Lấy ý kiến cho đề xuất đánh thuế tài sản đối với nhà ở
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho đề xuất đánh thuế tài sản đối với nhà ở. Thực tế, dù mới là 1 văn bản lấy ý kiến về việc có cần xây dựng về thuế tài sản với nhà ở hay không, chưa phải là 1 đề xuất, càng chưa phải là một dự thảo mà đã khiến thị trường hoang mang.
Bộ Tài chính đã từng đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản với nhà ở. Tháng 4/2018, Bộ này từng đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản, song, do vấp phải sự phản ứng của dư luận, đề xuất đã bị thu hồi. Gần đây, tình trạng sốt đất diễn ra khắp nơi, ý tưởng về đánh thuế tài sản tiếp tục được Bộ Tài chính xới lại.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thực tế của nước ta hiện nay, việc đánh thuế ngôi nhà thứ 2, thứ 3… để ngăn đầu cơ là không dễ dàng.
Tiếp tục đề xuất giảm thuế 2.000 đồng/lít xăng
Bộ Tài chính cho biết trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương, ý kiến tham gia thống nhất của các bộ và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự án nghị quyết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Tiếp tục đề xuất giảm thuế 2.000 đồng/lít xăng.
Theo đó, cơ quan này đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12.
Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm.
Từ đó tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) cả năm khoảng 31.938 tỷ đồng/năm (số giảm thu ngân sách nhà nước bình quân là 2.661 tỷ đồng/tháng).
Người Việt ào ào lập tài khoản đầu tư chứng khoán
Theo số liệu vừa được Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) công bố, trong tháng 2, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 210.883 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 16.000 tài khoản so với tháng trước.
Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 210.765 tài khoản còn nhà đầu tư tổ chức mở mới 118 tài khoản. Như vậy, sau khi sụt giảm số lượng tài khoản mở mới trong tháng 1 thì con số này đã tăng trở lại trên mức 200.000 tài khoản vào tháng 2.
Đáng nói là, tốc độ mở mới tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng nhanh sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và thị trường đã trải qua một tháng giao dịch đầy biến động trong tháng 1.
Tháng 1, thị trường trải qua một số "cú sốc" như vụ xử lý vi phạm đối với giao dịch bán cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết hay vụ bỏ cọc của Tân Hoàng Minh khiến nhiều cổ phiếu lao dốc "không phanh".
Lũy kế 2 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 405.000 tài khoản chứng khoán. Con số này còn lớn hơn cả lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 cộng lại (393.659 tài khoản).
PVN không thể thể vừa xuất, lại vừa nhập dầu thô
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các bộ, ngành đẩy nhanh đầu tư dự án lọc hoá dầu, tránh tình trạng nhập khẩu dầu về lọc, trong khi nước ta cũng xuất khảu dầu thô.
"Dứt khoát phải đổi mới, nếu vướng ở cơ chế, chính sách thì sửa ngay. Không thể để trong cùng tập đoàn mà vừa khai thác, xuất khẩu dầu thô, trong khi đơn vị khác lại phải đi nhập khẩu dầu thô để chế biến", Phó thủ tướng nói.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu PVN đầu tư xây dựng dự án tại Khu công nghiệp Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu trong nước.
Giá dầu thô đang ở mức cao trong khi Việt Nam vẫn đang xuất khẩu phần lớn dầu thô khai thác được, trong khi phải nhập khẩu chủng loại khác để chế biến và tổng công suất của cả hai nhà máy lọc dầu cũng chỉ đáp ứng 70% nhu cầu thị trường trong nước.
Bộ Y tế yêu cầu không tăng giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2
Bộ Y tế vừa ban hành công văn số 1157/BYT-KHTC gửi các Sở y tế, y tế bộ, ngành, cơ sở y tế công lập và tư nhân trên toàn quốc, đề nghị thực hiện quy định về giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm việc xét nghiệm theo các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh, tránh lạm dụng, lãng phí.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền của địa phương quy định mức giá trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế áp dụng với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc các bộ, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn theo hướng dẫn tại Thông tư 2/2022/TT-BYT ngày 18/2/2022.
Đối với việc thu và thanh toán chi phí xét nghiệm từng đối tượng thực hiện theo quy định của pháp luật về giá và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Các cơ sở y tế lưu ý thực hiện phương pháp xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả.