Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường, hiện tại Ban Quản lý đang triển khai khoảng 60 dự án đầu tư công và 9 dự án đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) với tổng số vốn được giao là hơn 1.900tỷ đồng (vốn trong nước hơn 1.727 tỷ đồng, vốn ODA gần 163 tỷ đồng).
Trong nhiệm vụ được giao triển khai có dự án trọng điểm quốc gia là Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và 3 dự án trọng điểm, nhóm A giai đoạn 2021-2025 (gồm cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai; đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Vành đai 3); 4 dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 (gồm hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3; hầm chui tại nút giao Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng; nút giao An Dương - đường Thanh Niên giai đoạn 2; cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch).
Đến nay, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã giải ngân được 883,2/1.900,48 tỷ đồng, đạt 46,5%. Ban phấn đấu cả năm 2022 giải ngân khoảng 1.850 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch vốn thành phố giao.
Với dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, ngay sau khi khởi công (ngày 9/1/2021), đến nay khối lượng trên công trường ước đạt 70%. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành hợp long các nhịp chính trước ngày 30/6/2023; hoàn thành các hạng mục còn lại (đúc gờ bê tông lan can, khe co giãn, cây xanh, chiếu sáng, thảm mặt cầu, sơn kẻ tổ chức giao thông) xong trong tháng 9/2023, khánh thành dịp 10/10/2023.
Với dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, đến nay, khối lượng thi công trên công trường ước đạt 85%. Dự kiến, ngày 25/9/2022 hoàn thành thi công kết cấu mặt đường tại đường dẫn phía Lê Văn Lương, dải phân cách giữa hầm và rãnh thoát nước. Trước ngày 5/10/2022 đơn vị thi công sẽ hoàn thành thảm lớp bê tông nhựa, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh, dịch chuyển cụm đèn tín hiệu giao thông, sơn kẻ, tổ chức giao thông toàn bộ nút giao.
Dự án đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, đã cơ bản hoàn thành, nhưng chưa triển khai thẩm tra an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mục tiêu thông xe kỹ thuật vào cuối năm nay. Còn dự án dường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, từ khi Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án nảy sinh tranh chấp đã rơi vào bế tắc, không thi công.
Dự án đường Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng - Quốc lộ 1A sau nhiều năm vướng mắc, nay đã giải phóng mặt bằng được khoảng 95% khối lượng, nhưng do chưa gia hạn hợp đồng dự án nên nhà đầu tư không thể thi công. Sự chậm trễ này còn ảnh hưởng cả tới việc triển khai kết nối đồng bộ với dự án xây dựng hầm chui tại nút giao giữa Vành đai 2,5 - đường Giải Phóng dự kiến khởi công tháng 10 tới.
Trước thực tế trên, mới đây Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu trên các công trường giao thông trọng điểm của Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ, kịp hoàn thành dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 đúng vào ngày 10/10/2022 sắp tới. Với dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 quyết tâm hoàn thành đưa vào khai thác vào dịp 2/9/2023.