Thời sự

Noru là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào miền Trung trong 20 năm qua

Bão đổ bộ đất liền có thể đạt cấp 12-13

Thông tin tại cuộc họp ứng phó với bão Noru do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì chiều nay (25/9), ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho hay, hiện cơ quan dự báo nhận định bão sẽ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây.

Khoảng đêm 25/9, bão Noru sẽ đi vào Biển Đông và từ chiều đến đêm 27/9, bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

Noru là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào miền Trung trong 20 năm qua - 1

 Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão Noru. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam

Về cường độ, cơ quan khí tượng nhận định trước khi đổ bộ Philippines, bão đạt sức gió mạnh nhất cấp 16, giật trên cấp 17 và ở cấp siêu bão. Sau khi vào đất liền Philippines, bão giảm 1-3 cấp do ma sát với địa hình.

Dù vậy, sau khi vào Biển Đông, hình thái này được dự báo mạnh trở lại và mạnh nhất ở thời điểm đi qua vùng biển phía nam quần đảo Hoàng Sa. Lúc này, sức gió mạnh nhất tới cấp 13-14, giật cấp 16.

“Khi vào vùng biển gần bờ, cường độ bão duy trì sức gió mạnh cấp 13 và có thể ảnh hưởng đến đất liền ở khoảng cấp 12-13, giật trên cấp 14”, ông Thái thông tin và cho biết, đây dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ.

So sánh trong quá khứ, chuyên gia nhận định bão Noru có sức ảnh hưởng mạnh tương tự cơn Xangsane vào tháng 9/2006, bão Ketsana vào tháng 10/2009 và bão Molave vào tháng 10/2020.

Trước mắt, các mô hình dự báo cho thấy bão khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến 4 địa phương là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định với mức độ rủi ro thiên tai đến cấp 4. Ngoài ra, 4 địa phương có thể ảnh hưởng gián tiếp là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên và Kon Tum với mức độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Ông Trần Hồng Thái cho biết thêm, khu vực ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi được cảnh báo nguy cơ nước dâng 0,8-1,2 m. Kịch bản cực đoan, nước có thể dâng tới 1,4-1,8 m. Người dân đề phòng nguy cơ ngập tại vùng trũng, thấp tại ven biển và cửa sông các địa phương trên.

Dừng các cuộc họp không cần thiết để ứng phó bão

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, Noru là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, có thể giật tới cấp 17, gây nguy cơ thiệt hại tài sản và tính mạng của người dân. Do đó, tinh thần là cần ứng phó sớm với cơn bão sắp tới.

Phó Thủ tướng dẫn số liệu năm 2017, hai cơn bão mạnh cấp 12 đã khiến 106 người chết và mất tích, thiệt hại nhiều tài sản. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, nhất là các địa phương, cấp cơ sở gần dân nhất, tổ chức triển khai khẩn trương các biện pháp phòng chống bão. Tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương dừng các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão, lũ. Căn cứ diễn biến và dự báo bão, ban hành Lệnh cấm biển, cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Khẩn trương rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch).

Noru là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào miền Trung trong 20 năm qua - 2

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo dừng các cuộc họp không cần thiết để chống bão. Ảnh VGP

Rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; Chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống bảo đảm an toàn nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

Thành lập ngay các đoàn công tác của Ban Chỉ quốc gia về phòng chống thiên tai, Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, của các bộ, ngành trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão tại các địa phương trọng điểm. Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thành lập Ban Chỉ huy tiền phương.

Phó Thủ tướng lưu ý, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, nhà cửa, công trình kết cấu hạ tầng, an toàn cho hoạt động sản xuất… Các địa phương cần thành lập các ban chỉ đạo, đoàn công tác, từ tỉnh, thành phố đến các quận, huyện, xã. Triển khai công tác ứng phó với phương châm "bốn tại chỗ", chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, rà soát lại dự trữ, nhất là lương thực, thực phẩm. Tránh tình trạng khi bị chia cắt nhưng không có lực lượng cứu hộ kịp thời, để người dân bị đói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm