Doanh nhân

Đôi bạn thân 30 năm Trần Đình Long - Trần Tuấn Dương: Từ lời mỉa mai "biết gì về thép mà làm" đến vị thế tỷ phú đô la

Giới kinh doanh trong nước không còn xa lạ về truyện truyền kỳ: khi biết ông Trần Đình Long quyết định làm thép, một trùm buôn thép thời đó mỉa mai "biết gì về thép mà làm". Thời điểm đó, thủ phủ ngành thép ở Việt Nam đặt tại Thái Nguyên suốt mấy chục năm, ông chủ Hòa Phát chỉ là tân binh. 

Nhưng nếu ai cũng chùn bước trước lời chê bai, không dám nghĩ khác làm khác, Việt Nam đã không có một tỷ phú đô la Trần Đình Long như hôm nay, một ông trùm giàu lên nhờ thép - thứ mà đồng nghiệp cùng ngành từng xem thường ông chẳng biết gì.


"LÚC THÀNH LẬP CÔNG TY, CHÚNG TÔI CHẲNG CÓ ƯỚC MƠ GÌ. ĐƠN GIẢN CHỈ MONG KIẾM SỐNG TỐT HƠN!"

Ông Trần Đình Long sinh năm 1961, tại một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Hải Dương. Dù có tình yêu đặc biệt với văn học nhưng cậu học sinh ngày ấy lại thi vào khoa Toán Kinh tế của Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Long ra trường với tấm bằng cử nhân loại xuất sắc vào năm 1986.

Trong những năm ngồi trên giảng đường, ông Long quen biết và thân thiết với người bạn Trần Tuấn Dương (SN 1963), cũng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1986. Có lẽ đôi bạn chí cốt ngày ấy cũng khó lòng tưởng tượng ra viễn cảnh sẽ là kề vai sát cánh gần 30 năm, cùng nhau trở thành những doanh nhân giàu có bậc nhất Việt Nam.

Trước khi khởi nghiệp, cả hai đều là “người nhà nước”. Trong khi ông Long công tác tại một công ty nhà nước thuộc Bộ Xây dựng thì ông Dương là nhà báo thuộc Thông tấn xã Việt Nam.

Năm 1992, ông Long và ông Dương cùng những người bạn của mình thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng Hòa Phát, trong đó cụm từ Hòa Phát mang ý nghĩa “Hòa hợp để Phát triển”. Công ty khi ấy chủ yếu buôn đồ cũ từ Nga về.

"Nói thật, lúc thành lập công ty, chúng tôi cũng chẳng có ước mơ gì. Đơn giản chỉ mong kiếm sống tốt hơn thôi", ông Trần Tuấn Dương – Tổng Giám đốc Hòa Phát chia sẻ về ngày đầu lập nghiệp cùng Chủ tịch Trần Đình Long.

Đôi bạn thân 30 năm Trần Đình Long - Trần Tuấn Dương: Từ lời mỉa mai biết gì về thép mà làm đến vị thế tỷ phú đô la - Ảnh 1.

Thuộc nhóm công ty đầu tiên ra đời sau Luật Doanh nghiệp năm 1990 nên việc thành lập cũng lắm gian nan. Đầu tiên phải qua phòng Thương mại và Công nghiệp quận Hoàn Kiếm làm hồ sơ, chứng minh tài sản, mượn tiền, góp vài chục triệu vào ngân hàng để phong tỏa tài khoản, rồi xin giấy phép xác định nhân thân từng người. Công ty còn phải mượn nhà ông Long làm địa điểm vì doanh nghiệp thành lập phải có địa chỉ đăng ký, rồi phải chứng minh vốn bằng cách đóng tiền vào ngân hàng, thậm chí đi mượn tiền người khác để đóng vào làm vốn pháp định.

Mùa xuân năm 1993, lần đầu tiên dàn lãnh đạo sang nước ngoài khảo sát thị trường. Hồi đó công ty tư nhân chưa được phép xuất nhập khẩu chính ngạch nên chỉ có thể nhập khẩu bằng đường biên, đi khảo sát cũng bằng hộ chiếu đường biên.

"Đến đoạn lên núi, hôm đó trời mưa phùn nên phải bò qua bằng cả hai tay hai chân tay để không trơn ngã. Người lấm bê bết bùn đất, bò qua biên giới mấy cây số. Mà không riêng gì mình, những người đi buôn tiểu ngạch thời đó đều đi như thế cả”, ông Dương kể lại trong dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Hòa Phát.

Nếu như trước đó công ty chủ yếu buôn đồ cũ từ Nga về thì đây là lần đầu họ sang nước ngoài để nhập khẩu hàng hóa một cách tương đối bài bản. Bởi vậy sự kiện này có thể nói là bước thay đổi quan trọng của Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng Hòa Phát.


