"Mười lăm năm trước, cha tôi mất việc làm. Gia đình tôi không biết tìm đâu ra tiền để thuê nhà. Ông mang xe đẩy ra ngoài và bắt đầu nhặt vỏ lon. Bây giờ ông nghỉ hưu và chúng tôi tiếp quản", Jeanett Pilatacsi, 38 tuổi, ở Queen, New York, nói.
Mỗi chiếc túi trên góc đường Riverside Drive và West 89th Street chứa khoảng 200 vỏ đựng đồ uống, mỗi vỏ trị giá 5 cent (1.000 đồng), nếu mang đến đổi tại trung tâm tái chế Elmsford, New York.
Lúc đầu, bố Pilatacsi chỉ nhặt được 30 vỏ chai đồ uống mỗi tuần. Bây giờ, vào những ngày thuận lợi nhất, các thành viên trong gia đình thu thập tới 100 túi, tương đương 1.000 USD.
Tất cả 12 thành viên trong nhóm của Pilatacsi đều có quan hệ họ hàng và sống cùng nhau trong một ngôi nhà ở Rego Park. Cô Jeanett Pilatacsi cho biết lợi nhuận từ nhặt phế liệu thanh toán được tất cả hóa đơn của họ. Khi không làm việc, họ dùng bữa cùng nhau, cùng giúp đỡ để nuôi dạy con và chia sẻ số tiền hàng nghìn USD kiếm được mỗi tuần.
Những đứa trẻ trong gia đình thi thoảng giúp thu nhập những chiếc hộp khi chúng không đến trường. Cháu trai của Pilatacsi, 11 tuổi, dự định học đại học, vẫn phụ gia đình trong những ngày ngày hè.
Pilatacsi coi công việc của gia đình mình như một doanh nghiệp, nơi có thể học được giá trị của việc tạo dựng mối quan hệ với những người trông coi cửa hàng và những người khuân vác. ''Đôi khi mọi người nói chúng tôi đang bới rác những tôi không quan tâm. Chúng tôi biết mình đang làm gì'', người phụ nữ nói.
Trong khi người giàu ở New York thờ ơ với những người thu gom, vận chuyển đồ tái chế qua các khu phố sang trọng, Jeanett Pilatacsi thấy đó là nghề mang lại sự tự tôn và được trả lương cao.
Trước kia, cô cũng từng làm trong nhà máy sản xuất nến, phải làm việc nhiều giờ nhưng tiền ít. "Bây giờ tôi và gia đình cùng làm từ trưa đến 8h tối, thu gom cho đến khi chất đầy xe tải. Một ngày thu hơn 600 USD", cô cho biết.
Gia đình Pilatacsi không phải nhóm duy nhất hành nghề nhặt phế liệu. Theo Ryan Castalia, giám đốc điều hành của trung tâm đổi quà phi lợi nhuận Sure We Can, ước tính có khoảng 8.000-10.000 người New York kiếm tiền bằng cách thu gom lon, chai và hộp nhựa trả cho các cửa hàng. Trong số đó, khoảng 100 người xem đây là công việc mưu sinh chính.
Ông Ray del Carmen, sống ở Brooklyn, hiện đang làm quản lý tại Sure We Can, cũng từng làm nghề ve chai, cho biết những người làm nghề luôn biết rõ ngày nào họ sẽ nhặt được nhiều phế liệu, nhất là dịp lễ lớn.
Dù không nhặt phế liệu toàn thời gian như trước, ông vẫn giúp đỡ bạn gái mình, một người kiếm sống bằng nghề này, bằng cách phụ cô trong ngày lễ lớn nhất. "Ngày thánh Patrick là ngày tuyệt vời nhất. Mọi người bắt đầu uống rượu sớm. Vì vậy, từ 2h chiều đến 4h sáng, đi từ quán bar này sang quán bar khác, giữa đường 42 và đường 45, tôi đã kiếm được 800 USD", ông kể.
Với Mario Palonci, 70 tuổi, một người nhập cư gốc Cộng hòa Séc, nhặt rác trở thành một lối thoát. "Tôi uống 20 hoặc 30 lon bia mỗi ngày", ông nói. Người đàn ông hiện đang sống trong một mái ấm ở Brooklyn bù đắp khoản thiếu hụt tài chính bằng cách nhặt 2.000 vỏ lon mỗi đêm.
"Tôi dành cả buổi sáng để phân loại đồ nhựa, sắp xếp chúng, bỏ vào vào những chiếc túi thích hợp. Đó là công việc khó khăn nhưng là công việc tốt nhất với tôi", ông nói.
Ngoài tiền bạc, Palonci nói công việc giúp ông được tôn trọng.
Thu phế liệu với Josefa Marin, một người Mexico nhập cư, là nghề mang lại tương lai tốt đẹp cho hai mẹ con cô. Vào đầu những năm 2000, con gái học cao đẳng, vì vậy, cô phải vật lộn kiếm sống với hàng loạt công việc được trả lương thấp. Thất nghiệp, Marin chuyển sang nhặt lon để trả tiền sách vở, ăn uống và chi phí đi lại cho con.
"Tôi là ông chủ của chính mình và có thể làm việc chăm chỉ để thành công. Lúc đầu tôi kiếm 20-30 USD một ngày, sau đó lên 90 USD", cô cho hay.
Năm 2011, cô tình cờ gặp người đàn ông tên Pedro Romero, một đồng hương ở Puebla. Anh ấy cũng đang phải vật lộn với cuộc sống mới.
Họ nhận ra nhau, yêu nhau và cùng đi nhặt phế liệu suốt ngày đêm, ngủ khi nào có thể, thường là trong chiếc xe chở phế liệu.
(Theo NyPost)