ EM TÔI THÀNH NGƯỜI"
"Là con thứ ba trong gia đình có tám chị em, 13 tuổi theo mẹ giữ em, 16 tuổi tôi được mẹ giao lại gánh trứng, vừa đảm đương vai trò chị hai chăm sóc các em, vừa gánh vác nghề tổ.
Quê mình là làng nghèo nhất của huyện Châu Thành, Long An, những trái trứng vỡ, trứng ung đã nuôi dưỡng tám chị em thành người. Tôi nhớ mãi đôi vai oằn đi vì gánh gồng của mẹ, đôi bàn chân choãi rộng vì phải bấm chặt vào đất những ngày mưa, vì té ngã sẽ tiêu tan sản nghiệp. Dù chỉ học hết lớp 5 phải bỏ học phụ mẹ nuôi em, nhưng mẹ luôn dạy tôi phải học hỏi mọi lúc, mọi nơi, học từ chính người nông dân lam lũ để biết ăn ở với chồng con cho phải đạo…
40 năm gắn bó với nghề trứng, mẹ để lại cho tôi chiếc ghe bầu xuôi ngược cùng những đàn vịt chạy đồng khắp Kiên Giang, An Giang… Từ đó, tôi gầy dựng nên thương hiệu Ba Huân. Đời tôi với con gà, con vịt rất gần gũi, nhưng đường con cái lại không trọn vẹn, nên tôi muốn dành trọn cuộc đời dấn thân vì cộng đồng, xã hội, để khi mình ra đi không còn gì nuối tiếc", bà Phạm Thị Huân đã tổng kết đời mình trong một bài phỏng vấn năm 2016.
Từ khi mới 12 tuổi, bà Phạm Thị Huân đã được cha mẹ hướng dẫn, dìu dắt để đến năm 16 tuổi bắt đầu khởi nghiệp. Bà xuôi ngược khắp vùng sông nước Mekong từ Long An đến Kiên Giang trên một con thuyền, để thu gom và phân phối trứng gia cầm khắp các tỉnh miền Tây.
Sau giải phóng, bà xin vào làm cho Công ty Nông sản Kiên Giang. Vốn "dắt lưng" nghề buôn bán trứng, mỗi khi có trứng vỡ, bà lại xin về để đem bán lấy tiền lo cho các em ăn học. Biết Ba Huân có thâm niên với nghề trứng gia cầm nên lãnh đạo công ty đã giao cho bà công việc thu gom và phân phối trứng từ miền Tây lên TP. HCM.
Năm 1985, Nông sản Kiên Giang không còn kinh doanh trứng gia cầm, vậy nên bà trở lên Chợ Lớn chính thức mở cơ sở kinh doanh trứng tên Ba Huân. Năm 2001, vựa trứng Ba Huân phát triển thành Công ty TNHH Ba Huân với vốn điều lệ hơn 5 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 100 nhân công. Lúc đó, thương hiệu Ba Huân đã trở thành cái tên quen thuộc của người tiêu dùng. Không những thế, sản phẩm trứng được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông, Malaysia, Singapore.
"BẠN BÈ AI CŨNG NGĂN CẢN, CHỈ CÓ MẸ LÀ NGƯỜI DUY NHẤT ỦNG HỘ TÔI"
Năm 2003, đại dịch gia cầm bùng phát trong cả nước, hàng chục vạn trứng gia cầm phải tiêu hủy, nhiều gia đình nông dân với chuồng trại nuôi gà, vịt lấy trứng truyền thống bỗng chốc phá sản. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến mất nguồn cung ứng nguyên liệu. Công ty Ba Huân lỗ gần 6 tỷ đồng, nên bà phải bán một căn nhà để gầy dựng lại sự nghiệp theo yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm của Nhà nước.
Khi công việc kinh doanh vừa ẩm trở lại, đầu năm 2005, dịch cúm gia cầm H5N1 lại bùng phát lần nữa khiến nhiều doanh nghiệp đối diện với nguy cơ phá sản. Để không đi theo vết xe đổ của các doanh nghiệp cùng ngành, đồng thời tránh tình trạng đóng băng công việc kinh doanh vì cúm gia cầm lần ba, bà Ba Huân nghĩ rằng mình cần phải tìm giải pháp nhằm giải quyết rốt ráo vấn đề.
