Mấy hôm trước con gái tôi đi học về thì thấy trên mặt cháu có những vết trầy xước, tôi hỏi thì cháu nói là bị các bạn trong lớp bắt nạt, lúc thì nắm tóc, lúc lại cào vào mặt, còn cháu thì chưa bao giờ đánh trả lại. Nghe con gái nói mà tôi vừa xót, vừa tức, nên đã nói với con rằng, lần sau nếu bạn có bắt nạt con nữa thì con cứ đánh trả lại, mẹ hứa sẽ không mắng con đâu. Sau này con gái nói với tôi rằng người bạn kia lại nắm bím tóc của nó, nhưng nó cũng đã đánh trả lại đến nỗi bạn nhỏ kia khóc thét lên, về sau bạn ấy cũng không còn bắt nạt con gái tôi nữa.
Việc trẻ đánh nhau, cãi vã khi đi học là điều khó tránh khỏi. Nếu cha mẹ không dạy con cách giải quyết đúng đắn thì rất có thể sau này con sẽ trở thành hung thủ hoặc nạn nhân, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và sức khỏe tinh thần của trẻ. Và nếu chỉ bảo trẻ báo với giáo viên sau khi bị bắt nạt thì không những vấn đề không được giải quyết mà còn khiến trẻ dễ bị "trả đũa" nghiêm trọng hơn.
Lý Mai Cẩn, một giáo sư tâm lý tội phạm nổi tiếng ở Trung Quốc từng nói rằng để trẻ em "đánh trả" thường có thể giải quyết vấn đề tốt hơn. Đánh trả không phải là một hành vi xấu, đó được xem là một hành vi tự vệ chính đáng.
1. Ngăn trẻ hình thành thói quen đánh người khác, đồng thời cũng để trẻ học cách đối mặt với bắt nạt
Lâu nay, văn hóa nước ta luôn đề cao đạo đức, giúp người, nên khi giáo dục con cái, nhiều cha mẹ quen dặn con không được tùy tiện ức hiếp, đánh đập người khác, nhưng lại thường lơ là việc dạy các em học cách tự bảo vệ mình và cách xử lý khi bị bắt nạt. Cha mẹ cần tăng cường giáo dục về mặt này, đừng để trẻ mù quáng nhượng bộ và yếu thế trước bạo lực hay các tình huống khác, vì như thế trẻ sẽ dễ trở thành mục tiêu bắt nạt hơn.
Nếu bạn sợ con mình bị bắt nạt ở trường, bạn hoàn toàn có thể nói với con rằng chúng có thể đánh trả khi bị bắt nạt, cha mẹ sẽ ủng hộ chúng và không trách mắng chúng. Như thế chúng sẽ có dũng khí để đối phó với những thành phần bắt nạt.
2. Để trẻ học cách nói "không"
Trước 6 tuổi là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển nhân cách và các mặt khác của trẻ. Lúc này cha mẹ phải dạy trẻ học cách nói không, kiên quyết nói không với những hành vi và những điều mình không thích, đồng thời thể hiện thái độ cho kẻ khác biết là chúng không dễ bị bắt nạt, và có thể lớn tiếng phản kháng khi đối mặt với hành vi bắt nạt của người khác. Tuyệt đối đừng vô tình dạy trẻ trở thành một người phục tùng.
3. Cho trẻ vận động để khỏe mạnh
Trong trường học, những đứa trẻ cao to khỏe mạnh thường sẽ không bao giờ bị bắt nạt. Vì vậy, trong việc giáo dục con cái, cha mẹ cũng nên thúc giục con rèn luyện thân thể để con nhanh nhẹn, khỏe mạnh hơn, có vậy thì khả năng con bị bắt nạt sẽ rất ít. Ngay cả khi bị bắt nạt, trẻ vẫn có sức mạnh để chống lại.
4. Dạy cho trẻ cách nhìn đúng đắn về cuộc sống
Khi đối mặt với một số hành vi bắt nạt hay bạo lực trong khuôn viên trường, dù trẻ có thực sự bị tổn thương về thể xác hay không thì tâm lý cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Vì vậy, cha mẹ nên dạy cho trẻ một số quan niệm đúng đắn để trẻ phân biệt hành vi nào là sai, hành vi nào là đúng, tình huống nào là nguy hiểm và biết cách tự bảo vệ mình trong cuộc sống hàng ngày. Mưa dầm thấm đất, từ từ các em sẽ có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống, tâm lý lành mạnh hơn, tránh bị ảnh hưởng bởi bạo lực học đường.
Hiện nay các tin tức về bạo lực học đường ngày càng nhiều cho thấy tình trạng này đang thường xuyên xảy ra trong cuộc sống. Để trẻ không bị bắt nạt ở trường, cha mẹ phải quan tâm giáo dục trẻ về mặt này ngay từ khi còn nhỏ, để trẻ học cách đối phó và xử lý tình huống khi bị bắt nạt.