Chỉ với 800 nhân dân tệ (2,8 triệu đồng), một người bình thường có thể trở thành KOL trên mạng xã hội với khoảng 100.000 người theo dõi. Với lượng "fan" lớn này, chủ tài khoản có thể đem đi chào hàng các nhà quảng cáo và kiếm lợi. Nhưng sự thật 100.000 người theo dõi này có thể là giả, một bài viết trăm triệu lượt xem trên Weibo cũng có thể được làm giả bởi "binh đoàn zoombie" - những lượt xem, theo dõi và bình luận ảo được thực hiện bằng các tài khoản tự động thay vì người dùng thật.
Trên các mạng xã hội lớn của Trung Quốc như Weibo, Wechat, QQ..., lượng KOL được hỗ trợ bởi những "đội quân zoombie" này ngày một nhiều khiến người dùng như lạc vào mê cung. Năm 2018, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin "90% lượt xem video trên mạng tại Trung Quốc là giả". Những lượt xem ảo này được tạo ra bởi các "trại cày" - nơi có hàng nghìn chiếc điện thoại Android, iPhone được gắn trên giá đỡ và vận hành tự động bởi phần mềm.
Nhưng công nghệ cày lượt xem đó đã cũ, chúng đã được nâng cấp bằng cách chỉ sử dụng bo mạch chủ của điện thoại di động. Họ tháo màn hình, tháo pin, lắp thêm bộ tản nhiệt và nguồn điện sau đó chèn thêm vài tấm nhựa để cố định là có một "binh đoàn zoombie" trên Internet hoàn toàn mới.
Giờ đây, các nhà cung cấp dịch vụ có thể đặt được hàng chục chiếc điện thoại trong một không gian nhỏ. Không chỉ tiết kiệm diện tích, chi phí để "nuôi" những cỗ máy cày lượt xem này cũng giảm đáng kể. Không cần màn hình, không cần pin và các linh kiện, một dàn máy này có thể tiết kiệm 1/5 chi phí so với các smartphone trước đây. Từ đó, giá các dịch vụ trên mạng xã hội cũng rẻ đi, kéo theo lượng KOL ảo ngày một nhiều.
Trên các mạng xã hội và trang thương mại điện tử không thiếu người cung cấp các thiết bị phần cứng nói trên. Nhưng nếu không có phần mềm, những "zoombie" này không thể vận hành. Ban đầu, những người bán phần cứng đều nói họ chỉ bán linh kiện, không bán phần mềm vì điều đó là phạm pháp. Tuy nhiên chỉ với vài thủ thuật nhỏ, người làm dịch vụ vẫn có thể tìm mua được loại phần mềm này. Các phần mềm cũng rất phong phú, khác biệt lớn nhất là số lượng bo mạch chủ có thể điều khiển. Đa số có thể điều khiển tối đa 100 bo mạch chủ.
Cùng sự góp sức của phần mềm điều khiển, vô số tài khoản ảo được sinh ra trên Internet. Nhưng với nhiều bước kiểm soát nghiêm ngặt của chính phủ Trung Quốc, các "zoombie" này cần thêm một bước nữa mới có thể tự do hoạt động trên Internet - kích hoạt bằng số điện thoại. Những thẻ sim này cũng được dân buôn bán với số lượng lớn trên các trang thương mại điện tử với giá khoảng 15 nhân dân tệ (50 nghìn đồng). Một số kênh còn sử dụng thẻ IOT - giống sim nhưng bán cho khách hàng doanh nghiệp với số lượng lớn. Những tài khoản được đăng ký theo cách này hoàn toàn không cần thông tin thật.
Trên Weibo, "binh đoàn zoombie" nhanh chóng tràn vào một phòng phát trực tiếp bán son, ngẫu nhiên gửi bình luận theo yêu cầu của người dùng dịch vụ. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải toàn bộ bí mật của ngành này. Ngoài việc tăng lượt theo dõi, lượt xem, những bình luận, đánh giá ảo còn ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tìm kiếm, mua sắm của người dùng trực tuyến. Những phần mềm này thậm chí có thể hoạt động song song với các buổi phát trực tiếp. Để tránh bị nền tảng phát hiện lượng người xem cao bất thường, phần mềm còn cho phép phân bổ lượng xem một cách "tự nhiên" nhất.
Xem và bình luận chỉ là những tính năng với gói dịch vụ cơ bản giá khoảng 1.998 nhân dân tệ (7,2 triệu đồng). Nếu bỏ ra 3.000 nhân dân tệ (10,8 triệu đồng), người dùng có thể mua gói cao cấp hơn với hàng chục tính năng đi kèm, cho phép tương tác cùng lúc trên nhiều nền tảng, tương tác với bình luận, nhắm mục tiêu, tự động gửi tin nhắn báo giá, tư vấn cho khách hàng ngay trong buổi phát trực tiếp...
Hệ luỵ của những "binh đoàn zoombie" trên Internet không chỉ là lượt xem, lượt theo dõi, bình luận ảo mà còn là những giao dịch mua bán giả mạo. Nói cách khác, dữ liệu trên các nền tảng trực tuyến đều có thể được làm giả bởi những tiến bộ của công nghệ.
Người xem những buổi phát sóng trực tuyến bị tràn ngập trong những bình luận như: "Sản phẩm rất tuyện vời; tôi đã mua trước đó; quá rẻ"... Các phần mềm cũng tạo ra những lượt tìm kiếm ảo, đưa một thương hiệu, từ khóa lên top tìm kiếm thịnh hành, làm mất đi "vẻ đẹp tự nhiên" của Internet. Các chuyên gia công nghệ lo ngại, trong tương lai khi việc tạo ra những "zoombie" trên Internet ngày một dễ, người dùng cơ bản sẽ bị chìm trong những luồng thông tin giả ngày càng được tạo ra một cách tinh vi.
(theo Sina)