Bà biết được ở nước ngoài có dây chuyền công nghệ xử lý vi khuẩn hiện đại cho trứng gia cầm nên quyết định đi thực tế để tìm hiểu, rồi trở về gom vốn nhập thiết bị hiện đại.
"Vất vả nhất là năm 2003, khủng hoảng dịch cúm gia cầm đe dọa sự sống còn của ngành trứng. Hàng loạt hộ gia đình nông dân sau một đêm thức dậy bỗng chốc trắng tay. Hàng xe trứng của gia đình phải tự tay mang đi hủy, lỗ vốn hơn 6 tỷ đồng, lòng đau như cắt.
Chúng tôi sản xuất trứng ra không ai mua, đành đem đi thiêu hủy. Biết bao tài nguyên của đất nước sản xuất ra mà không ai bao tiêu thụ được. Vậy nên, tôi bắt đầu quyết tâm xách giỏ đi học các nước bạn. Tìm hiểu các nước bạn thì biết rằng: họ cũng có dịch cúm gia cầm mà vẫn bán được trứng nhờ quy trình xử lý trứng sạch.
Tôi đã tìm đến công ty MOBA của Hà Lan, nơi có máy móc hiện đại nhất thế giới với công suất 6.000 trứng/giờ. Sau đó, tôi về bàn với các em bán bớt nhà xưởng, đất đai để đầu tư dây chuyền công nghệ này, mong cứu vãn hàng vạn hộ dân và cứu vãn chính mình.
Bạn bè lúc đó ai cũng ngăn cản: ‘Bà này điên, có tiền đầu tư đất đai lời thế sao mày mò với từng quả trứng biết bao giờ giàu’. Chỉ có mẹ là người duy nhất ủng hộ tôi. Mẹ nói: ‘Con giờ đã có uy tín có thương hiệu, phải giữ lòng đam mê với nghề mới có thể bứt phá được. Mình sống còn vì người khác nữa. Mẹ không tiếc tiền, chỉ lo con làm sao có đủ kiến thức, sự am hiểu khoa học, kỹ thuật, để đừng bị người ta lừa’".
Mỗi lần vay mượn để đầu tư mình đều có hoạch định rõ ràng. Càng ngày người tiêu dùng sẽ nghĩ tới sản phẩm sạch nhiều hơn, quy trình sạch mới giúp được người nông dân, tạo thương hiệu cho người tiêu dùng. Thời mua bán ăn xổi ở thì không còn phù hợp nữa", bà Phạm Thị Huân hồi tưởng.
Không biết ngoại ngữ và chưa am tường máy móc kỹ thuật hiện đại nhưng sau chuyến đi thực tế ở Thượng Hải - Trung Quốc, bà vẫn quyết định ‘tất tay’ đầu đầu tư hệ thống thiết bị tự động hóa ‘đáng đồng tiền bát gạo’: xử lý trứng sạch đến 99,9% theo đúng tiêu chuẩn quốc tế với công suất 65.000 trứng/ giờ. Ngay trong năm 2005, Nhà máy trứng sạch Ba Huân thành lập ở huyện Bình Chánh với 2 dây chuyền hiện đại xử lý trứng bằng công nghệ, thiết bị nhập từ công ty MOBA - Hà Lan.
Dây chuyền công nghệ Hà Lan của Ba Huân bao gồm: 2 lần rửa bằng nước sạch, sấy khô, soi loại bỏ trứng hỏng, vỡ, chiếu tia UV diệt khuẩn 99% rồi phủ lên một lớp dầu bảo vệ trứng. Tiếp theo, trứng được in số hiệu để có thể truy xuất nguồn gốc và đóng hộp. Việc đầu tư công nghệ dây chuyền hiện đại khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn quốc tế đã vực dậy công ty, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thâm nhập vào các siêu thị lớn và tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân.
Không bao lâu, công ty Ba Huân phát triển hơn 1.000 đại lý và điểm phân phối trứng sạch, chiếm hơn 50% thị phần trứng sạch tại TP.HCM; kéo theo nhiều dự án chăn nuôi, phương thức hỗ trợ, xuất khẩu, góp phần quan trọng vào chương trình bình ổn giá của thành phố theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn.
