Thời sự

Vì sao sống cạnh F0 vẫn "bất tử"? Các nhà nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân không ngờ

Một trong những bí ẩn của COVID-19 là tại sao một số người dường như có khả năng "miễn nhiễm" mặc dù đã tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học từ Đại học Hoàng gia London (Vương Quốc Anh) đã công bố kết quả của một nghiên cứu cho thấy các tế bào miễn dịch được tạo ra để chống lại bệnh cảm lạnh thông thường có thể bảo vệ cơ thể trước nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

Khi bạn bị cảm lạnh, hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể và lúc này, tế bào T (hay còn gọi là tế bào nhớ của hệ miễn dịch) sẽ tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh. Các tế bào T tồn tại trong cơ thể lâu hơn so với các kháng thể khác và giúp ngăn ngừa nhiễm cảm lạnh trở lại.

Virus corona là nguyên nhân gây ra 15 - 30% các trường hợp cảm lạnh. Nghiên cứu mới này cho thấy các tế bào T tồn tại từ những lần cảm lạnh trước đó do nhiễm virus corona có thể chống lại sự lây nhiễm SARS-CoV-2.

Đây là một nghiên cứu quan sát được công bố trên tạp chí Nature Communications (một tạp chí khoa học đa ngành của Vương quốc Anh). Nghiên cứu này được bắt đầu thực hiện vào tháng 9/2020 - thời điểm trước khi vaccine COVID được tung ra. Các nhà khoa học đã lấy mẫu máu của 52 người đang sống cùng với những người có kết quả khẳng định dương tính với COVID-19 bằng xét nghiệm PCR. Những người này được xét nghiệm PCR vào ngày thứ 1, thứ 4 và thứ 7 của nghiên cứu.

Các nhà khoa học đã phân tích các mẫu máu này để tìm nồng độ tế bào T từ những lần nhiễm virus corona trước đó.

Một nửa số người trong nghiên cứu này sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, trong khi nửa còn lại không bị nhiễm bệnh.

 Vì sao sống cạnh F0 vẫn bất tử? Các nhà nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân không ngờ - Ảnh 1.

Virus corona có thể gây nhiều bệnh, trong đó có cảm lạnh. Ảnh minh họa.

Tiến sĩ Rhia Kundu, Viện Tim và Phổi Quốc gia Hoàng gia Anh, tác giả của nghiên cứu, cho biết mức độ phơi nhiễm giữa 2 nhóm có PCR âm tính và PCR dương tính là tương tự nhau.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người không mắc SARS-CoV-2 có mức tế bào T phản ứng chéo (cross-reactive T cells) cao hơn đáng kể. Các tế bào nhớ này sẽ nhắm vào các protein bên trong của virus SARS-CoV-2 và ngăn ngừa virus phát triển.

Tiến sĩ Arturo Casadevall, chủ nhiệm bộ môn Vi sinh phân tử và Miễn dịch học, Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, nhận xét: "Đây là một nghiên cứu nhỏ, nhưng lại có những phát hiện rất thú vị và nhất quán với các dữ liệu khác về việc đã từng nhiễm virus corona có thể ảnh hưởng tới tính nhạy cảm của một người với COVID-19".

Tiến sĩ Casadevall nói thêm: "Nghiên cứu này củng cố quan điểm rằng tiền sử miễn dịch của một cá nhân và đặc biệt là tiền sử nhiễm các loại virus corona khác trước đó, là một yếu tố chính trong việc xác định nguy cơ lây nhiễm COVID-19".

Mở ra một hướng phát triển vaccine mới

Các loại vaccine hiện tại nhắm vào các protein gai trên bề mặt SARS-CoV-2 và kích thích sản xuất các kháng thể đặc hiệu đối với các protein gai. Các tế bào T phản ứng chéo nhắm vào các protein bên trong virus.

Các protein gai trên bề mặt virus thường xuyên đột biến và tạo ra các biến thể mới. Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng bên cạnh việc sản xuất các loại vaccine nhắm vào protein gai, chúng ta nên phát triển loại vaccine thế hệ thứ hai nhắm vào các protein bên trong virus. Vaccine kích thích sản xuất tế bào T có khả năng sẽ tạo miễn dịch lâu hơn so với vaccine chỉ kích thích sản xuất kháng thể.

Tiến sĩ Kundu cho biết: "Việc phát triển các vaccine nhắm vào những bộ phận không dễ biến đổi khác của virus sẽ tạo nền tảng tốt hơn cho hệ miễn dịch trong việc chống lại các biến thể có thể xuất hiện sau này. Loại vaccine này có thể là bước kế tiếp trong chiến dịch tiêm chủng nhằm kiểm soát dịch bệnh gây ra bởi virus SARS-CoV-2".

Nhóm nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London hiện đang hợp tác với các nhóm nghiên cứu khác để phát triển và thử nghiệm vaccine thế hệ thứ hai.

 Vì sao sống cạnh F0 vẫn bất tử? Các nhà nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân không ngờ - Ảnh 2.

Vaccine vẫn là phương pháp phòng ngừa COVID-19 hiệu quả nhất. Ảnh: Blue Planet Studio/Shutterstock.

Đừng chỉ trông chờ vào cảm lạnh

Tiến sĩ Simon Clarke, Phó Giáo sư về Vi sinh vật học Tế bào, Đại học Reading (Vương Quốc Anh) cho biết: "Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng bất cứ ai gần đây đã bị cảm lạnh đều có thể không bị nhiễm Covid-19, bởi virus corona chỉ chiếm 15 – 30% các trường hợp cảm lạnh".

Các chuyên gia khác cho biết các biến số khác, chẳng hạn như hệ thống thông gió cũng sẽ có tác động đến việc những người trong nghiên cứu có nhiễm COVID-19 hay không.

Tiến sĩ Kundu nhắc lại thông điệp này: "Đã từng bị cảm lạnh không có nghĩa là bạn có các tế bào T này, và tiêm chủng vẫn là cách bảo vệ tốt nhất có thể chống lại sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm