Hội đồng quản trị CTCP Nông nghiệp BaF (Mã: BAF) vừa thông qua việc góp 500 tỷ đồng vào vốn điều lệ của 8 công ty con.
Những công ty con được rót vốn gồm CTCP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh, Công ty TNHH Đầu tư trang trại Xanh 2, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bắc An Khánh, Công ty TNHH Chăn nuôi Nam An Khánh, Công ty TNHH Đầu tư Trang trị Xanh 1, Công ty TNHH Chăn nuôi Bảo Ngọc, Công ty TNHH Anh Vũ Phú Yên.
Đồng thời, BAF cũng muốn hỗ trợ cho hai công ty con là CTCP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh và Công ty TNHH Đầu tư trang trại Xanh 2 vay vốn tối đa mỗi công ty 50 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm. Thời gian giải ngân dự kiến từ quý IV/2022 đến quý I năm sau.
Việc cho vay nhằm hỗ trợ cho Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh thực hiện dự án trang trại chăn nuôi Hải Đăng với quy mô 10.000 con heo nái sinh sản ra 120.000 con/năm và trang trại chăn nuôi khép kín 60.000 con heo thịt. Song song đó là dự trang trại nuôi heo theo mô hình trại lạnh khép kín với quy mô 14.000 heo thịt/lứa.
Cách đây không lâu, HĐQT Nông nghiệp BaF cũng đã thông qua việc nhận 99,9% vốn của Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Tân Châu - một công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi lợn với vốn điều lệ 40,8 tỷ đồng.
Còn hồi tháng 5, Nông nghiệp BaF đã nhận chuyển nhượng vốn góp tối thiểu 80% của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Tâm Hưng - cũng là đơn vị lĩnh vực chăn nuôi lợn và sản xuất giống lợn tại Tây Ninh.
Tính đến cuối tháng 6, Nông nghiệp BaF sở hữu 13 công ty con với tỷ lệ nắm giữ từ 98% đến 100% và 2 công ty liên kết. Trong đó, 12 đơn vị kinh doanh chính trong lĩnh vực chăn nuôi, một doanh nghiệp còn lại là Công ty TNHH MTV BAF Meat Bình Phước hoạt động chủ yếu là giết mổ và chế biến thịt.
Tính đến cuối tháng 6, khoản mục tiền, tương đương tiền (gồm cả tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn) của Nông nghiệp BaF có số dư là 306 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp đi vay tổng cộng 419 tỷ đồng, đa số là nợ vay dài hạn, chiếm chưa tới 1/10 trong tổng nguồn vốn hơn 4.800 tỷ đồng.