Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái với chủ đề “Xòe Thái - tinh hoa miền di sản”, diễn ra tại Sân vận động Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái vào tối ngày 24/9/2022, khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, dân tộc Thái các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng.
Đây là sự kiện hết sức quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu cho hành trình tiếp theo để bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị tốt đẹp của Nghệ thuật Xòe Thái trong tương lai.
Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xoè Thái" vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Buổi lễ đã diễn ra Chương trình nghệ thuật “Xòe Thái – Tinh hoa miền di sản” với sự tham gia của trên 3.000 nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân, trong đó, màn đại xòe diễn ra với quy mô 2.022 người
Vòng xòe kết thành biểu tượng "Khau cút" trang trí trên hai đầu nóc nhà sàn của đồng bào Thái
Các nghệ nhân Thái hát tiếng Thái kể câu chuyện văn hóa của chính dân tộc mình trong Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh nghệ thuật xòe Thái vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Trong tiếng Thái, “Xòe” có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Có ba loại Xòe: Xòe nghi lễ, Xòe vòng và Xòe trình diễn. Xòe nghi lễ và Xòe trình diễn được gọi theo tên các đạo cụ sử dụng, như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, và Xòe hoa…
Các động tác múa cơ bản là giơ tay lên cao mở ra, hạ xuống, người hơi ưỡn ngực, lưng ngả về sau nắm tay người bên cạnh bước đi nhịp nhàng
Hiện nay, Xòe Thái rất phát triển trong các cuộc vui, liên hoan văn nghệ của cộng đồng, trong các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, các lễ hội mới như lễ hội Hoa ban, các Tuần văn hóa, Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc. Xòe đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam.
Những người thực hành Xòe là thành viên của cộng đồng người Thái chủ yếu ở 4 tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Trung tâm của Xòe có thể được coi ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La).
Xòe vòng phổ biến nhất là màn đồng diễn mà người Xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người. Các động tác múa cơ bản của Xòe là tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm tay người bên cạnh cùng bước chân nhịp nhàng. Người hơi ưỡn ngực, lưng ngả về phía sau. Mặc dù các động tác múa đơn giản nhưng biểu trưng cho khát vọng về sức khỏe và hòa hợp của cộng đồng.
Những động tác múa uyển chuyển hòa với âm nhạc của các nhạc cụ như tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm chọe, pí pặp, bẳng bu, mák hính. Những nhạc cụ cùng với bài hát, trang phục áo cóm, âm thanh phát ra từ trang sức bạc đeo quanh thắt lưng của người phụ nữ Thái.
Xòe Thái được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, các đội văn nghệ, trường học và trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách và như là một dấu ấn văn hóa quan trọng của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.
Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Thái ở vùng núi Tây Bắc, mà còn là niềm vui chung của Việt Nam. Sự kiện cũng góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam phát triển năng động, nhưng vẫn giàu truyền thống, đậm đà bản sắc.