"Được sống trong độc lập, được sống trong tự do, khi tận mắt chứng kiến những nỗi khó khăn, vất vả của người dân Nam Sudan, chúng tôi càng thấm thía giá trị của một nền hòa bình thật sự".
Chứng kiến tận mắt sự nghèo đói, khổ cực của người dân ở những vùng ảnh hưởng nặng nề từ xung đột phe phái và bất ổn chính trị, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải, Chủ nhiệm khoa Nội truyền nhiễm Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 không giấu khỏi niềm xúc động khi nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc không thể quên khi lần đầu bỡ ngỡ đặt chân đến đất nước này.
Nhận được cuộc gọi của Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải lúc hơn gần 0h đêm (giờ Việt Nam), tầm khoảng 19h tối ở Bentiu, Nam Sudan - nơi chị và tổ công tác của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 đang thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (UNMISS).
Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị gián đoạn vỉ kết nối mạng không ổn định. Nhưng thay vì ngắt quãng lại, chị cho biết đã quen thuộc với điều này và phải luôn dặn lòng nỗ lực không ngừng để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Tạm cất đi cảm xúc cá nhân để vững bước thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc Phòng Việt Nam giao phó.
Hành trình truyền đi bức thông điệp về lòng nhân ái của nữ "sứ giả hòa bình"
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống quân nhân, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải có tình cảm đặc biệt với người lính từ thuở thơ ấu và khát khao gia nhập lực lượng mũ nồi xanh từ những ngày đầu Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, mong muốn được khoác lên mình bộ quân phục gìn giữ hòa bình chỉ thực sự bùng cháy mạnh mẽ khi chị phải "cấm trại" để chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ vào giữa tháng 5/2022.
Là một trong 12 nữ quân nhân thuộc Bệnh viện dã chiến 2.4 chuẩn bị xuất quân làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Hải và các đồng đội đã phải trải qua quá trình học tập, ôn luyện tiếng Anh, những kỳ huấn luyện nghiêm khắc để có đầy đủ năng lực cũng như kiến thức chuyên môn sẵn sàng mọi thứ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải, Chủ nhiệm khoa Nội truyền nhiễm Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4.
Chị Thanh Hải kể để trở thành một người lính mũ nồi xanh nói chung, quan sát viên quân sự nói riêng, phải đảm bảo rất nhiều yêu cầu, tiêu chí khắt khe và một quá trình tuyển chọn, huấn luyện, sát hạch hết sức bài bản, nghiêm túc.
Các tiêu chí chung phải đảm bảo tốt gồm sức khỏe, bản lĩnh, ý chí, nghị lực, trình độ ngoại ngữ ngữ tốt và nắm vững các kiến thức về quân sự, kỹ năng ngoại giao quân sự, đối ngoại quốc phòng, kiến thức về Liên hợp quốc cùng các kỹ năng lái xe số sàn, sinh tồn, sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc, khả năng hoạt động độc lập trong môi trường tác chiến đa quốc gia, đa văn hóa. Đồng thời, phẩm chất đạo đức phải thể hiện là một sứ giả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Từ những kiến thức được học, những y bác sĩ còn phải trải qua kỳ huấn luyện khắc nghiệt từ các chuyên gia nước ngoài bao gồm quy định của Liên Hợp Quốc về quyền con người, cách cấp cứu bệnh nhân trong các trường hợp xảy ra thảm họa, Luật quốc tế, Luật giao tranh,...Điều này càng khó khăn hơn khi việc huẩn luyện lại được thực hiện trong bối cảnh dịch COVID-19 lúc bấy giờ diễn ra vô cùng phức tạp.
Để vượt qua, Thiếu tá Thanh Hải đã phải nghiên cứu, tập luyện vô cùng khẩn trương, tiết kiệm từng giây, từng phút.
Tuy nhiên nội dung đánh giá đầu vào ở cấp độ Phái bộ mới coi là một trong những thách thức lớn nhất của các cá nhân khi mới được triển khai tại địa bàn.
Trong quá trình công tác, lực lượng "mũ nồi xanh" cũng thường xuyên phải tham gia các khóa huấn luyện và các nội dung đánh giá năng lực do Phòng đào tạo của Phái bộ, của Phân khu hoặc của đơn vị cơ sở tổ chức.
Được biết, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 với biên chế 63 đồng chí (12 nữ quân nhân) có nhiệm vụ triển khai thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Trong tổ công tác có người đã tham gia hai lần, nhưng phần lớn mới tham gia lần đầu. Có đồng chí còn rất trẻ với tuổi đời chỉ ngoài 20 đang đặt những bước chân đầu tiên vào con đường sự nghiệp, nhưng có người đã tuổi "vừa chín" của sự nghiệp như Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Hải.
"Tôi đã tìm hiểu và biết rằng Nam Sudan là một quốc gia châu Phi non trẻ nhất thế giới. Đất nước này tuy giàu tài nguyên nhưng kinh tế không phát triển vì đắm chìm trong nội chiến, tình hình rất phức tạp và đầy nguy hiểm.
Đặc biệt, ở những khu vực chiến sự và có giao tranh, phụ nữ và trẻ em luôn luôn là những đối tượng sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất, họ thường xuyên bị áp bức, bị bóc lột và được coi là những công cụ để kiếm việc, phục vụ cho những đối tượng khác. Tuy nhiên, chính ở nơi khó khăn, nguy hiểm ấy mới càng cần tới sự giúp đỡ của các sứ giả gìn giữ hòa bình như chúng tôi". Chị Thanh Hải nói.
Mạnh mẽ, dút khoát trong lời nói và hành động nhưng khi phải đối mặt với hiện thực đến một đất nước xa xôi, nghèo khó, bất ổn, khác biệt về văn hóa; môi trường làm việc có nhiều thay đổi. Có lẽ điều khiến chị băn khoăn, lấn cấn nhất trước khi đi lại là tình cảm gia đình và thiên chức làm mẹ, làm vợ.
Nhưng may mắn thay, đằng sau chị luôn có một "hậu phương" vững chắc, là điểm tựa vững chắc để chị yên tâm lên đường hoàn thành nhiệm vụ.
Chị Hải cho hay chồng chị là quân nhân nên hiểu được nhiệm vụ lần này của chị tuy khó khăn, vất vả nhưng là niềm tự hào của cả gia đình, anh luôn động viên, tìm hiểu thật kĩ thông tin về đất nước, con người Nam Sudan để vợ có sự chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt.
Bố chồng chị là bác sĩ cũng từng là quân nhân, đã từng tham gia những nhiệm vụ xa gia đình hàng năm nên ông rất hiểu và thông cảm cho con dâu. Trước khi chị Hải sang Nam Sudan, bố chồng chị đã tự đi xe máy hơn 40km mang chè xanh, hạt giống rau cho chị để chuẩn bị cho thời gian công tác ở xa nhà. Những sự chu đáo đó từ hậu phương đã khiến chị xúc động và cảm thấy thật may mắn khi được cả nhà ủng hộ để hoàn thành tốt công việc.
"Tôi rất vui và may mắn khi được sinh ra trong một gia đình quân nhân. Khi tôi nhận được nhiệm vụ phải lên đường đi gìn giữ hòa bình ở Liên Hợp Quốc, chồng tôi ngoài việc động viên, an ủi và chia sẻ giúp tôi những công việc trong gia đình, có một câu nói mà tôi nhớ mãi: 'Em cứ yên tâm lên đường làm nhiệm vụ, mọi việc ở nhà đã có anh lo'". Chị Hải không giấu khỏi sự vui vẻ khi nhắc đến những người thân yêu của mình.
Vững bước lên đường và nhiệm kỳ sống với sứ mệnh "đặc biệt"
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa quên được khoảnh khắc xúc động khi chứng kiến bức hình bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải trước giờ lên đường làm nhiệm vụ. Chị Hải đứng ở cửa máy bay, tay giữ chặt bên mình lá cờ Tổ Quốc, nghiêm trang đứng chào. Khi hỏi cảm xúc của chị như thế nào trong giây phút đó, chị bật cười chia sẻ rằng:
"Trong tôi lúc đó chỉ có niềm vinh dự, tự hào khi là một trong những chiến sĩ tham gia thực hiện gìn giữ hòa bình ở Liên Hợp Quốc. Đây cũng là cơ hội và thử thách cho tôi được thử sức mình vào các hoạt động quốc tế của Việt Nam".
Để rồi khi ngày đầu đặt chân đến đất nước Nam Sudan, chị Hải vô cùng ngỡ ngàng. Những gì được đồng nghiệp chia sẻ trước đó, những hình ảnh được xem chưa thể lột tả được hết sự khắc nghiệt của mảnh đất này.
