Các chỉ số chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên 9/3 trong sắc xanh, cổ phiếu hàng không – du lịch đồng loạt đi lên và hỗ trợ đắc lực cho thị trường chung.
Nhiều mã gồm HVN của Vietnam Airlines, AST của Taseco Airs, VTD của Du lịch Vietourist, OCH của One Capital Hospitality, NVT của Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay … tăng kịch trần.
Trong khi đó, cổ phiếu VJC của Vietjet, SGN của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn, ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, SAS của Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất đều đang trên tham chiếu.
Cổ phiếu hàng không và du lịch bứt phá sau thông tin Chính phủ Trung Quốc đã quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II (từ 15/3/2023).
Trước đó vào ngày 6/2, Trung Quốc đã cho phép các doanh nghiệp lữ hành nước này nối lại hoạt động đưa khách đi du lịch nước ngoài theo đoàn. Danh sách 20 quốc gia trong đợt thí điểm đầu tiên này bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Maldives, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, New Zealand, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ai Cập, Kenya, Nam Phi, Nga, Thụy Sỹ, Hungary, Cuba, Argentina và Fiji, không có Việt Nam.
Báo Chính phủ sáng 9/3 cho biết ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tại buổi làm việc với Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam) Nguyễn Phương Hòa đã thông báo về việc tour khách đoàn Trung Quốc sẽ trở lại Việt Nam bắt đầu từ ngày 15/3.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, tại cuộc làm việc, Tham tán Bành Thế Đoàn cho biết Việt Nam sẽ là một trong số quốc gia được ưu tiên xem xét các chuyến bay thẳng, bỏ yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm PCR trước 48 giờ. Du khách nhập cảnh chỉ cần cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh hoặc tổ chức xét nghiệm xác suất 2%.
Phía Trung Quốc mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, cùng nhau đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách du lịch mỗi nước.
Về phía Việt Nam, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa cho biết việc Trung Quốc mở tour trở lại là tin vui của toàn ngành du lịch và người dân Việt Nam với mong muốn được tự do đi lại và du lịch sau thời gian dài vướng dịch COVID-19.
Hàng không sau ba năm vất vả
Trước COVID-19, Trung Quốc là thị trường khách nước ngoài lớn nhất của ngành hàng không và du lịch Việt Nam. Năm 2022, nhiều quốc gia đã dần mở cửa sau hơn hai năm đại dịch nhưng Trung Quốc vẫn kiên trì với chính sách Zero COVID cho tới tháng 1/2023.
Việc thị trường 1,4 tỷ dân nối lại hoạt động du lịch với Việt Nam là tin vui cho các hãng hàng không và doanh nghiệp lữ hành sau ba năm khổ vì dịch.
Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) ó lãi sau thuế nhỏ lần lượt 69 tỷ và 80 tỷ đồng trong hai năm 2020 – 2021 nhờ hoạt động tài chính bù lỗ cho hoạt động vận tải hàng không cốt lõi. Sang năm 2022, doanh thu tài chính giảm đi trong khi chi phí tài chính tăng vọt, Vietjet báo lỗ 2.171 tỷ đồng lần đầu tiên trong lịch sử.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) đã thua lỗ 12 quý liên tiếp, lỗ lũy kế 34.200 tỷ đồng vượt xa vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm 10.200 tỷ. Cổ phiếu HVN có nguy cơ bị hủy niêm yết sau khi Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.
Bamboo Airways từng ghi nhận lãi sau thuế 242 tỷ đồng trong năm 2019 và 311 tỷ đồng vào năm 2020 nhờ doanh thu hoạt động tài chính hàng nghìn tỷ. Sang năm 2021, Bamboo báo lỗ 2.281 tỷ đồng.
Theo thông tin tại đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn FLC ngày 4/3 mới đây, FLC phải trích lập dự phòng 3.642 tỷ đồng cho khoản đầu tư 21,7% vốn tại Bamboo Airways năm 2022. Như vậy, tổng số lỗ của hãng hàng không với thương hiệu cây tre trong năm ngoái lên tới khoảng 16.800 tỷ đồng. Để so sánh, số lỗ lớn nhất trong lịch sử của Vietnam Airlines là 13.279 tỷ đồng vào năm 2021.