Cụm cảng biển khu vực Hải Phòng hiện có quy mô lớn thứ hai tại Việt Nam, xếp sau cụm cảng Cái Mép Thị Vải. Đây là khu vực cảng lớn nhất miền Bắc và là cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế đa dạng nằm trên địa phận ba quận Hồng Bàng, Ngô Quyền và Hải An.
Ngày 29/3/2024, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 323/QĐ-BGTVT công bố Danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam, theo đó Hải Phòng có tổng cộng 50 bến cảng thuộc hệ thống cảng biển Việt Nam.
Theo ước tính từ Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, toàn khu vực ghi nhận sản lượng hàng hóa qua các cảng đạt 78,2 triệu tấn trong 9 tháng đầu năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Kế hoạch cả năm 2024 là 107 triệu tấn hàng.
Nhờ vị trí chiến lược ở phía Bắc, khu vực Hải Phòng trở thành "chảo lửa" thu hút những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực cảng biển Việt Nam cạnh tranh liên tục như Tân Cảng, VIMC, Gemadept, Hateco, Viconship, PHP...
Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng (Mã: PHP) cho biết những thiết bị đầu tiên chuẩn bị được lắp đặt tại bến container số 3 và 4 Cảng quốc tế Lạch Huyện. Ngày 16/11, lô 8 thiết bị cần cẩu giàn bánh lốp (RTG) đầu tiên đã về bến container.
Cùng với 8 thiết bị cẩu RTG đầu tiên, các thiết bị cần cẩu giàn cầu tàu chuyên dụng (STS) cũng sẽ tiếp tục được vận chuyển và lắp đặt trong tháng 12/2024 đáp ứng theo tiến độ đầu tư và khai thác các khu bến này.
Dự án đầu tư xây dựng hai bến container số 3 và số 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện do công ty Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư. Dự án đang triển khai các hạng mục công trình và thiết bị để đáp ứng bắt đầu đưa vào khai thác trong quý I/2025.
Bến được xây dựng trên quy mô gần 57 ha với tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng. Cầu cảng hoàn thành vào tháng 5/2024 với tổng chiều dài 750 m và khi đi đi vào vận hành có thể đáp ứng mức sản lượng 1-1,1 triệu TEU/năm.
Sau khi đi vào hoạt động, PHP sẽ trở thành doanh nghiệp có quy mô khai thác lớn nhất tại Hải Phòng. Công ty hiện có các bến cảng Hoàng Diệu, Chùa Vẽ, Tân Vũ với tổng công suất 2,1 triệu TEU/năm, chiếm 25,5% công suất toàn khu vực.
Trong khi Bến 3 và 4 cảng Lạch Huyện dự kiến bổ sung thêm 1,1 triệu TEU, qua đó giúp tăng gấp rưỡi công suất hoạt động, lên mức 3,2 triệu TEU thông qua mỗi năm.
Về vấn đề khai thác bến cảng mới, công ty cũng thành lập liên doanh khai thác cảng với Terminal Investment Limited công ty con chuyên về khai thác và đầu tư cảng container của hãng vận tải biển lớn nhất thế giới MSC.
Theo đó, MSC có thể chuyển các tuyến dịch vụ từ HICT và các cảng trong khu vực Đông Nam Á về Lạch Huyện 3-4. Đồng thời, MSC cũng ký quan hệ đối tác với Premier Alliance (các thành viên cũ còn lại của The Alliance) kỳ vọng sẽ gia tăng sản lượng hàng cho bến cảng mới của PHP.
Theo đánh giá của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), bến cảng 3-4 Lạch Huyện kỳ vọng đạt hiệu suất 35% trong năm 2025 và sẽ hoạt động tối đa công suất đến năm 2029. Công ty hưởng lợi từ Lạch Huyện 1-2 đã hết công suất nhưng cũng đối mặt áp lực cạnh tranh từ Lạch Huyện 5-6 và Nam Đình Vũ 3 trong tương lai.
Tại khu vực Hải Phòng, Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship - Mã: VSC) vẫn đang là đơn vị có thị phần khai thác cảng lớn nhất với công suất xử lý 2,6 triệu TEU/năm, chiếm 30% thị phần toàn khu vực (tính đến cuối tháng 6/2024).
Viconship đang phát triển theo hướng hoàn thiện chuỗi giá trị logistics, cung cấp dịch vụ theo gói từ cảng, vận tải, kho bãi, thủ tục hải quan. Công ty quyết định thoái vốn khỏi PTSC Đình Vũ để dồn lực khai thác cụm cảng chiến lược VIMC Đình Vũ - Nam Hải Đình Vũ - VIP Green.
Theo báo cáo của VCBS, cụm cảng Hải Phòng sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn giai đoạn 2025-2026 khi nguồn cung tăng mạnh 34% so với công suất hiện tại, gồm Lạch Huyện 3-4 của PHP (1,1 triệu TEU), Lạch Huyện 5-6 của Hateco (1 triệu TEU giai đoạn 1), đến 2026 có Nam Đình Vũ 3 của Gemadept (650.000 TEU).
Các cảng nằm phía hạ nguồn sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn và nhất là các cảng không có hợp tác với các hãng tàu
Dù vậy, xét về dài hạn, ngành cảng Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tăng khung phí dịch vụ bốc xếp từ TT39/2023 và việc gia tăng công suất, xây mới cũng như mở rộng năng lực tại các khu vực chính.
Trong năm 2024, cổ đông PHP thông qua mục tiêu doanh thu 2.310 tỷ và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 840 tỷ đồng.
Báo cáo kinh doanh 9 tháng cho thấy đơn vị đã ghi nhận 1.885 tỷ đồng doanh thu và 958 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 19% và 26% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời vượt 14% mục tiêu lợi nhuận năm nay.
Chủ tịch HĐQT Phạm Hồng Minh mới đây thông tin công ty dự kiến đạt sản lượng thông qua 39 triệu tấn, doanh thu hợp nhất 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trên 1.000 tỷ đồng, đảm bảo việc làm cho người lao động với mức thu nhập bình quân đạt trên 22 triệu đồng/người/tháng.
Vị thế doanh nghiệp sắp thay đổi với Lạch Huyện 3-4 cũng giúp cổ phiếu PHP thu hút nhà đầu tư. Mã chứng khoán này trong phiên 18/11 tăng vọt lên mức đỉnh lịch sử 36.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 80% so với đầu năm, giá trị vốn hóa đạt hơn 11.900 tỷ đồng (gần nửa tỷ USD).
Trong phiên sáng 19/11, thị giá PHP có thời điểm lên 38.900 đồng/cổ phiếu, tức lần đầu tiên đã chạm ngưỡng vốn hóa nửa tỷ USD.