"Ngày chúng tôi đến, tuy đã lường trước những điều khó khăn sẽ gặp phải nhưng với khí hậu nắng nóng 40-50 độ, vừa khan hiếm nước sạch, thiếu rau xanh, thiếu thực phẩm tươi và nỗi nhớ nhà luôn thường trực. Chúng tôi đã phải bắt tay ngay vào ‘kiến thiết’ lại môi trường làm việc chung quanh bệnh viện". Thiếu tá Thanh Hải cho biết.
Khoảnh khắc xúc động khi Thiếu tá Thanh Hải đứng nghiêm trang chào trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Việc đầu tiên mà 63 chiến sĩ làm chính là tiến hành ngay việc phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, phun xịt khử khuẩn côn trùng, bọ gậy để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đồng thời phải giảm tối đa không cho muỗi sinh sôi trong điều kiện thực địa tại Bentiu để đảm bảo sức khỏe cho y bác sĩ và nhân viên trong bệnh viện. Tuy nhiên, dù có phun thuốc đến đâu thì sự khắc nghiệt vẫn diễn ra song hành.
Những trại tị nạn của Liên Hợp Quốc luôn quá tải, trận lũ kỷ lục 60 năm đã khiến nước sạch càng trở nên khan hiếm, nhất là còn phải gồng gánh thêm việc chống dịch và giúp đỡ nhân dân địa phương trước tình hình vệ sinh kém còn diễn ra.
Không bỏ cuộc trước những điều này, các bác sĩ đã thực hiện nhiệm vụ cùng Phái bộ tại Bentiu hỗ trợ người dân khám sức khỏe, cung cấp thuốc men cho người dân.
Bác sĩ Thanh Hải tiến hành thăm khám cho bệnh nhân ở nơi bệnh viện đóng quân.
Ngoài ra, để có thêm rau xanh và cỏ cây bóng mát, nhiều bác sĩ đâ tiến hành gieo trồng các hạt giống trên địa bàn cây xanh để môi trường sống thêm trong lành, mát mẻ. Các chị em trong Tổ công tác còn pha chế nước rửa tay, thỉnh thoảng có dịp, chị cùng các đồng nghiệp của BVDC 2.4 lại đến thăm và trao những phần quà nhỏ bé, chia sẻ với những vất vả, khó khăn của họ.
Đáng nói, không chỉ được ghi nhận về năng lực chuyên môn, nữ sĩ quan mũ nồi xanh đầu tiên của Việt Nam còn nhận được tình cảm yêu mến của những người dân châu Phi.
Nữ Thiếu tá kể, thực chất công việc của chị là bác sĩ nên việc dành phần lớn thời gian để tiếp xúc với người dân bản địa, giúp đỡ họ từ cách chăm sóc trẻ, an toàn vệ sinh bữa ăn, cách bảo vệ và chống lại dịch bệnh, sơ cứu cơ bản khi bị thương là chuyện thường xuyên phải làm.
Giới thiệu với tôi về món quà kỷ niệm trong lần đến thăm trường học tại Nam Sudan, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải rất đỗi tự hào. Chị giơ món quà lên trước màn hình điện thoại được các em nhỏ tự tay làm tặng chị:
"Khi tôi đến những trường học ở Nam Sudan, có những em bé còn rất nhỏ, giống như những đứa con của tôi ở nhà vậy. Chúng chạy ra, ôm lấy mình, cảm xúc lúc đó của tôi rất chi là xúc động vì các em rất thân thiện, đáng yêu mặc dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn.
Mỗi lần đến thăm, các em đều gửi tặng cho tôi nhiều món quà dễ thương, như những vòng xâu chuỗi từ hạt do các em tự tay làm ra, khắc tên Doctor Hải và có cả lá cờ Việt Nam trên đó. Tôi nghĩ đó là món quà ý nghĩa nhất mà tôi từng nhận được trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình ở Liên Hợp Quốc". Chị Hải nhớ lại.
Những "bóng hồng thép" Việt Nam tỏa sáng rực rỡ dưới bầu trời Châu Phi
Tại Nam Sudan, nhằm tôn vinh phụ nữ trong dịp 8/3 năm nay, đặc biệt là giúp cho người dân nơi đây hiểu hơn về vai trò của phụ nữ, Ban Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC 2.4) Việt Nam đã lên kế hoạch chuẩn bị và tổ chức nhiều hoạt động để chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ.
Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Hải chia sẻ trong dịp 8/3 năm nay, nhằm phát động tuần lễ áo dài, chị và các y bác sĩ đã mặc áo dài trong các hoạt động đón tiếp và khám chữa bệnh của bệnh viện từ ngày 1/3 đến ngày 8/3 với mục đích tôn vinh nét đẹp của chiếc áo dài truyền thống, khơi dậy giá trị văn hoá người Việt Nam trên toàn thế giới.
Các nữ quân nhân đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần lan tỏa hình ảnh phụ nữ Việt Nam
Bên cạnh đó, lãnh đạo bệnh viện cũng chỉ đạo mọi người làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức các hoạt động hỗ trợ tặng quà cho phụ nữ ở địa phương. Thực hiện kế hoạch của bệnh viện, tại bang Unity (Nam Sudan), Bệnh viện dã chiến 2.4 đã tổ chức các hoạt động dân vận (hoạt động CIMIC) với nhiều chương trình như cắt tóc, trang điểm, làm đẹp cho phụ nữ ở địa phương. Ngoài ra còn tổ chức các trò chơi dành cho phụ nữ và trẻ em gái, tạo không khí sôi nổi, đoàn kết, thân thiện và hiểu nhau hơn.
Tiết lộ về một trong món đồ không thể thiếu trong hành trang đi thực hiện nhiệm vụ. Chị Hải cho hay đó là những tà áo dài, áo tứ thân, áo bà ba, những điệu múa, các tiết mục văn nghệ đậm nét văn hóa Việt Nam để giới thiệu đến bạn bè quốc tế.
"Vào những ngày lễ của Liên Hợp Quốc , của các đơn vị bạn hay những ngày truyền thống của dân tộc Việt Nam, chúng tôi sẽ biểu diễn, múa để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Những tiết mục như trống đồng, nhảy sạp của đồng bào dân tộc phía Bắc, vũ khúc gà rừng của đồng bào Tây Nguyên... được chúng tôi luyện tập công phu biểu diễn.
Ngoài ra, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chúng tôi cũng đã tự tay làm bánh chưng, các món ăn truyền thống của Việt Nam, tổ chức nhiều hoạt động mang không khí vui tươi để giảm nỗi nhớ nhà. Từ đó, mà các hoạt động này vừa giúp chị em trong tổ công tác thể hiện được những nét đặc trưng, cốt cách của người phụ nữ Việt Nam, vừa quảng bá hình ảnh văn hóa của dân tộc mình đến với thế giới".
Các hoạt động thiết thực ý nghĩa của Bệnh viện Dã chiến 2.4 ở Nam Sudan để kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Vượt qua những lần tuyển chọn gắt gao, tạm gác vai trò làm vợ, làm mẹ, bằng ý chí, tinh thần lạc quan, lòng mưu trí, dũng cảm và sự khiêm nhường, hình ảnh Thiếu tá Nguyễn Thị Thanh Hải hiện ra như một "cô Tấm" dịu dàng, một "bông hồng thép" mạnh mẽ giữa mảnh đất Châu Phi cằn cỗi, thường xuyên diễn ra các cuộc giao tranh, xung đột.
Khi được hỏi về điều trăn trở mà Bác sĩ Hải mong ước được thực hiện, tôi không khỏi mỉm cười vì nghĩ rằng có lẽ đó cũng chính là điều những người lính bộ đội Cụ Hồ ao ước thành hiện thực.
"Nếu chỉ có một mong muốn, tôi chỉ mong sao đất nước Nam Sudan sẽ được lập lại hòa bình, phụ nữ và trẻ em ở đây sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng, từ đó hưởng một cuộc sống tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc hơn".
Kết thúc cuộc trò chuyện chỉ kéo dài hơn 30 phút, trong thâm tâm tôi vẫn còn ngổn ngang những suy nghĩ, bởi các chị thật đáng khâm phục, chính tinh thần người lính và sự hy sinh đã giúp các nữ quân nhân nhận nhiệm vụ lên đường thực hiện sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc quân y, của lực lượng gìn giữ hòa bình.
"Nhiệm kỳ sống với đam mê
Ngàn cân sợi tóc vai kề bên nhau
Thanh xuân rực rỡ sắc màu
Vinh quang sứ mệnh dài lâu hòa bình
Sao vàng cờ đỏ lung linh
Việt Nam kiêu hãnh nước mình trời Phi..."