Thảm họa động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 36.000 người, đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất", thiếu ăn, thiếu mặc. Đây được xem là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử 2 quốc gia này.
Các đội cứu hộ vẫn đang nỗ lực không ngừng nghỉ để cứu các nạn nhân còn mắc kẹt, không thể giúp họ sống sót trở về thì cũng cố gắng mang được thi thể ra khỏi đống đổ nát để thân nhân lo hậu sự. Trong đau thương mới thấu lòng người, đã có quá nhiều câu chuyện như "phép màu nhiệm" đã được chia sẻ trên khắp các trang mạng xã hội và cả báo đài.
Trong đó, người ta không thể kìm nước mắt trước hình ảnh một chú chó cứu hộ bị thương ở chân nhưng vẫn gắng sức tìm kiếm người gặp nạn.
Theo trang tin tức TRT Haber, chú chó cứu hộ mang tên Köpük hiện đang nổi đình nổi đám trên mạng xã hội vì sự cần mẫn đáng khâm phục.
Köpük được giao nhiệm vụ đánh hơi để giúp đội cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân mất tích dưới đống đổ nát sau khi trận động đất hôm 6/2 tàn phá thành phố Malatya (Thổ Nhĩ Kỳ). Được biết, Köpük vốn phục vụ trong đội Quản lý tình trạng khẩn cấp và thảm họa của Thổ Nhĩ kỳ.
Kể từ khi được điều động đến thành phố Malatya cùng 2 người huấn luyện là Dersim Bulut và Niyazi Özbek, Köpük luôn tỏ ra chăm chỉ làm việc để cứu giúp người bị nạn.
Trong quá trình tìm kiếm, Köpük bị thương ở chân với nhiều vết trầy xước do các mảnh gạch vụn cứa vào. Con vật được băng bó ở cả 4 chân để tránh xước thêm. Tuy bị đau như vậy nhưng Köpük vẫn chăm chỉ làm việc, hoàn thành sứ mệnh của mình.
Người huấn luyện Dersim Bulut nói rằng nơi đầu tiên họ được chỉ định đến tìm kiếm cứu nạn sau trận động đất là ở Hayat Sitesi. Anh cho biết Köpük đã giúp đội tìm được 5 người. Và đội cứu hộ thường tập trung vào các khu vực con chó phản ứng để đào bới.
2 người huấn luyện là Dersim Bulut và Niyazi Özbek.
Giữa lúc thảm kịch đau buồn xảy ra, hình ảnh và câu chuyện của chú chó Köpük như lại tiếp thêm sức mạnh cho nhiều người để cùng cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt.
Sự sống và cái chết
Tờ Daily Mail ngày 11/2 đăng tải những bức ảnh đau lòng cho thấy một người cha đau buồn bế xác con mình trong đám tang. Em bé Ecrin đã chết sau khi ngôi nhà của em ở quận Islahiye của thành phố Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ) bị phá hủy sau 2 trận động đất hôm 6/2.
Ở Hatay, cậu bé 2 tuổi Aliye Dagli đã được giải cứu khỏi đống đổ nát của ngôi nhà bị sập - 117 giờ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bị động đất tấn công.
Một người cha đau buồn bế xác con sau khi đứa trẻ tử vong quận Islahiye của thành phố Gaziantep.
Những bức ảnh đau lòng khác cho thấy Ozlem Yilmaz (35 tuổi) và cô con gái 6 tuổi Hatice, được đưa đến nơi an toàn trong vòng tay của một nhân viên cứu hộ ở thành phố Adiyaman.
Ở một diễn biến khác, nhóm cứu hộ đã mạo hiểm mạng sống của mình để cứu gia đình khi một người đàn ông. Họ không mặc bất kỳ thiết bị bảo hộ nào, bò vào một cái hốc nhỏ để cứu người sau khi dùng máy móc hạng nặng xử lý đống đổ nát.
Bé Aliye Dagli (2 tuổi) được giải cứu khỏi đống đổ nát của ngôi nhà bị sập - 117 giờ sau khi trận động đất tấn công Thổ Nhĩ Kỳ.
Một tình nguyện viên cho biết họ nhận được điện thoại từ giảng viên đại học, cầu xin họ cứu cô khỏi một tòa nhà. Đến sáng, giảng viên ngừng trả lời các cuộc gọi trong khi họ vẫn chưa thể tìm thấy cô.
Tình nguyện viên nói: "Có sự hỗn loạn, đống đổ nát và xác chết ở khắp mọi nơi. Vẫn còn những tòa nhà bị sập chưa được đào bới ở khu phố bên cạnh".
Tính đến ngày 12/2, các quan chức và nhân viên y tế cho biết 31.643 người đã thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và 4.574 người chết ở Syria sau trận động đất mạnh 7,8 độ đầu tuần trước, nâng tổng số người chết được xác nhận lên 36.217.
Lực lượng cứu hộ từ nhiều quốc gia trên khắp thế giới vẫn đang nỗ lực làm việc ngày đêm trong các đống đổ nát và giải cứu được những trường hợp sống sót, được mô tả là "phép màu". Bởi lẽ, khoảng "thời gian vàng" 72 giờ sau thảm họa đã trôi qua.
Tại nhiều khu vực, đặc biệt là Syria, lực lượng cứu hộ thiếu thiết bị tìm kiếm và cảm ứng hiện đại. Họ buộc phải dùng xẻng hoặc tay để đào bới một cách thận trọng.