CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) đã hoàn tất thu hồi số tiền gần 400 tỷ đồng liên quan đến thương vụ Sài Gòn Gôn với Tổng công ty du lịch Sài Gòn - TNHH MTV (Saigontourist). Số tiền này được tập đoàn hạch toán vào khoản phải thu khác từ nhiều năm nay.
Đây là khoản phải thu theo Thỏa thuận hủy bỏ Hợp đồng chuyển nhượng vốn và phải thu hoàn lại vốn mà Novaland đã góp vào Sài Gòn Gôn cho giai đoạn sau đó cùng một số lãi chậm trả.
BCTC hợp nhất quý III/2024 của Novaland thể hiện tại ngày 30/9, số dư phải thu liên quan đến Công ty TNHH Sài Gòn Gôn đã giảm từ 392 tỷ đồng về còn 3,8 tỷ đồng. Phần thuyết minh của Novaland cho biết công ty đã thu hồi được số tiền gốc; 3,8 tỷ đồng phải thu còn lại là số lãi chậm trả.
Số tiền Novaland đã chi cho thương vụ Sài Gòn Gôn
Thương vụ mua lại Sài Gòn Gôn được Novaland đẩy nhanh và hoàn tất vào năm 2017 -giai đoạn đỉnh về hoạt động M&A của tập đoàn, bên cạnh các thương vụ mua lại hàng loạt công ty khác như: CTCP Cảng Phú Định, Công ty TNHH Bất động sản Bách Hợp, Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức, Công ty TNHH Bất động sản Gia Phú, nhóm Nova Reverside, Merufa - Nova, CTCP Địa ốc Nhật Hoa…
Công ty TNHH Sài Gòn Gôn thành lập từ năm 2007 theo mô hình công ty cổ phần để phát triển dự án Khu du lịch sân golf Sài Gòn tại Nông trường Dừa 156 ha ở quận 9 cũ, nay là TP Thủ Đức.
Cổ đông sáng lập của Sài Gòn Gôn có hai doanh nghiệp nhà nước là Saigontourist và CTCP Dịch vụ Du lịch Thủ Đức với tỷ lệ sở hữu lần lượt 35% và 15%. Công ty Vietnam Ventures Limited (trụ sở ở Bristish Virgin Islands) sở hữu 20%.
Nhóm Novaland thông qua công ty con là CTCP Địa ốc Thành Nhơn sở hữu 30% vốn còn lại, tương đương 60 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật, đồng thời nắm giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Gôn từ khi thành lập là ông Bùi Cao Nhật Quân, con trai ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland.
Từ năm 2017, nhóm Novaland tăng tỷ lệ sở hữu tại Sài Gòn Gôn qua nhiều đợt. Tại giao dịch lần đầu, Công ty Địa ốc Thành Nhơn và Saigontourist mỗi bên sở hữu 50%, trong đó Công ty Địa ốc Thành Nhơn được giới thiệu là chủ doanh nghiệp.
Sau giai đoạn này, Công ty Địa ốc Thành Nhơn sở hữu hơn 99%, phần còn lại của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Phước Long (từng là công ty con do Novaland sở hữu 99,993% vốn đến năm 2019). Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm người đại diện pháp luật của sài Gòn Gôn được chuyển giao cho ông Bùi Đạt Chương, anh trai ông Bùi Thành Nhơn.
Theo BCTC hợp nhất của Novaland do PwC kiểm toán, Novaland đã hoàn tất việc mua 98,02% vốn tại Công ty TNHH Sài Gòn Gôn từ Saigontourist vào ngày 14/4/2017, với số tiền thuần chi ra trên 795 tỷ đồng.
Tổng giá phí của thương vụ này gần 1.423 tỷ đồng. Trong đó, giá mua lần đầu ghi nhận hơn 150 tỷ đồng, đánh giá lại khoản đầu tư vào công ty liên kết tại ngày mua gần 627 tỷ đồng, giá mua lần hai tại ngày Novaland nắm quyền kiểm soát hơn 645 tỷ đồng.
Sau khi điều chỉnh các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho, giá trị tài sản ghi sổ của Sài Gòn Gôn được ghi nhận hơn 1.915 tỷ đồng. Nợ phải trả khoảng 632 tỷ đồng, trong đó phát sinh thêm khoản thuế thu nhập hoãn lại phải trả hơn 271 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản thuần còn lại hơn 1.283 tỷ đồng.