"ỐNG THÉP CHỈ LÀ THÉP CẮT RA RỒI HÀN LẠI, MÀ MUA KHÓ NHƯ VẬY THÌ HAY LÀ MÌNH... TỰ LÀM"

Đến năm 1994-1995, công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng Hòa Phát có văn phòng tại đường Giải Phóng nên cần mua ít bàn ghế. Thời điểm ấy, các cửa hàng nội thất chủ yếu nhập từ Đài Loan về, bàn ghế làm từ gỗ, còn ghế văn phòng xoay tròn như ngày nay được liệt vào dạng cực hiếm, giá lên tới vài trăm nghìn đồng một chiếc. Mấy anh em chỉ tìm mua vài cái bàn, 50-70 cái ghế mà khó quá.

Người ta “khó quá bỏ qua”, nhưng với anh em ông Long và ông Dương, khó quá thì ta tự làm, nước ngoài làm được thì mình cũng làm được. Thế là họ thành lập công ty nội thất Sơn Thủy, bước đầu chủ yếu nhập khẩu từ một số nhà cung cấp Đài Loan, Malaysia, Singapore,...

Nói về cái tên “Sơn Thủy”, ông Dương nhớ lại: “Thực ra hồi mới thành lập mấy anh cũng không biết đặt tên là gì, may có anh Sơn "đèn" cấp cứu kịp thời "Lấy luôn tên 2 vợ chồng tôi đi", thế là thành Công ty Sơn Thủy”.

Chuyện làm thép cũng không khác là bao.

Công ty Thiết bị Phụ tùng thường xuyên phải mua ống thép về làm giàn giáo, nhưng thu mua rất khó khăn, chờ đợi, xin phê duyệt rồi phải có tiền "lobby" mới mua được 5-10 tấn. Nghĩ bụng ống thép chẳng có gì, chẳng qua thép cắt ra, hàn lại thành ống mà mua khó như vậy thì hay là mình… làm ống thép. Thế là Công ty Đài Nam ra đời, tiền thân của Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát.

Nguồn gốc của cái tên Đài Nam cũng rất đơn giản, chỉ vì công ty của Việt Nam, nhập lô máy móc thiết bị đầu tiên của Đài Loan thì ghép lại thành Đài Nam. Về sau, tên công ty được thống nhất đổi thành Hòa Phát vì niềm tự hào hàng Việt Nam, không cần sính ngoại.

Thực tế, trong những năm cuối của thập kỷ 90, thủ phủ của ngành thép Việt Nam nằm ở Thái Nguyên, còn ông Long thực sự là "lính mới toe". Thế nhưng, nhìn thấy cơ hội lớn từ thép và tinh thần không biết sợ của những người sáng lập là lý do khiến công ty này vẫn tiến bước.

Năm 1996, Hòa Phát bắt đầu sản xuất ống thép từ nhà máy đầu tiên ở Hưng Yên. Bốn năm sau, thép xây dựng xuất hiện trong danh mục sản phẩm mới của doanh nghiệp. Rồi công ty có thêm nhà máy mới ở Bình Dương, Đà Nẵng, Long An, khu liên hợp tại Hải Dương và đặc biệt là khu liên hợp Dung Quất.

Đôi bạn thân 30 năm Trần Đình Long - Trần Tuấn Dương: Từ lời mỉa mai biết gì về thép mà làm đến vị thế tỷ phú đô la - Ảnh 2.

Chuyện bắt đầu vào mùa đông năm 2002, hai vị lãnh đạo có dịp sang Nhật Bản tham quan một trong số những nhà máy thép nổi tiếng nhất: Kobe Steel. Mọi thứ đều choáng ngợp, tổng công suất tại đây lên đến 6 triệu tấn một năm, vị trí nằm kề biển và có cảng rất lớn. Một con tàu đang đỗ ở cảng trọng tải vào cỡ 100.000 tấn. Các dòng băng chuyền chuyển nguyên liệu lên kho và sau đó vào nhà máy để sản xuất. Hệ thống đường nội khu rộng, có đèn xanh đèn đỏ không khác gì cao tốc. Và thế là ông Long, ông Dương lại gieo trong mình ước mơ về một nhà máy thép tỷ đô tại Việt Nam. 

Từ thời điểm cảm thấy bản thân thật nhỏ bé ấy, 16 năm sau, ước mơ thành hiện thực khi Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi được Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư năm 2017, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 60.000 tỷ đồng (3 tỷ USD).

“Khó khăn như vậy nhưng thực ra đó mới là cơ hội cho người biết làm và dám làm. Dễ thì mọi người cùng dễ, ai cũng làm được, thế là dễ lại trở thành khó", ông Trần Tuấn Dương từng nhận định.

Dù là một kẻ tay mơ nhưng cú rẽ ngang sang thép đã mang về thắng lợi lớn, không chỉ đóng góp 80% doanh thu, đưa Hòa Phát thành “ông trùm” ngành thép Việt mà còn đưa Chủ tịch Trần Đình Long vào danh sách tỷ phú USD do Forbes bình chọn, như ông Long từng tự hào: "Hòa Phát giống như xe tăng, xe lu, cứ đường thẳng mà đi. Hòa Phát cẩn trọng, nhưng đã làm là nhanh, rất nhanh".

Theo báo cáo thường niên của Tập đoàn năm 2019, đối với các sản phẩm thép xây dựng, Hòa Phát “một mình một ngựa” tăng trưởng thị phần trong suốt thập kỷ qua, hoàn toàn ngược chiều với 4 doanh nghiệp đầu ngành còn lại là VNSteel, POM, Vina kyoei hay PoscoSS. Hiện tại, các sản phẩm thép xây dựng của Hòa Phát đang nắm giữ 26% thị phần toàn ngành.

Mảng ống thép cũng có cùng kịch bản khi thị phần tăng trưởng một mạch từ 14% (năm 2011) lên 32% (năm 2019).


“BƯỚC VÀO NÔNG NGHIỆP NHƯ MỘT TỜ GIẤY TRẮNG"

Năm 2015, thời điểm đã khẳng định mình với vị thế của một “ông trùm” thép, Hòa Phát lại khiến mọi người bất ngờ khi tuyên bố sẽ lấn sân sang nông nghiệp.

Trước những chất vấn của nhà đầu tư về một lĩnh vực rủi ro như nông nghiệp, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết: “Hòa Phát chỉ làm cái thị trường cần dù thép hay nông nghiệp, không xuất phát từ ý muốn chủ quan của công ty.” Đồng thời, việc mở rộng đa ngành là xu thế tất yếu, giúp Hòa Phát giảm thiểu rủi ro khi "bỏ hết trứng vào một giỏ".

Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Tập đoàn Hòa Phát, ông Long thừa nhận Hòa Phát bắt đầu làm nông nghiệp “như một trang giấy trắng”. Vì thế, khó mà tránh khỏi những vấn đề hoàn toàn mới, không thể lường trước, ví dụ như xử lý môi trường, chất thải.

Ban lãnh đạo công ty đã đi nhiều trang trại để học hỏi và từng đặt câu hỏi vì sao CP - tập đoàn Thái Lan có tiền nhưng không xây trang trại mà thuê người dân. “Đến nay, chúng tôi mới nhận ra là họ khôn hơn mình rất nhiều. Họ đẩy phần môi trường cho người dân chịu”, ông Long nói.

Cũng giống như cách mà Hòa Phát đã gây dựng ngành thép hay nội thất trong vài chục năm qua, Tập đoàn không dùng cách M&A, không thâu tóm đối thủ mà “tự tay làm hết”. Mục tiêu khi ấy cũng rất rõ ràng, đó là chiếm được 10% thị phần ngành thức ăn chăn nuôi.

Đôi bạn thân 30 năm Trần Đình Long - Trần Tuấn Dương: Từ lời mỉa mai biết gì về thép mà làm đến vị thế tỷ phú đô la - Ảnh 3.

Sau vài năm đầu tư chưa thấy “trái ngọt” khiến cổ đông nóng ruột, đến năm 2019, mảng nông nghiệp của Hòa Phát bắt đầu "cất cánh" với doanh thu tăng 172% nhờ mảng chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi.

Trong lễ kỷ niệm 5 năm thành lập và phát triển Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát hồi cuối tháng 11/2020, ông Trần Đình Long tự hào tuyên bố: “5 năm làm nông nghiệp, Hòa Phát chúng ta đã làm được rất nhiều việc và định hình vị thế của Nông nghiệp Hòa Phát trên thị trường. Hiện tại cứ 2 con bò Úc ở Việt Nam thì có một con của Hòa Phát, đứng đầu cả nước. Đây là minh chứng rõ nhất của việc Hòa Phát luôn làm đến nơi đến chốn ở bất cứ ngành nghề nào".

Sau gần 30 năm kề vai sát canh, Tổng giám đốc Trần Tuấn Dương và Chủ tịch Trần Đình Long vẫn đang tiếp tục chèo lái con thuyền Hòa Phát vươn khơi xa. Theo lời kể của nhân viên, những người bạn từ thuở thiếu thời ấy vẫn đi ăn sáng, du lịch cùng nhau, chung sức đồng lòng để "Hòa hợp, Phát triển"

Cùng chuyên mục

Đọc thêm