"Năm 1995, sau nhiều năm phiêu lưu khắp các công ty công nghệ lớn tại Mỹ, châu Âu; thay vì chọn HongKong tôi đã quay trở lại Việt Nam để lập nghiệp. Đầu tiên, tôi hợp tác cùng Đại học Bách Khoa thành lập công ty. Hai năm sau, nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn, tôi đã qua Ấn Độ - cụ thể là Bangalore để thành lập một công ty công nghệ khác – tên là Paragon Solutions; đồng thời điều hành song song một lúc 2 công ty. Ngoài Ấn Độ, Paragon Solutions còn có văn phòng tại Mỹ và Việt Nam.
Tôi đã lãnh đạo công ty này trong 10 năm và có những thành tựu nhất định, khi một công ty Việt Nam có thể phục vụ khách hàng toàn cầu. Tại Paragon Solutions, có những công ty/dự án chỉ có toàn người Việt hoặc toàn người Ấn, có khi lại cả hai làm chung", ông Vu Lam - founder kiêm CEO KMS Technology chia sẻ trong tọa đàm ra mắt Mạng lưới tài năng công nghệ của Endeavor.
Sau khi bán Paragon Solutions, ông đã nghỉ ngơi vài năm rồi mới quay lại khởi nghiệp lần nữa với việc thành lập KMS Technology. Theo tiết lộ của ông, trong những ngày tháng đó, ông đã suy nghĩ lại và muốn làm khác đi cách mà nhiều người trong giới công nghệ lúc đó làm: thành lập công ty gia công phần mềm cho người ta. Ông muốn làm gì đó cho cộng đồng công nghệ Việt Nam, bởi cứ mãi đi gia công cho người ta là phát triển không lâu dài.
"Dù chúng ta có trở thành một nhà cung cấp phần mềm tốt đến đâu đi nữa, khi scale-up ra thế giới, cũng không thể cạnh tranh lại Ấn Độ. Tôi muốn tạo ra những sản phẩm ở Việt Nam và có thể mang đi bán khắp thế giới. Thay vì là một phân xưởng sản xuất đơn giản, tôi muốn lập một công ty sản xuất ra phần mềm hoàn chỉnh – tức là tự thiết kế và tự kinh doanh phần mềm luôn. Sau đó, KMS Technology đã mất 4 năm để cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường, phần nào đạt đến mục tiêu mà tôi đề ra ban đầu", ông Vu Lam kể tiếp về những bước đường khởi nghiệp của mình.
Ông Vu Lam (Lâm Quốc Vũ) là CEO – founder KMS Technology, doanh nghiệp công nghệ có trụ sở chính tại Việt Nam song hoạt động trên toàn cầu, chuyên sản xuất – kinh doanh công nghệ. Với hơn 1.000 nhân viên sau 12 năm thành lập từ một nhóm các chuyên gia tiên phong trong lĩnh vực gia công phần mềm cho thị trường Mỹ. KMS Technology đang sở hữu tổng cộng 4 văn phòng - 3 cơ sở tại Việt Nam và 1 tại Atlanta (Mỹ). Theo đó, họ là một trong những công ty đầu ngành công nghệ Việt Nam.
Team Kobiton tại Việt Nam.
KMS Technology đã và đang có 7 công ty con/dự án: Katalon Studio, KMS Solutions, Kobiton, QASymphony, Sprynkl, Grove và KMS Labs; hoạt động trong các lĩnh vực: phần mềm chuyển đổi số, dịch vụ cloud, phát triển app di động, kiểm tra chất lượng sản phẩm, cung cấp kỹ sư phần mềm, DevOps. Các sản phẩm thành công nhất của họ có thể kể đến Katalon Studio, Kobiton và QASymphony.
QASymphony đang phục vụ khoảng 700 doanh nghiệp khách hàng khắp toàn cầu. Năm 2017, QA Symphony đã có khoản đầu tư 40 triệu USD từ Insight Ventures Partners, sau 2 lần gọi vốn từ series A và B. Ventures Partners sở hữu phần lớn cổ phần của ứng dụng kiểm thử phần mềm, bắt đầu thiết lập kinh doanh ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, bên cạnh thị trường Mỹ. Sau thương vụ M&A với Công ty Tricentis (Áo), QASymphony là mảnh ghép hoàn hảo đưa Tricentis trở thành start-up kỳ lân (Unicorn) của châu Âu năm 2018.
Cũng như QASymphony, Katalon và Kobiton đều là những phần mềm kiểm thử. Trong đó, Kobiton đang có 1.000 khách hàng doanh nghiệp cùng 67.000 người dùng, đã nhận được khoản đầu tư 3 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Kinetic (Mỹ). Còn Katalon có gần 65.000 khách hàng doanh nghiệp toàn cầu.