"CÁI GÌ MÌNH KHÔNG GIỎI THÌ THUÊ NGƯỜI GIỎI"
Năm 2009, do nhu cầu phát triển, công ty Ba Huân đã mua thêm máy xử lý trứng thứ 2, công suất gấp đôi: 120.000trứng/ giờ.
"Nhờ có thêm hỗ trợ lãi suất của lãnh đạo TP.HCM, tôi đã thực hiện mô hình ứng vốn để bà con gầy dựng lại đàn gà, đàn vịt với phương thức nuôi gia cầm khoa học, tạo ra kênh bao tiêu và bảo đảm thu mua trọn gói.
Vốn ít học, đi lên từ chân đất nên tôi rất trân trọng những người nông dân nghèo. Chính họ làm tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, nhờ thế mình có động lực để tiếp tục lăn xả, táo bạo hơn, để làm cuộc cách mạng thứ hai với việc nhập khẩu tiếp dây chuyền công suất gấp đôi, 120.000 trứng/giờ.
Bước ra bên ngoài làm việc với thế giới, tư duy tầm nhìn cũng thay đổi, học hỏi được nhiều hơn. Cái gì mình không giỏi thì thuê người giỏi. Dưới tôi hiện giờ có một CEO rất giỏi cùng anh em trí thức có trình độ cao, giúp tôi phát triển công ty ngày càng lớn mạnh khiến mình rất yên tâm.
Được đi với các phái đoàn của nhiều lãnh đạo, tôi cũng học được nhiều kỹ năng làm việc với người nước ngoài. Hơn nữa, việc tôi làm vì cộng đồng, vì nông dân nên ai cũng giúp đỡ. Mình bẩm sinh nhớ dai, biết sao nói vậy, sống chân thật nên được đối tác rất quý trọng", bà Ba Huân nêu cụ thể.
Năm 2013, để tạo nguồn nguyên liệu ổn định và hình thành chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm, công ty Ba Huân đầu tư 320 tỷ đồng (giai đoạn 1) xây dựng trang trại gia cầm công nghệ cao tại xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (diện tích 18ha, khu gà đẻ 700.000 con, cung cấp 600.000 trứng, quy trình chăn nuôi tự động hóa).
Năm 2014, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm gia cầm, doanh nghiệp xây dựng thêm nhà máy chế biến thực phẩm Ba Huân tại huyện Đức Hòa (quy mô mặt bằng 7ha, vốn đầu tư giai đoạn 1 là 60 tỷ đồng) gồm 2 khu: giết mổ gia cầm tự động, công suất 1.500-2.500 con/giờ và khu chế biến, công suất 5-10 tấn/ngày.
Năm 2016, trong xu hướng mở rộng phát triển, Ba Huân đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao tại Phúc Thọ - Hà Nội; chính thức Bắc tiến. Công suất giai đoạn 1 của nhà máy này là 60.000 quả trứng/giờ. Thời điểm giữa năm 2018, Ba Huân tiếp tục chiếm hơn 30% thị trường trứng tiệt trùng ở Việt Nam, mỗi ngày cung cấp ra thị trường 1,7 triệu quả trứng, 15.000 con gà và chế biến 25 tấn thịt gà.
"CÔNG VIỆC LUÔN LÀ NIỀM VUI LỚN CỦA TÔI"
Từ năm 2018 đến nay, công ty Ba Huân chuyển hướng phát triển sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng gắn liền với sức khỏe, liên tục ra mắt thị trường những sản phẩm mới có bổ sung thành phần omega 3, DHA, vitamin E. Đầu năm 2019, bà Ba Huân ký hợp đồng với tập đoàn ISE của Nhật để cung cấp trứng gà tươi ăn liền (không cần qua chế biến) cho chuỗi siêu thị, cửa hàng Nhật tại Việt Nam.
