Ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TP HCM xác nhận với VnExpress đã chủ trì cuộc họp chiều 20/2 với các doanh nghiệp để gỡ vướng mắc với 7 dự án bất động sản. "Vấn đề này thành phố xác định sẽ tập trung xử lý", ông nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, lộ trình giải bài toán tắc nghẽn pháp lý trên tinh thần dự án nào thuộc thẩm quyền sẽ được thành phố tập trung giải quyết trước. Dự án nào vượt thẩm quyền của thành phố sẽ xin ý kiến trung ương. Trong nhóm 116 dự án vướng mắc pháp lý hiện nay, thành phố đang lên danh sách có 38 dự án ưu tiên tập trung xử lý dứt điểm và 7 dự án được xem xét từ ngày 20/2.
Ông Châu cho biết tại cuộc họp hôm qua, từng doanh nghiệp (trong số 6 doanh nghiệp dự họp) đã nêu hiện trạng pháp lý của dự án, các khó khăn, bất cập, thiệt hại và được thành phố khẳng định sẽ tìm hướng giải quyết.
7 dự án được xem xét xử lý trong tháng 2 do 6 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố làm chủ đầu tư, đều thuộc nhóm bất động sản nhà ở và khu phức hợp tọa lạc tại quận 1, 4, 7, quận Tân Phú và TP Thủ Đức. "Trong 7 dự án vướng mắc này có 6 dự án thuộc thẩm quyền xử lý của thành phố, một dự án còn lại phải xin ý kiến trung ương", ông Châu cho hay.
Chủ tịch HoREA cho biết thêm từ tuần sau trở đi, từng doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo kết luận ban đầu. Sẽ có tình huống dự án vướng mắc sở ngành và Phó chủ tịch UBND TP HCM xem xét, nhưng cũng có một số tình huống vướng pháp lý của dự án phải trình lên lãnh đạo cao nhất của thành phố để tìm hướng xử lý.
Ghi nhận của VnExpress cho thấy đa số dự án trong danh sách 7 dự án này đều đã được công bố trên thị trường bất động sản, một số có phát sinh giao dịch nhận giữ chỗ, đặt cọc. Vướng mắc phổ biến nhất của các dự án là có liên quan đến nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất, kế đến là thủ tục pháp lý về giấy phép xây dựng.
Trước đó, hồi 16/12/2022, tại đại hội Hiệp hội Bất động sản TP HCM nhiệm kỳ 2022-2027, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM từng chia sẻ có thể chia các dự án đang vướng pháp lý trên địa bàn theo nhóm để từng bước tháo gỡ.
3 nhóm đó là: không thể thực hiện được; giải quyết được và cuối cùng là hồ sơ cần báo cáo cấp trên xem xét. Trên cơ sở đó, thành phố xác định các giải pháp cụ thể, tập trung tháo gỡ khó khăn pháp lý của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản.
Từ đầu tháng 2 đến nay, lãnh đạo các cấp liên tục tổ chức nhiều cuộc họp đầu ngành tìm hướng tháo gỡ khó khăn về chính sách tín dụng, vướng pháp lý cho các doanh nghiệp bất động sản.
Ngày 8/2, Ngân hàng Nhà nước họp với các doanh nghiệp ngành này và Hiệp hội Bất động sản TP HCM về tín dụng bất động sản. Một tuần sau đó, lãnh đạo UBND thành phố đã có buổi làm việc với 19 doanh nghiệp bất động sản về những khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp đang gặp phải. Đến 17/2, Thủ tướng chủ trì Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Và hôm qua, UBND TP HCM họp với 6 doanh nghiệp để giải quyết vướng mắc khó khăn cho 7 dự án của những chủ đầu tư này.
Danh sách 7 dự án vướng pháp lý được UBND TP HCM xem xét xử lý trong tháng 2.
Dự án 30,2ha tọa lạc trên đường Mai Chí Thọ, phường Bình Khánh, TP Thủ Đức, chủ đầu tư Novaland, tên thương mại của dự án The Water Bay.
Dự án chung cư Cô Giang, nằm trên đường đường Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1, chủ đầu tư Novaland, tên dự án chào bán trên thị trường là Grand Manhattan.
Khu phức hợp Sóng Việt, thuộc lô đất 1-17 khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, chủ đầu tư Sơn Kim Land, tên dự án chào bán trên thị trường là The Metropole Thủ Thiêm.
Dự án chung cư Cửu Long, đường Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4, chủ đầu tư CapitaLand, tên thương mại của dự án De La Sol.
Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, chủ đầu tư Gamuda Land, tên thương mại của dự án Celadon City.
Dự án khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp trên đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7, chủ đầu tư Công ty TNHH Gotec Việt Nam.
Khu nhà ở Thiên Lý, phường Phước Long B, TP Thủ Đức, chủ đầu tư Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ An Thiên Lý.