Ảnh minh họa
Cơ hội để thay đổi
M.B.T - cô gái sinh năm 1997 ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình, tốt nghiệp Học viện Báo Chí tuyên truyền, hiện đang làm việc tại TP.HCM cho một công ty trong lĩnh vực bất động sản. Cô nhận thấy thị trường nhà đất ở quê đang xuống giá rất thấp, chỉ bằng 1/5 so với thời điểm sốt đất năm 2021.
Vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, T. đã về quê tìm hiểu kỹ thông tin thị trường, đồng thời cũng tìm kiếm những lô đất phù hợp với mình, cùng với đó là pháp lý rõ ràng để quyết định xuống tiền. Sau Tết, cô gái trẻ này đã tìm được 3 lô đất có giá khá hợp lý, lại gần khu vực thị trấn nên quyết định chốt mua 3 lô đất.
Điều đáng nói là những mảnh đất này từng được rao bán với giá hàng tỷ đồng hồi cuối năm 2021, tuy nhiên, giờ mỗi lô đất chỉ có giá chưa đến 200 triệu đồng. Vậy nên, cô gái trẻ này đã quyết mua cả 3 mảnh đất này chỉ ngót nghét 500 triệu đồng.
T. cho biết, đây là cơ hội chỉ có 1 lần, nên em phải quyết tâm mua bằng được, cũng là thành quả sau những năm lao động sau khi ra trường, tích góp khi làm việc tại TP.HCM của em. “Hi vọng trong vài ba năm tới giá đất sẽ tăng trưởng trở lại, khi đó em sẽ bán bớt để xây dựng một căn nhà ở quê”, cô gái trẻ chia sẻ.
Khi được hỏi tại sao mới ra trường 2 năm đã tích góp được một số tiền lớn để đầu tư như vậy, cô gái này chia sẻ, em sống tối giản, chỉ mua những thứ cần dùng, chứ không mua sắm nhiều như các bạn khác, công việc chính của em thu nhập chỉ được khoảng 15 triệu đồng/ tháng, nhưng em làm thêm một số công việc khác, nên tổng thu nhập giao động từ 30 đến 40 triệu đồng mỗi tháng.
“Chỉ tiêu 1 phần nhỏ, số còn lại em gửi vào tài khoản tiết kiệm, hiện nay em thấy cơ hội đến nên đã quyết định rút ra để mua một số lô đất ở quê. Hiện chỉ khoảng 500 triệu đồng em có thể mua được 3 lô đất, nếu như khi thị trường còn sôi động, thì khoản tiền này chưa mua nổi một lô, em xem đây là cơ hội tốt nhất để mình thay đổi cuộc sống”, T. nói.
Hiện nay, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn khiến các nhà đầu tư lâm tình cảnh lao đao, nhiều người đang cố gồng mình để bám trụ với thị trường, một số đang chật vật cắt lỗ vì mất niềm tin. Song, nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm vẫn vững vàng tâm lý và cho rằng, sắp tới sẽ là thời điểm tốt để mua bất động sản, bởi sẽ xuất hiện một làn sóng “bán tháo”, giá giảm mạnh.
Chia sẻ về thị trường giai đoạn hiện nay, Anh Nguyễn Đình Đường (TP.HCM), một nhà đầu tư có hơn 10 năm kinh nghiệm trên thị trường bất động sản cho biết, thời điểm này các nhà đầu tư sẵn vốn đang “đi săn” bất động sản “cắt lỗ”, chủ yếu ở phân khúc đất nền tại các tỉnh lẻ. Nhiều nhà đầu tư có thể mua được với mức hạ giá giảm từ 20 – 30%, thậm chí 50% so với trước đây.
“Nhiều nhà đầu tư vì không chịu nổi áp lực vốn vay ngân hàng nên bán lỗ, bán tháo để thu dòng tiền. Đây chính là thời điểm tạo cơ hội cho những người có dòng tiền nhàn rỗi. Họ có thể mua được bất động sản giá rẻ hơn so với mặt bằng chung thị trường từ 20 – 50%”, anh Đường chia sẻ.
Kỳ vọng vào thị trường giai đoạn tới
Dù thị trường thời điểm này gặp rất nhiều khó khăn, nhưng giới chuyên gia cũng kỳ vọng sang giai đoạn 2023 đến 2025 thị trường bất động sản sẽ có khả năng hồi phục. Điều quan trọng nhất là sự can thiệp của Chính phủ khi thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ cho thị trường trở lại quỹ đạo ổn định. Ở giai đoạn này, nhiều chuyên gia cho rằng, đang trong quá trình điều chỉnh và thanh lọc.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đánh giá từ quý IV năm 2022 là đỉnh của lạm phát toàn cầu. Việt Nam đương nhiên cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng và khó khăn hơn do chúng ta đã hội nhập sâu rộng, trong đó thị trường bất động sản cũng không phải là ngoại lệ.
“Quý IV so với hai quý II và III giảm liên tục thì tạm thời gọi là suy thoái kỹ thuật, đúng hơn là suy giảm. Để đi vào giai đoạn phát triển lành mạnh hơn thì cần có bước đệm này. Để thị trường bất động sản có thể hồi phục dần trong những năm tới đây, trước tiên phải giải quyết các vấn đề về pháp lý, kế đến là gỡ nút thắt vốn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản”, ông Lực nhấn mạnh.
Phân tích về vấn đề này của thị trường, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kỳ vọng, giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025, thị trường tài chính sẽ phục hồi trở lại, để những nguồn vốn tiếp tục chảy vào thị trường bất động sản, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thị trường thoát khỏi cảnh trầm lắng và hướng tới phát triển bền vững hơn.
“Trong quý đầu năm 2023, Chính phủ sẽ có những động thái tháo gỡ mạnh mẽ hơn, đồng thời room tín dụng được mở ra trở lại để các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay. Các doanh nghiệp cũng sẽ dần làm quen, thích nghi với những quy định mới về phát hành trái phiếu. Như vậy, thị trường bất động sản sẽ có thêm các nguồn cung tiền tệ để tạo đà phát triển trở lại”, ông Hà nhận định.
Đánh giá về vấn đề nêu trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, kênh đầu tư này đang trầm lắng mà không “đóng băng”. TS. Hiếu đánh giá tín hiệu tích cực từ sự điều chỉnh của Nhà nước. Chính bởi vậy, ông dự báo chỉ đầu năm 2023, thị trường sẽ còn khó khăn nhưng đến nửa sau của năm nay, thị trường sẽ bắt đầu phục hồi trở lại.
“Vậy nên đây là thời điểm phù hợp để các nhà đầu tư gom hàng, chờ cơ hội tới”, ông Hiếu nói