"Tôi tham quan các trang trại chăn nuôi gà ở nước ngoài, thấy họ làm trứng sạch dinh dưỡng. Đem so với điều kiện công ty thì Ba Huân có đủ điều kiện để làm như họ nên tôi về bàn với anh em bắt tay vào thực hiện. Sau 3 năm, dòng sản phẩm này còn khá khiêm tốn, chỉ đóng góp 5% doanh thu của công ty nhưng còn nhiều khả năng phát triển", bà Ba Huân cho biết.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm thị trường, bà nhận ra hạn chế lớn của sản phẩm này là chưa kết nối được với khách hàng: người tiêu dùng thiếu thông tin, chưa biết và hiểu nhiều về trứng dinh dưỡng.
"Đó là điều rất đáng tiếc, nguyên nhân một phần là do lựa chọn chủ quan: tập trung nguồn lực đầu tư cho sản xuất, hướng đến nông nghiệp công nghệ cao bền vững nên có phần bỏ quên mảng truyền thông cho sản phẩm.
Toàn bộ chuồng trại, con giống của chúng tôi đều được nhập khẩu từ Hà Lan. Những nhà máy, chuỗi sản xuất của Ba Huân được công nhận là chuỗi sản xuất công nghệ cao. Đến nay, công ty đã đầu tư 550 tỷ đồng cho giai đoạn 1 dự án trang trại trên diện tích 50 ha ở Long An để xây dựng thành mô hình hiện đại đa chức năng, vừa chăn nuôi vừa nghiên cứu khoa học và phát triển các dòng trứng dinh dưỡng", bà Ba Huân thông tin thêm.
Theo bà Ba Huân, ngoài mảng cốt lõi là sản xuất trứng, nhà máy sản xuất thực phẩm công nghệ của công ty đã đi vào hoạt động ổn định, sản phẩm thịt gà tươi cũng đã có thị phần tiêu thụ tốt.
"Công việc luôn là niềm vui lớn của tôi. Hiện tại, tôi đã chuyển giao gần như toàn bộ công việc cho các em mình - cũng là các cổ đông của công ty. Tương lai, tôi sẽ rút khỏi vị trí quản lý mà làm cố vấn cho các em. Tôi muốn thấy Ba Huân lớn mạnh hơn nữa, vững vàng hơn nữa để cùng Việt Nam vươn ra biển lớn", bà tiết lộ định hướng tương lai của bản thân.
Trong khi nhiều doanh nhân cùng thế hệ của bà đã mở rộng ra nhiều ngành nghề khác thời buổi lập nghiệp ban đầu, chỉ có bà vẫn tiếp tục một lòng với quả trứng, con gà. Người ta làm rộng, còn bà quyết định phát triển theo chiều sâu. Ngoài trứng gà trứng vịt tươi, Ba Huân đã sản xuất thêm trứng muối, trứng bắc thảo, trứng lộn, trứng gà dinh dưỡng.
Ở khía cạnh nào đó, có thể xem gia đình vừa là trách nhiệm - điểm tựa để bà đưa công ty Ba Huân đến thành công ngày hôm này, xong lắm lúc lại là ‘vòng kim cô’ khiến bà không thể vung tay thống khoái, để doanh nghiệp có những bước phát triển nhảy vọt. Ví dụ như thương vụ đàm phán thất bại với quỹ VinaCapital năm 2018.
Trong một bài phỏng vấn năm 2019, em trai của bà, ông Phạm Thanh Hùng – Phó Chủ tịch Ba Huân từng thú nhật: "Tất nhiên là vẫn có sự ưu ái nhất định con cháu trong nhà ở Ba Huân. Người ngoài chúng tôi chọn theo công việc, việc nào cần người nấy. Còn con cháu trong gia đình thì tùy năng lực bọn nó, thả đi hết các bộ phận, thấy nó mạnh mặt nào thì bố trí".
Với việc đã 67 tuổi, ngày bà Ba Huân về hưu chắc chắn sẽ không còn xa, nhưng di sản mà bà để lại cho công ty Ba Huân lẫn ngành trứng Việt Nam sẽ còn mãi. Bà là minh chứng sống cho việc: một người nông dân chính cống vẫn có thể gầy dựng một doanh nghiệp dẫn đầu ngành nghề mà mình tâm huyết, nếu luôn luôn đổi mới dựa vào công nghệ.