Thương vụ này cũng giúp Saigontourist ghi nhận khoản lãi 550 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017.
Bất ngờ hủy bỏ hợp đồng tại Sài Gòn Gôn
Ngày 26/11/2018, CTCP Địa ốc Thành Nhơn và Saigontourist đã ký Thỏa thuận hủy bỏ Hợp đồng chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH Sài Gòn Gôn mà hai bên đã ký vào ngày 3/3/2017, lý do không được các bên công bố. Việc chuyển nhượng được hoàn tất ngay trong năm.
Theo thỏa thuận hủy bỏ, hai bên đồng ý giao trả cho nhau toàn bộ những gì đã nhận từ bên còn lại, các bên phối hợp thủ tục điều chỉnh điều lệ công ty và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Sài Gòn Gôn.
Ngày 9/1/2019, Saigon Tourist đã hoàn trả lại cho Công ty Địa ốc Thành Nhơn khoản tiền chuyển nhượng vốn góp hơn 645 tỷ đồng. Các thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng được các bên tiếp tục được thực hiện. Trong tháng 6 cùng năm, Saigon Tourist cử người đại diện vốn góp tại Sài Gòn Gôn theo thỏa thuận.
Từ việc hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng phần vốn tại Sài Gòn Gôn, Ban Tổng Giám đốc Novaland quyết định thực hiện điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 và 2018, không hợp nhất Sài Gòn Gôn là công ty con mà xác định đơn vị này là công ty liên kết.
BCTC hợp nhất những năm sau đó của Novaland thể hiện công ty ghi nhận khoản phải thu gần 400 tỷ đồng liên quan đến Sài Gòn Gôn. Đây là số tiền phải thu hoàn lại vốn mà Novaland đã góp thêm vào Sài Gòn Gôn giai đoạn sau.
Dự án Nông Trường Dừa của Sài Gòn Gôn bị điều tra
Khu du lịch sân golf Sài Gòn tại Nông trường Dừa do Sài Gòn Gôn làm chủ đầu tư nằm trong vụ án điều tra mở rộng liên quan đến ông Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM vào năm 2020.
Theo nguồn tin từ TTXVN, UBND TP HCM sau đó đã ban hành các văn bản hành chính, ra quyết định thu hồi khu đất Nông trường Dừa, hủy bỏ văn bản chấp thuận việc thoái vốn của Saigon Tourist) và báo cáo Thanh tra Chính phủ về các biện pháp khắc phục, xử lý sai phạm tại dự án.
Năm 1996, UBND TP HCM nhập Nông trường Dừa vào Công ty Lâm Viên, doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND huyện Thủ Đức (sau này tách thành quận Thủ Đức và quận 9). Đến năm 2002, UBND TP HCM chuyển Công ty Lâm Viên làm doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập của Saigontourist.
Năm 2004, UBND TP HCM chấp thuận giao Saigontourist làm chủ đầu tư Khu du lịch sân golf Sài Gòn tại Nông trường Dừa quy mô 156 ha. Được sự cho phép của UBND TP, Saigontourist đã hợp tác với Công ty TNHH MTV Dịch vụ Du lịch Thủ Đức, CTCP Địa ốc Thành Nhơn, Công ty VietNam Ventures Limited thành lập CTCP Sài Gòn Gôn để triển khai dự án.
Năm 2009, do Chính phủ thay đổi quy hoạch sân golf nên dự án sân golf Nông trường Dừa không nằm trong danh mục được đầu tư. Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM khi đó đã chấp thuận chủ trương nghiên cứu điều chỉnh chức năng quy hoạch dự án từ Khu du lịch sân golf Sài Gòn thành Khu đô thị và du lịch.
Năm 2014, UBND TP HCM thu hồi 156 ha đất đã giao cho Saigontourist để chuyển UBND quận 9 quản lý chặt chẽ, tránh lấn chiếm, xây dựng trái phép nhưng gần nửa năm sau đó Saigontourist vẫn chưa bàn giao.
Ngược lại đến tháng 12/2014, Sài Gòn Gôn có công văn xin thành phố không thu hồi đất và làm dự án Khu đô thị dân cư Dừa vì đã bỏ ra chi phí chuẩn bị dự án hơn 109 tỷ đồng.
Tháng 12/2015, UBND TP HCM công nhận Công ty Sài Gòn Gôn làm chủ đầu tư dự án giai đoạn 1, xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính khu dân cư đô thị tại khu vực Nông trường Dừa.