Chứng khoán

Novaland (NVL) “rớt đài” danh sách tỷ USD vốn hóa, cổ phiếu tiếp tục phá đáy

Phiên giao dịch sáng 14/2 diễn ra tương đối giằng co. Nhóm cổ phiếu bất động sản chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ dù đã có sự hồi phục đôi chút. Trong đó, cổ phiếu NVL của Novaland tiếp tục là cái tên gây chú ý nhất khi giảm sàn “trắng bên mua” ngay từ đầu phiên với dư bán sàn hàng triệu đơn vị.

Novaland (NVL) “rớt đài” danh sách tỷ USD vốn hóa, cổ phiếu tiếp tục phá đáy - Ảnh 1.

Tính đến 11h5p phiên sáng, cổ phiếu NVL giảm kịch sàn phiên thứ 2 liên tiếp về 11.950 đồng/cp, mức thấp nhất trong lịch sử niêm yết. Lượng dư bán sàn của NVL ghi nhận gần 16 triệu đơn vị, khối lượng khớp lệnh đạt khoảng 9,8 triệu cổ phiếu.

Mức giảm 6,64% phiên hôm nay kéo vốn hóa Novaland xuống mức thấp kỷ lục xấp xỉ 23.300 tỷ đồng (0,98 tỷ USD) , tương ứng “bốc hơi” 87% so với đỉnh hồi giữa năm 2021. Như vậy, lần đầu tiên kể từ khi niêm yết, Novaland đã rời khỏi câu lạc bộ tỷ USD vốn hóa. Trước đó hồi đầu năm 2022, quy mô vốn hóa doanh nghiệp này đạt tới hơn 176.000 tỷ đồng.

Việc "rớt đài" của Novaland là một tín hiệu buồn đối với nhóm bất động sản khi đối mặt với nhiều khó khăn kể từ giữa năm 2022. Nhà đầu tư lo ngại về việc doanh nghiệp gặp áp lực thanh khoản khi thị trường trái phiếu bị siết chặt hơn khiến cổ phiếu Novaland trải qua đợt bán tháo mạnh trong giai đoạn cuối năm, sau đó chững lại trong hơn 1 tháng tới nay.

Ngoài ra, kết quả kinh doanh 2022 kém khả quan khi doanh thu và lợi nhuận cùng suy giảm mạnh so với năm trước cũng là một trong những nguyên nhân khiến đà lao dốc của NVL chưa có dấu hiệu dừng lại. Cụ thể, tổng doanh thu thuần năm 2022 ghi nhận đạt 11.135 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.293 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và 34% so với năm 2021. Dù có lãi nhưng doanh nghiệp bất động sản này lại âm nặng dòng tiền kinh doanh đến 3.262 tỷ đồng trong năm 2022.

Novaland (NVL) “rớt đài” danh sách tỷ USD vốn hóa, cổ phiếu tiếp tục phá đáy - Ảnh 2.

Với áp lực trả nợ, sụt giảm tiền mặt của Novaland là thấy rõ khi tại thời điểm cuối năm 2022, tiền và các khoản tương đương tiền (bao gồm các khoản đầu tư tiền gửi ngắn hạn) chỉ còn 8,9 nghìn tỷ đồng, tức giảm 60% so với cuối quý 3/2022 và giảm 51% so với cuối năm 2021.

Theo NVL, trước tình hình biến động của kinh tế thế giới và cả trong nước ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp, Tập đoàn đã và đang tái cấu trúc để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành của Tập đoàn quyết liệt đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, cụ thể như tinh giảm các hoạt động chưa cần thiết, củng cố đội ngũ nhân sự vững chuyên môn, dày kinh nghiệm.

Đáng chú ý, tại báo cáo phân tích của CTCK Bản Việt (VCSC) sau buổi gặp gỡ nhà đầu tư của CTCP Đầu tư Tập đoàn Địa ốc No Va (Novaland) diễn ra vào ngày 10/02, Novaland đang làm việc với các đơn vị tư vấn tài chính để tiến hành kế hoạch tái cơ cấu toàn diện bao gồm (1) đàm phán với chủ nợ và trái chủ để cơ cấu lại lịch trả nợ, (2) tập trung phát triển các dự án trọng điểm và (3) cân nhắc khả năng bán bớt tài sản.

Tuy nhiên, VCSC cho biết Novaland không công bố thêm thông tin về quá trình tái cơ cấu.

Nhiều cổ đông lớn liên tục giảm sở hữu

Trong bối cảnh cổ phiếu không ngừng lao dốc, lãnh đạo cùng cổ đông lớn của Novaland đã có động thái liên tục bán bớt cổ phiếu.

Mới đây nhất, bà Hoàng Thu Châu - thành viên Hội đồng quản trị NVL đồng thời là Tổng giám đốc của Novagroup đã bán thành công hơn 2,28 triệu cổ phiếu NVL vì lý do cá nhân. Giao dịch được thực hiện trong phiên 10/2. Hiện, bà Châu còn sở hữu hơn 4 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 0,208% vốn của Novaland.

Cùng chiều giao dịch, CTCP Diamond Properties vừa đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu NVL với mục đích nhằm cân đối danh mục đầu tư, dự kiến từ ngày 15/2 đến 12/3. Hiện Diamond Properties hiện là cổ đông lớn thứ 2 tại Novaland, nắm giữ 10,415% vốn chỉ sau NovaGroup. Nếu thực hiện thành công giao dịch trên, cổ đông này sẽ giảm sở hữu xuống còn 202,1 triệu cổ phiếu, tương đương 10,364% vốn của Novaland.

Ông Bùi Xuân Huy – thành viên HĐQT Novaland cũng đã đăng ký bán ra gần 14,8 triệu cổ phiếu NVL bằng phương pháp thỏa thuận trong khoảng từ ngày 10/2 đến 10/3.

Các giao dịch thượng tầng tại Novaland diễn ra sau khi nhân sự của doanh nghiệp có biến động lớn, đặc biệt là việc ông Bùi Thành Nhơn trở lại ghế Chủ tịch HĐQT Novaland và là người đại diện pháp luật. Việc ông Nhơn trở lại là một phần trong đề án tái cấu trúc mà NovaGroup – cổ đông lớn nhất của Novaland, đang thực hiện để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm