Bộ trưởng Công Thương: Nguồn xăng đủ cung ứng đến hết tháng 3
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định với mức 3,7-3,8 triệu tấn từ nguồn xăng dầu dự trữ, cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và đặc biệt từ nguồn hàng nhập khẩu gấp 3 lần bình thường từ đầu tháng 2 đến nay thì Việt Nam có đủ lượng xăng dầu cung cấp cho thị trường đến hết tháng 3.
Nguồn xăng đủ cung ứng đến hết tháng 3.
"Vụ thị trường trong nước và Hiệp hội xăng dầu sẽ tham mưu chi tiết cho Bộ để có phân bổ cho các thương nhân phân phối, các doanh nghiệp bán lẻ trong những ngày tới để bảo đảm tất cả địa phương không được thiếu xăng dầu đến hết tháng 3", ông nói.
Bộ trưởng cho biết từ cuối tháng 3 trở đi, Bộ sẽ quyết định điều hành theo kịch bản. Theo đó, lượng xăng dầu sản xuất trong nước thiếu hụt bao nhiêu sẽ được bù đắp vào bấy nhiêu từ nguồn nhập khẩu cộng với 20% gia tăng để đáp ứng cho nhu cầu phục hồi kinh tế.
Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu từ tháng 3, doanh nghiệp nhập khẩu, tư nhân phân phối, bản lẻ xăng dầu đều phải khai báo rõ số lượng xăng dầu nhập khẩu và bán ra trên cổng thông tin của doanh nghiệp và Bộ Công Thương.
Lượng khách bay tháng 2 tăng gần 58%
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã điều hành khoảng 60.500 chuyến, tăng 157% so với tháng 2/2021. Trong số này, có 13.200 chuyến bay quá cảnh, tăng 67,4% so cùng kỳ.
Lượng khách bay tháng 2 tăng gần 58%
Lượng khách qua các sân bay trên cả nước đạt hơn 6,1 triệu lượt, tăng 57,8% so với tháng 2/2021. Trong số này, có 105.000 khách quốc tế, tăng 350% so với tháng 2/2021. Khách nội địa đạt hơn 6 triệu lượt, tăng 56,1%. Hàng hóa thông qua đạt 113.000 tấn, tăng 27,6% so với tháng 2/2021.
Cũng trong tháng 2/2022, các hãng hàng không nội địa vận chuyển hơn 3 triệu khách, tăng 56,8% so với tháng 2/2021. Trong số này có 39.400 khách quốc tế, gần 3 triệu khách nội địa.
Cục Hàng không mới đây đánh giá thị trường đã phục hồi ở mảng nội địa cũng như mở lại bay quốc tế. Với bay quốc tế, hành khách quốc tế nói chung và công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nói riêng đã có thể nhập cảnh Việt Nam qua các chuyến bay thường lệ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Mỹ, Australia, Anh, Pháp, Đức, Nga và không thường lệ từ Hong Kong, Malaysia, Qatar, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ.
Sớm đưa kit test Covid-19 vào diện bình ổn giá
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Y tế có ngay giải pháp quản lý giá, bình ổn mặt hàng kit test Covid-19.
Nội dung này được Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá nêu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo giá, sáng 25/2.
Theo Phó thủ tướng, năm 2022 diễn biến phức tạp khi các loại hàng hoá, dịch vụ, nguyên vật liệu đầu vào đều có xu hướng tăng khi các nước phục hồi kinh tế và những bất ổn địa chính trị, Nga - Ukraine...
Dịch bệnh vừa qua diễn biến phức tạp, nhiều mặt hàng liên quan tới phòng, chống dịch như kit test nhanh Covid-19 tăng giá, khan hiếm. Bình quân giá kit test nhanh Covid-19 tăng giá 15-20% so với thời điểm trước Tết nguyên đán.
Hiện các mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch đã được bổ sung vào danh mục hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá. Tuần trước, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Tài chính nguyên cứu, đưa kit test và các mặt hàng, thiết bị, vật tư y tế phòng, chống Covid-19 vào diện bình ổn giá.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu giảm thuế cho xăng, dầu
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 160 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Đề xuất phương án giảm thuế của hai bộ cần được báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2.Hiện thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng RON 95 là 4.000 đồng một lít, E5 RON 92 là 3.800 đồng một lít, còn dầu diesel là 2.000 đồng mỗi lít.
Bên cạnh thuế bảo vệ môi trường, mặt hàng xăng còn chịu nhiều loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8% và không thu thuế với các loại dầu), thuế nhập khẩu 8%, thuế giá trị gia tăng.
Cá nhân có được tự do buôn bất động sản?
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bất động sản. Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2022 và thay thế cho Nghị định 76/2015/NĐ-CP.
Theo nội dung Nghị định 02, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản (trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên) phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về DN hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã có ngành nghề kinh doanh bất động sản.
Như vậy, so với Nghị định 76/2015/NĐ-CP thì Nghị định 02/2022/NĐ-CP đã bỏ yêu cầu vốn pháp định 20 tỷ đồng (nhằm đảm bảo phù hợp với điểm a khoản 2 Điều 75 Luật Đầu tư năm 2020).
EVN lỗ kinh doanh điện hơn 1.307 tỷ đồng năm 2020
Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Báo cáo cho thấy, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2020 là 396.199,38 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành. Sản lượng điện năng giao nhận năm 2020 là 231,54 tỷ kWh và sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2020 là 216,95 tỷ kWh.Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2020 theo sản lượng điện thương phẩm là 1.826,22 đồng/kWh, giảm 1,22% so với năm 2019.
Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2020 là 394.892,09 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2020 là 1.820,2 đồng/kWh, giảm 1,68% so với năm 2019.
Bộ Công Thương cho biết việc giá bán điện thương phẩm bình quân năm 2020 giảm so với năm 2019 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã thay đổi cơ cấu tỷ trọng phụ tải của các nhóm khách hàng sử dụng điện, đặc biệt nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ có giá bán điện cao, năm 2020 tiêu thụ sản lượng điện với tỷ trọng thấp, các khách hàng thuộc thành phần thương nghiệp - dịch vụ có sản lượng giảm sâu.