Trước khi có KMS, ông từng là đồng sáng lập Paragon Solutions, một công ty tư vấn công nghệ có trụ sở tại Hoa Kỳ. Paragon Solutions đã thành lập các trung tâm phát triển quốc tế tại Bangalore - Ấn Độ và TP. HCM - Việt Nam. Nhờ tạo dựng được danh tiếng cho Paragon Solutions Vietnam (PSV), ông được công nhận là người tiên phong của ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Năm 2003, First Consulting Group (FCG) - một công ty thương mại niêm yết trên sàn NASDAQ, đã mua lại Paragon. Sau đó, ông tiếp tục lãnh đạo nhóm Dịch vụ Chia sẻ Toàn cầu của FCG, đưa công ty có những bước phát triển vượt bậc từ 400 nhân sự lên 1.300.
Trong những năm tháng cũ, do Việt Nam không có những tài năng công nghệ top đầu có thể đảm nhiệm vị trí CTO, tức biết design thinkking, thấu cảm…; ông phải xây dựng đội ngũ lãnh đạo như CTO hay CIO tại Mỹ. Cấu trúc nhân sự này đã giúp ông phát triển các sản phẩm rất tốt.
Với những công ty/dự án sau này, ông đã thử nghiệm bằng cách thay đổi mô hình nhân sự một chút, có thể là công ty thuần túy nhân sự Việt Nam, hoặc nhân viên từ Việt Nam và chuyên gia từ Mỹ. Những mô hình này đều rất tốt, giúp ông xây dựng sản phẩm phục vụ toàn cầu ở Việt Nam, đồng thời những sản phẩm đó có thể cạnh tranh sòng phẳng và thành công trên thế giới.
"Trong vài năm gần đây, đúng là thị trường tài năng công nghệ Việt đã có những thay đổi đáng kể. Những nhân sự trẻ mới ra trường có nhiều khả năng hơn những nhân sự đã tốt nghiệp từ 4 đến 6 năm trước, đặc biệt ở khía cạnh năng suất và sự đa nhiệm.Tuy nhiên, làm lãnh đạo không chỉ là giỏi kỹ năng – kỹ thuật mà còn phải có tầm nhìn rộng lớn, giỏi quản lý con người; và đây chính là 2 trở lực lớn nhất khiến các tài năng Việt khó đủ chuẩn trở thành CTO hoặc CIO.
Ấn Độ lại khác, ngành công nghệ của họ đã phát triển trong một thời gian khá dài – thị trường cũng tương đối trưởng thành, nên các tài năng công nghệ của họ đủ kinh nghiệm – trải nghiệm để đạt C-level. Ngành công nghệ Việt Nam dù sao vẫn còn non trẻ hơn Ấn Độ, cơ may học tập để trở thành CTO hoặc CIO cũng không nhiều, do có quá ít tài năng cấp cao trên thị trường. Nếu có thời gian để hướng dẫn – mentor họ phát triển hơn, chắc chắn mật độ C-level ở Việt Nam sẽ được cải thiện. Nhưng cơ bản là chẳng ai có đủ thời gian!", CEO KMS miêu tả cụ thể.
Thị trường ngày càng thay đổi nhanh chóng, không cho phép các startup hay KMS Technology lãng phí thời gian cho việc đào tạo nhân sự, thế nên họ buộc phải ra ngoài khu vực mua chuyên gia.
Theo kinh nghiệm của ông Vu Lam, muốn trở thành một lãnh đạo đủ chuẩn trong ngành công nghệ, các kỹ sư trẻ nên chú ý một vài điều sau: nên có mentor, phải có tầm nhìn và gầy dựng đội ngũ tốt.
Nên có mentor: hồi trẻ ông Vu Lam rất tự tin nên nghĩ mình không cần có mentor. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm việc và đụng đủ thứ chuyện trên đời, ông mới biết suy nghĩ trước đó của mình không đúng. Ai cũng nên cần có một mentor, mentor sẽ hỗ trợ mình tìm ra giải pháp khi gặp vấn đề khó không tự giải quyết được và khiến mình giảm thiểu sai lầm nhiều nhất có thể. Mentor giúp mình thành công nhanh hơn.
Phải có tầm nhìn: muốn trở thành lãnh đạo trong ngành công nghệ, phải có tầm nhìn rộng lớn, phải bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu lĩnh vực mình đang hoạt động và thị trường mình đang phục vụ.
Ví dụ: khi muốn đi từ địa phương ra toàn cầu, chúng ta phải biết thế giới đang như thế nào và ta là ai trong thế giới đó; phải luôn biết mình là ai và nên đi đâu.
Chúng ta phải biết suy nghĩ của những người đồng cấp của ta ở nước khác ra sao, tương lai lĩnh vực này sẽ như thế nào. Mình có thể không dẫn dắt được thị trường, nhưng ít nhất cũng không làm người đi sau thị trường, phải đi kịp thời và đúng hướng.
Xây dựng đội ngũ tốt: lãnh đạo là phải có team, dù chưa là lãnh đạo thì mình cũng nên có những đồng nghiệp hoặc bạn bè trong ngành giỏi giang, cùng chí hướng và có nhiều ý tưởng tốt. Những người đó sẽ thúc đẩy mình học tập liên tục, ngày càng phát triển - tiến về phía trước.