Thời sự

‘Doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể đảm đương về công nghệ của đường sắt cao tốc’

Sáng 19/11, Báo Giao thông đã tổ chức toạ đàm: Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt nhằm cùng cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, chuyên gia trao đổi, tham vấn vào quá trình hoạch định kế hoạch triển khai dự án.

Đánh giá về năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong những năm qua, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam khẳng định, với năng lực, trình độ hiện nay, các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể đảm đương được về mặt công nghệ, thi công. Vấn đề cần quan tâm chỉ là nguồn nhân lực lao động.

Ông Hiệp cho biết, khối lượng xây lắp trong dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam chiếm đến hơn 33 tỷ USD, là quy mô chưa từng có đối với các dự án tại Việt Nam. Theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, đây là dự án không quá khó về mặt công nghệ nhưng quy mô rất lớn.

Ông Hiệp cho rằng nếu đánh giá hệ thống đường sắt tốc độ cao vẫn là cầu hầm, vẫn là cầu dây văng thì thời gian qua, các nhà thầu Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, có thể thực hiện được tất cả những công trình này. Tuy nhiên, với tốc độ 350km/h của dự án, độ chính xác liên quan đến tốc độ đòi hỏi mức độ khác hơn về công nghệ.

"Các nhà thầu trong nước cần ý thức đây là một trận địa công nghệ mới, phải học hỏi, tiếp thu các kiến thức tiên tiến nhất về xây dựng để ứng dụng”, ông Hiệp nói.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (Ảnh: Báo Giao thông).

Đưa quan điểm về trình độ, năng lực của doanh nghiệp trong nước hiện nay, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc về mặt công nghệ.

Lấy ví dụ về việc trước đây, ta phải thuê nhà thầu Pháp để cải tạo cầu Sài Gòn 2 hay những năm 2000 làm cầu Mỹ Thuận vẫn phải nhờ công nghệ nước ngoài, nhưng tới dự án cầu Rạch Miễu đã có nhà thầu trong nước đảm nhận, ông Kiên khẳng định, Việt Nam đã có thể làm chủ việc thi công các cầu dây văng và các doanh nghiệp đã có chuyển biến lớn về công nghệ thi công theo quy trình mới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Kiên, tính liên kết và hợp tác để phát triển của các doanh nghiệp Việt hiện rất yếu.

Theo ông, các doanh nghiệp Việt sẽ rất khó thắng thầu nếu không chủ động hợp tác để đầu tư công nghệ đón đầu. Với thi công đường sắt, công nghệ về thi công đặt tay, hệ thống cấp điện cho phương tiện đầu máy, toa xe cũng là bài toán.

“Nếu doanh nghiệp Việt không liên kết và không tự đầu tư công nghệ, ta sẽ thua trên chính sân nhà”, ông Kiên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Kiên và ông Hiệp, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cũng nhận định dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là cơ hội rất lớn của Trường Sơn cũng như các nhà thầu Việt. 

Theo ông Tuấn Anh, trước đây doanh nghiệp xây lắp thường cạnh tranh, nhưng gần đây đã có hỗ trợ tương tác tốt, cần phát huy yếu tố này khi thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam và hệ thống đường sắt khác.

Đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, doanh nghiệp nhận thức được đây là cơ hội lớn để phát triển trong giai đoạn tới và đã chuẩn bị nhân lực tiến tới tiếp cận làm chủ công nghệ. 

Cụ thể, Trường Sơn đã chủ động hợp tác với các trung tâm đào đạo, cấp văn bằng, chứng chỉ cho kỹ sư đường sắt; tổ chức tham quan học hỏi các nước như Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc; chuẩn bị nguồn lực tiến tới đầu tư trang thiết bị phù hợp.

Đồng thời, Trường Sơn đã có phương án tăng vốn chủ sở hữu đáp ứng, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước để liên danh liên kết khi tham gia đấu thầu dự án. 

“Trường Sơn chuẩn bị sẵn sàng tham gia dự án sắp tới với tư cách nhà thầu lớn đã tham gia nhiều dự án lớn trên cả nước. Nếu có sự hỗ trợ chính sách của Đảng và Nhà nước, tôi tin nhà thầu xây lắp Việt có thể tự hoàn thành các hạng mục”, ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm