Chiều 25/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai nhằm ứng phó cơn bão có tên quốc tế Noru đang tiến vào Biển Đông. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều nay (/25/9), bão Noru cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng hơn 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo, chiều nay (25/9) bão sẽ đổ bộ vào Philippines; sau đó tối đến đêm nay, bão sẽ vào Biển Đông trở thành cơn bão số 4 năm 2022.
Bão mạnh nhất (cấp 13, giật cấp 16) trên Biển Đông vào ngày 27/9. Từ chiều 27/9, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Huế - Quảng Ngãi. Khả năng cao khi vào gần bờ, cường độ bão Noru mạnh cấp 12-13.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (màu đỏ - rủi ro rất lớn – là cấp rủi ro thiên tai chỉ đứng sau cấp 5 – thảm họa trong thang 5 cấp rủi ro thiên tai).
Cơ quan khí tượng nhận định, đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, các địa phương đã tổ chức kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn cho 57.840 tàu với hơn 300.000 lao động.
Đặc biệt, trong 24h tới (theo hệ thống giám sát tàu cá), lực lượng chức năng cần phải kêu gọi 127 tàu trong vùng nguy hiểm (Bình Định 100 tàu, Quảng Ngãi 24 tàu, Quảng Nam 1, Phú Yên 2).
Về tình hình nuôi trồng thủy sản, các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có 16.661ha.
Các tỉnh từ Quảng Bình – Bình Thuận rà soát phương án sơ tán dân với tổng số 213.914 hộ/868.230 người, trong đó các tỉnh từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tùy theo diễn biến của bão.