Kỹ năng sống

Nạn vờ yêu để lừa tiền ở Canada

Theo thống kê, năm 2020 hơn 1.000 người Canada mất 27,8 triệu USD. Gần 1.400 người bị chiếm đoạt 64,2 triệu USD năm 2021 hay 59 triệu USD với 1.000 bị hại trong năm 2022, chỉ vì lừa tình. Jeff Horncastle, phát ngôn viên của Trung tâm Chống gian lận ở North Bay, Ontario, cho biết nhiều nạn nhân thấy xấu hổ khi báo cáo thiệt hại, khiến số liệu thống kê chưa đầy đủ.

Amy Todd gặp người đàn ông tên Jon Boulder qua website hẹn hò năm 2018. Không lâu sau, cô chuyển hàng nghìn USD cho bạn trai. Chưa hết, cô còn vay ngân hàng 15.000 USD để đầu tư vào công việc kinh doanh của người tình theo lời dụ dỗ, nhưng thực chất là công ty "ma". Jon Boulder cũng không phải là tên thật.

"Thật nhục nhã. Tôi căm ghét chính mình vì sai lầm lớn. Mù quáng tin vào tình yêu cùng lời hứa tăng thu nhập khiến tôi trả giá", nữ nhân viên văn phòng ở Brantford, Ontario, nói.

Kẻ lừa Amy tên thật là Jon Mulder, đang đối mặt với hàng loạt cáo buộc liên quan. Hơn chục năm trước, người này bị kết tội do chiếm đoạt tài sản của phụ nữ qua mạng.

"Jon tiếp cận 'con mồi' bằng cảm xúc", Jeff nhận định. Ông cũng khuyên người dân không nên đồng ý kết bạn với người lạ trên mạng xã hội hay click vào liên kết lạ trong email.

Giờ đây, kẻ lừa đảo còn nhắm đến người cao tuổi. Theo CTV Calgary, một góa phụ ở Ontario mất khoảng 800.000 USD trong vụ lừa đảo tình cảm tinh vi. "Quan trọng là cảnh báo các thành viên trong gia đình về chiêu trò gian lận. Nghe có vẻ rắc rối, tốn thời gian, nhưng đừng bỏ cuộc", Jeff nói.

Nhiều kẻ lừa đảo lợi dụng lòng tin của người dùng mạng để kiếm hàng triệu USD mỗi năm. Ảnh minh họa: Freepik

Nhiều kẻ lừa đảo lợi dụng lòng tin của người dùng mạng để kiếm hàng triệu USD mỗi năm. Ảnh minh họa: Freepik

Matthew McGuire, chuyên gia phòng chống rửa tiền, nói rằng các chiêu trò chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi hơn.

"Chúng thao túng tâm lý nạn nhân, hướng dẫn họ nói gì tại ngân hàng để không bị nghi ngờ", Matthew nói. Chuyên gia cho rằng ngân hàng nên tìm hiểu và đưa ra lời cố vấn nếu thấy trường hợp rút hoặc vay tiền bất thường.

Điều này đã xảy ra với Li Zheng. Một kẻ lừa đảo tự xưng là người của lãnh sự quán Trung Quốc liên hệ với Li, cáo buộc cô tội rửa tiền, gửi lệnh bắt giữ giả đến nhà để ép chuyển 69.000 USD vào tài khoản lạ. Tại Canada, các giao dịch trên 10.000 USD đều phải gửi thông tin đến cơ quan tình báo tài chính. Nhưng thay vì trình báo, Li chọn im lặng và yêu cầu giao dịch tiếp. Người phụ nữ chỉ biết bản thân bị lừa khi đọc tin tức.

Amy cũng không nghi ngờ bởi thủ đoạn Jon dàn xếp quá tinh vi. Hắn luôn lái xe tải gắn đầy logo, mẫu áo và các sản phẩm từ công ty "ma". Thường xuyên gửi ảnh thương lượng với đối tác, ký kết hợp đồng bạc tỷ nhằm tạo dựng lòng tin.

"Tôi không còn tin tưởng hay dám hẹn hò với ai đó qua mạng. Mọi thứ thật kinh khủng khi mang số nợ lớn", Amy nói.

(Theo New York Times)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm